TP HCM: Chấm dứt vụ kiện 1 tranh chấp, nhờ 2 cơ quan tài phán xét xử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 24/9/2024 vừa qua, 1 tuần sau khi Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore có phán quyết trọng tài nước ngoài ARB326/21/HTD liên quan tranh chấp giữa Cty CP Đầu tư Singapore - VN và Cty TNHH Amanland PTD; TAND TP HCM ra Quyết định 271/2024/QĐST-KDTM đình chỉ vụ kiện giữa 2 Cty này, mà trước đó hồi năm 2022 TAND TP HCM đã thụ lý.
Phán quyết trọng tài của SIAC và Quyết định đình chỉ vụ án của TAND TP HCM. (Ảnh: Hạnh Dung)
Phán quyết trọng tài của SIAC và Quyết định đình chỉ vụ án của TAND TP HCM. (Ảnh: Hạnh Dung)

Động thái này chính thức khép lại vụ kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng vốn góp tại 1 doanh nghiệp (DN) Việt Nam giữa 2 Cty này. Vụ kiện có nhiều tình tiết pháp lý thú vị, qua đó các DN có thể rút ra kinh nghiệm cho mình trong quá trình kinh doanh, thương thảo, thực hiện hợp đồng, xác định cơ quan xét xử.

Một vụ tranh chấp, cùng lúc nhờ 2 cơ quan tài phán xét xử

Theo hồ sơ, Cty TNHH Amanland PTD (số 7500A Beach Road, #09-316, the Plaza, Singapore 199591) là nhà đầu tư có 100% phần vốn góp tại Cty TNHH đô thị Sing Việt. Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Sở KH&ĐT TP HCM cấp năm 2014, thì Sing Việt đang thực hiện dự án Khu đô thị Sing Việt tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM. Dự án này đến nay vẫn đang trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa được Nhà nước ra quyết định giao đất, chưa được cấp sổ đỏ.

Ngày 5/4/2020, nhà đầu tư Amanland ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Sing Việt cho Cty CP Đầu tư Singapore - VN (SIVC - tầng 3, số 117, đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3). Hai bên thỏa thuận số tiền chuyển nhượng là 170 triệu USD. Bên mua chuyển tiền vào tài khoản “phong tỏa” tại ngân hàng.

Điều 9.11 của hợp đồng ghi rõ, trường hợp xảy ra tranh chấp, nếu hai bên không thương lượng được, thì “trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu thương lượng, tranh chấp sẽ được giải quyết bằng trọng tài thương mại tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC - TTQT)”, “phán quyết của Trọng tài là cuối cùng và mang tính ràng buộc với các bên”.

Sau một thời gian thực hiện hợp đồng, bên bán cho rằng bên mua đã vi phạm thời hạn chuyển tiền ký quý; không cung cấp hồ sơ, chứng từ; không thực hiện một số công việc khiến hai bên không thể thực hiện hợp đồng. Bên bán cho rằng cũng không được nhận tiền từ bên mua, mà tiền nằm trong tài khoản “đóng băng”; và hai bên chưa thực hiện chuyển nhượng phần góp vốn.

Ngày 18/11/2020, bên bán ra thông báo gửi bên mua, đề nghị xem xét thực hiện các vấn đề trên. Việc thương lượng giữa hai bên vẫn không có tiến triển. Ngày 2/2/2021, bên bán ra thông báo cuối cùng, tuyên bố đến ngày 17/2/2021 vẫn chưa nhận được tiền, thì sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng.

SIVC không đồng ý, nên căn cứ điều khoản tranh chấp ghi trên hợp đồng, ngày 21/10/2021 đã khởi kiện Amanland ra TTQT. Về phía Amanland, ngày 10/12/2021 cũng nộp hồ sơ phản tố tới TTQT, đề nghị chấm dứt hợp đồng mua bán giữa hai bên.

Một điều thú vị, là sau khi yêu cầu TTQT phân xử, thì sau đó SIVC lại có đơn khởi kiện gửi TAND TP HCM. Trong đơn đề ngày 29/4/2022, SIVC hoàn toàn không nhắc đến việc Cty này đã đưa sự việc ra TTQT. SIVC yêu cầu TAND TP HCM hai vấn đề: Thứ nhất, tuyên Điều 9.11 trong hợp đồng mua bán (tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại tại TTQT, phán quyết của TTQT là cuối cùng và mang tính ràng buộc với các bên - NV) là vô hiệu. Thứ hai, đòi Amanland tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán.

Ngày 6/5/2022, TAND TP HCM thụ lý vụ án số 62/TLST-KDTM về việc “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng góp vốn”, nguyên đơn là SIVC, bị đơn là Amanland.

Quyết định kịp thời, hợp lý của TAND TP HCM

Phía bị đơn cho rằng động thái TAND TP HCM thụ lý yêu cầu khởi kiện của SIVC là không phù hợp nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận lựa chọn cơ quan tài phán của các bên theo Điều 472 Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS); vì đây là giao dịch có yếu tố nước ngoài (bị đơn Amanland là nhà đầu tư nước ngoài - NV). Bị đơn đề nghị TAND TP HCM đình chỉ giải quyết vụ án.

Hồ sơ cho thấy liên tục từ khi TAND TP HCM ra quyết định thụ lý vụ án đến nay, phía SIVC vẫn tham gia quá trình xét xử của TTQT về sự việc. Ngày 13/10/2022, TTQT cho biết “một phiên xét xử trọng tài đang hoạt động và SIVC vẫn đang giữ vị trí nguyên đơn theo thông báo trọng tài ngày 21/10/2021”.

Như vậy, xảy ra sự việc 1 vụ tranh chấp, nhưng 2 cơ quan tài phán cùng đang thực hiện các thủ tục tố tụng.

Sau quá trình hơn 3 năm xem xét, nghiên cứu hồ sơ, để các bên tranh luận và đưa ra các chứng cứ, lấy lời khai các nhân chứng… ngày 17/9/2024, SIAC đã ra phán quyết ARB326/21/HTD.

Phán quyết nêu: Thứ nhất, TTQT có thẩm quyền xét xử để quyết định yêu cầu phản tố của Amanland trong sự việc này; thứ hai, hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp ngày 5/4/2020, đã được Amanland chấm dứt hợp lệ kể từ ngày 17/2/2021 theo quy định của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Một tuần sau khi SIAC có phán quyết, ngày 24/9/2024, TAND TP HCM ra Quyết định 271/2024/QĐST-KDTM đình chỉ giải quyết vụ án dân sự giữa nguyên đơn SIVC và bị đơn Amanland. Căn cứ đình chỉ được ghi rõ là “do có phán quyết trọng tài nước ngoài ARB326/21/HTD của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC)”.

Giải thích về sự việc, Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) cho biết, Điều 472 Bộ luật TTDS quy định đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài hoặc phán quyết của Trọng tài. Phán quyết của TTQT và quyết định đình chỉ vụ án của TAND TP HCM đã chính thức khép lại vụ kiện giữa hai bên.

“Việc TAND TP HCM ra quyết định đình chỉ vụ án nêu trên là kịp thời, hợp lý. Động thái của TAND TP HCM cũng một lần nữa khẳng định Việt Nam luôn tôn trọng luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam”, LS Hiệp nói.

Đọc thêm