Đề xuất nhiều dự án kết nối TP HCM với Đồng Nai
Theo đó, dự án quan trọng mà người dân mong chờ nhất từ trước đến nay đó chính là xây cầu thay phà Cát Lái kết nối giữa TP HCM và Đồng Nai được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố thống nhất hướng tuyến theo ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 631/TTg-CN ngày 9/5/2017 với quy mô đầu tư 6 làn xe. Giai đoạn đầu tư xây dựng sau khi tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - vành đai 3 TP HCM hoàn thành đưa vào khai thác. Đồng thời thực hiện các thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cầu thay phà Cát Lái vào đồ án quy hoạch của 2 địa phương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các đồ án quy hoạch khác có liên quan của hai địa phương.
Đối với dự án cầu kết nối thành phố Thủ Đức, TP HCM với huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (quy mô đầu tư 6 làn xe), Sở GTVT Thành phố kiến nghị UBND Thành phố thống nhất hướng tuyến, bắt đầu từ đường vành đai 3 tại vị trí nút giao Gò Công (giao với đường nhánh nối từ vành đai 3 ra tuyến Xa lộ Hà nội) thuộc thành phố Thủ Đức (TP HCM) kết nối với đường ĐT.777B theo quy hoạch sử dụng đất huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Trong khi đó, đối với dự án cầu kết nối khu Nam TP HCM (đường Hoàng Quốc Việt) với huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai có quy mô đầu tư 6 làn xe, Sở GTVT Thành phố kiến nghị UBND Thành phố thống nhất hướng tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Hữu Thọ đi dọc đường Hoàng Quốc Việt thuộc địa bàn quận 7 kết nối khu dân cư Phú Hữu của huyện huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Nhiều phương án kết nối cao tốc Bến Lức – Long Thành
Bên cạnh ba dự án nói trên, TP HCM cũng đang đề xuất phương án đầu tư các nút giao kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành (đi qua địa phận tỉnh Long An, Đồng Nai) với các tuyến đường thuộc TP HCM. Cụ thể, đề xuất 3 phương án giải quyết tồn tại dự án nút giao Quốc lộ 50 (QL50) với cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Theo đề xuất, phương án một, Ban Quản lý kiến nghị Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư theo quy mô hoàn chỉnh nút giao QL50 và nút giao Nguyễn Văn Tạo; Đầu tư đoạn tuyến QL50 và cầu vượt trên QL50 có quy mô đáp ứng 6 làn xe để đồng bộ với dự án xây dựng QL50.
Phương án thứ hai, đề xuất VEC thực hiện đầu tư cầu vượt trên QL50 và đường đầu cầu thuộc nút giao QL50 theo quy mô đáp ứng 6 làn xe để đồng bộ với dự án xây dựng QL50 và đầu tư hoàn chỉnh nút giao Nguyễn Văn Tạo ngay thời điểm hiện nay. Trong đó TP HCM sẽ thực hiện dự án đầu tư độc lập với tổng mức đầu tư dự kiến là gần 600 tỷ đồng.
Đáng chú ý, với phương án thứ ba, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đề xuất VEC thực hiện đầu tư cầu vượt trên QL50 và đường đầu cầu thuộc nút giao QL50 với quy mô đáp ứng 6 làn xe để đồng bộ với dự án xây dựng QL50. Trong đó, TP HCM sẽ thực hiện dự án độc lập với tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 1,1 ngàn tỷ đồng.
Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM, việc đầu tư đoạn tuyến QL50 thuộc phạm vi nút giao QL50 giai đoạn hoàn chỉnh là rất cần thiết để đảm bảo sự đồng bộ với dự án xây dựng QL50. Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được phê duyệt đầu tư từ năm 2016, đến nay cần rà soát, xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư, quy mô đầu tư của dự án cho phù hợp nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tránh gây lãng phí. Trong đó, việc xem xét đầu tư hoàn chỉnh nút giao QL50 và nút giao Nguyễn Văn Tạo là rất cấp bách để tránh gây ùn tắc giao thông trong giai đoạn hiện nay.
Trước đó, UBND TP HCM đã có đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý kiến thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Trong đó UBND Thành phố có kiến nghị thực hiện đầu tư hoàn chỉnh nút giao QL50 đảm bảo đồng bộ với dự án xây dựng QL50 (quy mô 6 làn xe). Nhưng sau đó, VEC chưa thu xếp được nguồn vốn thực hiện cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành nên việc VEC đầu tư hoàn chỉnh nút giao QL50 và nút giao Nguyễn Văn Tạo sẽ rất khó thực hiện.
Hiện dự án làm tuyến song hành Quốc Lộ 50 kết nối TP HCM và Long An đang được các đơn vị triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Như vậy, nếu các dự án, phương án trên được thực hiện thì tình hình kết nối giao thông giữa TP HCM và các địa phương lân cận sẽ thuận tiện hơn, tạo điều kiện phát triển, lưu thông hàng hóa cho vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.