TP Hồ Chí Minh: Đề xuất 3 giải pháp quản lý, giám sát cách ly tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 6/7, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh có văn bản trình UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất 3 giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà các ca nghi nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố.
 TP HCM đề xuất dùng vòng đeo tay để giám sát người cách ly tại nhà. (Ảnh minh họa)
TP HCM đề xuất dùng vòng đeo tay để giám sát người cách ly tại nhà. (Ảnh minh họa)

Giải pháp thứ 1 là hệ thống VHD (VietNam Health Declaration) do Viettel cung cấp (chỉ sử dụng điện thoại di động thông minh). Đây là giải pháp được Bộ Y tế chọn triển khai thí điểm “cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh”.

Giải pháp thứ 2 là STAYHOME, được Hội Tin học TP HCM đề xuất. Sản phẩm do Công ty TMA Solutions cung cấp và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung cung cấp hỗ trợ hạ tầng.

Thiết bị sử dụng gồm điện thoại di động và vòng đeo tay. Vòng đeo tay sẽ có chức năng tăng cường giám sát và đo nhiệt độ. Hội Tin học thành phố đề nghị hỗ trợ miễn phí 1.000 vòng đeo tay (tương đương 25.000 USD) khi áp dụng giải pháp này.

Giải pháp thứ 3 là HCMCovidSafe do nhóm Tech4Covid (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh...) đề xuất. Thiết bị sử dụng là vòng đeo tay có tích hợp SIM điện thoại.

Trong 3 giải pháp trên, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đề xuất chọn giải pháp VHD của Viettel là giải pháp chính để triển khai, bởi đây là giải pháp được Bộ Y tế chọn thí điểm. Giải pháp này có ưu điểm là quản lý tổng thể, tích hợp nhiều chức năng khác như khai báo y tế, quản lý nhập cảnh, phản ánh y tế… Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất tăng cường 2 giải pháp của STAYHOME và HCMCovidSafe để nâng cao hiệu quả giám sát cách ly ở những địa phương phù hợp.

Về cách thức giám sát của các giải pháp, Sở TT&TT cho biết, thông qua việc thu thập thông tin từ thiết bị điện thoại thông minh và vòng đeo tay của ca nghi nhiễm, người được phân công giám sát có thể giám sát việc tuân thủ quy định phòng chống dịch của các ca nghi nhiễm để kịp thời cảnh báo, nhắc nhở.

Thời gian triển khai thí điểm được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn thí điểm (tháng 7/2021) sẽ áp dụng tại quận 7, quận Gò Vấp, quận 12, quận Tân Bình, Đại học Quốc gia TP HCM. Giai đoạn 2 (trong tháng 8/2021) sẽ triển khai rộng trên tất cả quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Trước đó, ngày 5/7, Sở Y tế có tờ trình gửi UBND TP HCM về việc hướng dẫn thí điểm cách ly y tế tại nhà cho các trường hợp F1. Theo Sở Y tế, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện chủng virus mới có khả năng lây nhiễm nhanh trên diện rộng với số lượng người tiếp xúc gần lớn gây quá tải các cơ sở y tế tập trung.

Sở Y tế đề nghị UBND thành phố chỉ đạo TP Thủ Đức, các quận, huyện và ban ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức triển khai thí điểm cách ly y tế tại nhà cho F1. Việc này nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly y tế tập trung.

Theo đó, trường hợp F1 có mang khẩu trang y tế trong quá trình tiếp xúc, có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính thì được áp dụng biện pháp cách ly tại nhà.

Các trường hợp F1 đã được cách ly tập trung đủ 14 ngày và có kết quả xét nghiệm ngày thứ 14 âm tính cũng được chuyển từ cơ sở cách ly tập trung về cách ly tại nhà. Việc áp dụng thí điểm cách ly F1 chỉ áp dụng đối với các địa phương thuộc nhóm có nguy cơ cao gồm các quận 3, 6, 7, 10, 11, Phú Nhuận, huyện Nhà Bè, Cần Giờ; không áp dụng cho địa phương thuộc nhóm nguy cơ rất cao. Các F1 cách ly tại nhà sẽ được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 5 lần vào ngày thứ nhất, 7, 14, 20, 28 kể từ ngày bắt đầu cách ly.

Phải có giải pháp dứt khoát, mạnh mẽ, triệt để hơn, sớm chấm dứt dịch bệnh

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh yêu cầu trên khi dự cuộc họp giao ban trực tuyến phòng, chống dịch của TPHCM, chiều 6/7.

Phó Thủ tướng đánh giá sau hơn 1 tháng, TPHCM đã rất nỗ lực, quyết tâm chống dịch. Các lực lượng không quản gian khổ, tất cả vì bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Người dân TPHCM đã và đang trải qua những ngày tháng khó khăn, chịu rất nhiều bất tiện. Nhiều người bị ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập, nhất là người nghèo. Nhưng người dân TPHCM rất đồng sức, đồng lòng, có nhiều việc làm, hành động quý giá, cần tiếp tục phát huy.

Mặc dù vậy, tình hình dịch bệnh ở TPHCM tiếp tục diễn biến phức tạp. Không chỉ còn là nguy cơ mà thực sự dịch từ TPHCM đã bắt đầu lây lan ra các tỉnh. “TPHCM phải có những giải pháp dứt khoát hơn, mạnh mẽ hơn, triệt để hơn, hiệu lực hơn để sớm chấm dứt dịch bệnh, quyết không để dây dưa kéo dài. Các lực lượng chống dịch của TPHCM phải siết chặt đội ngũ, động viên người dân chấp nhận vất vả hơn, thiệt thòi hơn trong thời gian ngắn để sớm quay lại cuộc sống bình thường”, Phó Thủ tướng nói.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm