TP Hồ Chí Minh được tham gia tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án PPP

(PLVN) - Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã quy định trường hợp chi phí giải phóng mặt bằng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư dự án thì HĐND TP Hồ Chí Minh xem xét quyết định tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư.
Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)
Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Với 464/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiều 28/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo tóm tắt tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự thảo Nghị quyết.

Theo đó, về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 2), có ý kiến đề nghị rà soát thống nhất với cơ chế, đặc thù áp dụng cho TP Hồ Chí Minh, quy định trường hợp chi phí giải phóng mặt bằng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư dự án thì HĐND TP xem xét quyết định tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư.

UBTVQH xin báo cáo, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt nên việc triển khai thực hiện dự án đều có chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lớn, do đó việc cho phép HĐND TP được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án là phù hợp. Tuy nhiên, đối với các dự án đi qua địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, chi phí giải phóng mặt bằng có thể không cao nhưng do lưu lượng xe thấp, nếu áp dụng theo cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh thì sẽ không bảo đảm được phương án tài chính cho dự án. Tuy nhiên, tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết đã quy định rõ mức tối đa của từng dự án. Do đó, UBTVQH xin giữ như dự thảo Nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không quá 70% hoặc 80% tổng mức đầu tư để bảo đảm phương án tài chính cho các khu vực khó khăn, lưu lượng xe thấp cần thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông đường bộ.

UBTVQH xin tiếp thu, theo báo cáo của Chính phủ các dự án PPP đề xuất thí điểm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các dự án này gặp khó khăn, vướng mắc trong việc huy động vốn tín dụng tham gia đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ, khả năng hoàn thành dự án và giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đã dự kiến bố trí cho dự án.

Xét tính cấp thiết, quan trọng của dự án đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng, trong bối cảnh việc huy động vốn ngoài ngân sách tham gia các dự án PPP gặp nhiều khó khăn, đề xuất của Chính phủ tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia đầu tư để bảo đảm tính khả thi của các dự án này là có cơ sở. Do vậy, tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết đã hoàn thiện theo hướng cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP được vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với 2 dự án theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này.

Về cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ (Điều 3), một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định tiêu chí về năng lực của các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản và trách nhiệm của người có thẩm quyền trong việc triển khai thực hiện dự án; làm rõ hơn sự tham gia của Bộ Giao thông vận tải đối với việc giao cho các địa phương làm cơ quan chủ quản.

UBTVQH xin báo cáo, theo quy định của Luật Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải sẽ thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư các dự án giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản. Đồng thời, pháp luật về xây dựng đã quy định tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm của các cơ quan, tổ chức thực hiện dự án. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Nghị quyết đã quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 giao UBND cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm bảo đảm năng lực, kinh nghiệm của cơ quan, tổ chức được giao triển khai thực hiện dự án theo pháp luật về xây dựng.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá sơ kết việc triển khai thực hiện chính sách phân cấp cho các địa phương đầu tư các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.

UBTVQH xin báo cáo, tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã có Báo cáo số 581/BC-CP ngày 20/10/2023 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong đó đã có báo cáo việc thực hiện các cơ chế đặc thù thuộc Chương trình, đồng thời, theo quy định tháng 5/2024 Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội sẽ giám sát tối cao đối với việc thực hiện Nghị quyết này.

Đọc thêm