TP Hồ Chí Minh lên “dây cót” tăng tốc du lịch trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mới đây, TP HCM đã lên kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế, chia làm 2 giai đoạn. Lộ trình này được kỳ vọng sẽ làm gia tăng và thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam sau gần 2 năm vắng bóng.
TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch đón khách quốc tế.
TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch đón khách quốc tế.

Lộ trình phục hồi khả quan

Cụ thể, giai đoạn 1 (từ tháng 1-3/2022), người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, công dân Việt Nam được tham gia vào chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế trong trường hợp đảm bảo đáp ứng các điều kiện: Có hộ chiếu vaccine hoặc có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19: có giấy xác nhận khỏi bệnh hoặc xác nhận tương đương.

Đối với khách du lịch dưới 18 tuổi chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19 được đi cùng bố mẹ, người giám hộ hợp pháp hoặc người chăm sóc đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19; thực hiện nghiêm yêu cầu về xét nghiệm và quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế...

Giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 4/2022, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, công dân Việt Nam được tham gia vào chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế trong trường hợp đảm bảo đáp ứng các điều kiện như giai đoạn 1. Riêng đối với quy trình phục vụ khách quốc tế trong chương trình du lịch, ngành du lịch TP HCM đưa ra những yêu cầu chung đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Sở Du lịch TP HCM cho biết, qua năm 2022, ngành du lịch cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế khi dịch COVID-19 được khống chế. Vì vậy, sắp tới sẽ là cơ hội để đón trở lại khách quốc tế, thị trường tiềm năng bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Mặt khác, sau 2 năm bị “đóng băng” do ảnh hưởng dịch COVID-19, du lịch Việt Nam dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã có những tín hiệu ấm nóng trở lại, đặc biệt ở thị trường nội địa. Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhận định: “Những tháng cuối năm 2021 và những ngày đầu năm 2022 chứng kiến sự hồi phục sinh động của du lịch thành phố. Trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch nội đô với sáu chương trình du lịch mới hấp dẫn, kết nối các quận, huyện và TP Thủ Đức. Ngoài ra còn thúc đẩy liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM và 40 tỉnh, thành”.

Thời gian nghỉ Tết năm nay kéo dài 9 ngày, cộng thêm độ phủ vaccine ngày càng rộng giúp nhiều người yên tâm lựa chọn du lịch chào năm mới thay vì đón Tết kiểu truyền thống. Thị trường TP HCM là một trong những điểm đến được lựa chọn nhiều. Điều này cho thấy tương lai phục hồi du lịch đầy khả quan trong năm 2022 của TP HCM.

Nhanh chóng tăng tốc

Để không bỏ lỡ cơ hội phục hồi, ngành du lịch thành phố đã chủ động đón đầu, đưa du lịch trở về trạng thái mới. Điểm nổi bật nhất là các sản phẩm du lịch sáng tạo, mới mẻ liên tục công bố, tạo hứng khởi cho người dân đi du lịch.

Mới đây, TP HCM đã tổ chức thành công Ngày hội Khinh khí cầu, diễn ra trong 2 ngày 22 và 23/1. Đối với ngành du lịch TP HCM, ngày hội là hoạt động nhằm đa dạng hóa những sản phẩm du lịch thành phố, thông qua đó tái khẳng định hình ảnh TP HCM - điểm đến an toàn - hấp dẫn - sôi động và tràn đầy hứng khởi trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế, chuẩn bị cho việc đón du khách quốc tế trở lại thành phố trong năm 2022. Với ý nghĩa trên, Ngày hội khinh khí cầu, du thuyền và các hoạt động thể thao dưới nước TP HCM năm 2022 mang đến cho người dân thành phố và du khách nhiều hoạt động đặc sắc, mới lạ...

Bên cạnh các sản phẩm du lịch có thế mạnh trước đây, các doanh nghiệp đã chủ động phát triển, nâng cao chất lượng nhiều sản phẩm du lịch như: du lịch ẩm thực, mua sắm, đường thủy, sinh thái, y tế, tham quan thành phố, tham quan dã ngoại gắn với nông nghiệp và nông thôn mới vùng ven, hành hương…Đặc biệt, doanh nghiệp chú trọng hơn với du khách là nhóm nhỏ, gia đình, bạn bè, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện, hội thảo)...

Định hướng phát triển các tour du lịch mới theo xu hướng du lịch tại chỗ (staycation) với các tour khám phá địa phương thiết kế cho người dân địa phương với những hoạt động khám phá địa danh, văn hóa; du lịch biệt lập (isolated travel); du lịch xanh (green travel) gắn với những địa điểm thiên nhiên biệt lập và văn hóa bản địa gắn với mục tiêu phục hồi và bảo tồn các giá trị tự nhiên, môi trường. Xu hướng du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe như thể dục dưỡng sinh, thiền, yoga, trị liệu bằng khoáng chất, spa - thẩm mỹ, trải nghiệm ẩm thực, dinh dưỡng… giúp du khách thoải mái thư giãn, nuôi dưỡng tinh thần và làm đẹp thể chất.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt thay đổi phương thức hoạt động, đáp ứng nhu cầu khách du lịch đặc biệt về vấn đề an toàn. Vietravel đã đưa ra gói bảo hiểm du lịch trong nước cho khách hàng để đảm bảo quyền lợi cho khách. Đại diện Vietravel cho biết, các điều khoản bảo hiểm liên quan COVID-19 với chi phí tối đa lên đến 60 triệu đồng/người/vụ sẽ được áp dụng trong các dịch vụ.

Ngoài ra, du lịch trong mùa dịch có thể phát sinh những vấn đề không mong muốn như gần ngày khởi hành, kế hoạch buộc phải thay đổi vì điểm đến có diễn biến dịch bất thường, hoặc bản thân khách đột ngột trở thành F1, F0 phải điều trị, cách ly… Nên để bảo đảm quyền lợi cho du khách, một số hãng lữ hành cũng đã xây dựng các phương án linh hoạt như đổi điểm tham quan, lưu trú khác, hay bảo lưu chi phí tua, dịch vụ để du khách có thể tham gia khi thuận lợi hoặc quy đổi tua khác ở thời điểm thích hợp.

Doanh nghiệp nỗ lực thay đổi, các sở, ngành, địa phương cũng cần vào cuộc chung. Ông Trần Đoàn Thế Duy - Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng, một trong những yếu tố để du lịch thành phố có thể phục hồi nhanh chóng là sự đồng bộ các chính sách giữa thành phố và các tỉnh, thành, như sự nhất quán trong tiêu chí kiểm soát dịch giữa thành phố và các tỉnh, thành với nhau, đồng bộ quy định về giao thông vận tải, di chuyển giữa các vùng, địa phương với nhau.

Đọc thêm