Năm 2024, có 17/21 chỉ tiêu dự kiến đạt, vượt
Theo báo cáo, việc thực hiện chủ đề công tác năm 2024 tạo động lực thúc đẩy việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong 21 chỉ tiêu thành phần (của 18 nhóm chỉ tiêu) kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2024, có 17 chỉ tiêu dự kiến đạt, vượt; 1 chỉ tiêu chưa công bố, phấn đấu đạt; 3 chỉ tiêu dự kiến không đạt.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện hơn 502.753 tỷ đồng, đạt 104,12% dự toán, tăng 12,01% so cùng kỳ. TP tiếp tục đẩy mạnh khoa học công nghệ và phát triển công nghiệp, 4 ngành công nghiệp trọng yếu tiếp tục là động lực tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng tăng 10,5%. Hoạt động thương mại điện tử phát triển thúc đẩy dịch vụ vận tải tăng trưởng mạnh mẽ; khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 21,5%. Ngành du lịch tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao, tổng doanh thu tăng 18,8%, khách quốc tế đến TP ước đạt 6 triệu lượt, tăng 20%.
Tình hình lao động, việc làm có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ lao động nộp hồ sơ đề nghị thất nghiệp giảm 11,62% so với cùng kỳ năm 2023. Công tác giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm.
TP đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước thông qua các hệ thống; triển khai Bản đồ thực thi thể chế TP HCM nhằm theo dõi đánh giá chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Tỷ lệ người dân có danh tính số, tài khoản định danh điện tử đạt 100%. Đã triển khai cấp 2.048.702 chữ ký số cho người dân (đạt 34,7% tỷ lệ người trưởng thành có chữ ký số). Theo đánh giá của Bộ TT&TT, kinh tế số TP HCM tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2021 là 15,38%, năm 2022 là 18,66%, năm 2023 là 21,5%, năm 2024 ước đạt 22%
Việc thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 bước đầu tạo động lực giúp TP thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; từng bước khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước và chủ động triển khai một số chức năng, nhiệm vụ với quy trình, thủ tục rút gọn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Một số cơ chế, chính sách đặc thù đã đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đặc biệt các lĩnh vực quản lý đầu tư, tài chính, đô thị, khoa học công nghệ và tổ chức bộ máy chính quyền. TP HCM đã đưa vào cân đối từ nguồn cải cách tiền lương ngân sách TP để chi thu nhập tăng thêm 11.287 tỷ đồng.
Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết 98
Thời gian tới, TP HCM định hướng phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tri thức. Chuyển đổi số đồng hành với chuyển đổi xanh, phát triển công nghiệp xanh gắn liền với công nghiệp số. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng số nhằm tạo không gian phát triển mới.
Từ đó, UBND TP đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, xây dựng ban hành các quy định, quy chế, chính sách phục vụ triển khai chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng hoạt động thực thi công vụ trên môi trường số. Tiếp tục triển khai chiến lược quản trị dữ liệu TP; phát triển, cải tiến hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ hành chính công của người dân và DN ngày càng tốt hơn.
Tập trung nghiên cứu triển khai các giải pháp ứng dụng AI, khai thác và sử dụng có hiệu quả dữ liệu dân cư, lấy sự hài lòng của người dân và DN làm trọng tâm. Đưa vào vận hành các nền tảng số như hỗ trợ công tác điều hành khu phố, ấp; hệ thống thông tin quản lý cán bộ công chức, viên chức; quản lý đất đai; quản lý cấp phép xây dựng.
TP tiếp tục nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết 98 nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những “điểm nghẽn” của các ngành, lĩnh vực, nhất là huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương hỗ trợ DN phát triển.
Theo báo cáo của UBND TP HCM trình HĐND TP về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, công tác quản lý, sử dụng nhà, đất công trên địa bàn TP đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Từ đầu năm 2024, Sở Tài chính đã trình UBND TP và Bộ Tài chính phê duyệt phương án xử lý 12.915 địa chỉ nhà, đất. Trong đó, khối TP có 10.853 địa chỉ và khối Trung ương có 2.062 địa chỉ.
Đến nay TP đã xử lý thu hồi 339 địa chỉ nhà, đất với tổng diện tích 1.206.839m². Có 91 địa chỉ (333.255m²) được chuyển giao cho UBND các quận, huyện để thực hiện các công trình phúc lợi công cộng, công viên cây xanh, bệnh viện và trường học. 172 địa chỉ (623.140m²) được chuyển giao cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập để làm trụ sở làm việc, đặc biệt ưu tiên các cơ quan chưa có trụ sở hoặc mới thành lập.
65 địa chỉ (206.389m²) được thu hồi để bán đấu giá nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 11 địa chỉ (44.055m²) được sử dụng làm quỹ đất thanh toán hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) cho các dự án hạ tầng khi được UBND TP phê duyệt nhà đầu tư.
Song song đó, việc thẩm tra quyết toán các dự án đầu tư công cũng giúp tiết kiệm đáng kể cho ngân sách. Năm 2024, thành phố đã thẩm tra quyết toán 81 dự án với tổng mức đầu tư gần 5.773 tỉ đồng, tiết kiệm được 30,969 tỉ đồng so với giá trị do chủ đầu tư đề nghị.