TP. Hồ Chí Minh sẽ thí điểm xã hội hóa việc PBGDPL và TGPL

(PLO) - Hôm qua (14/11), Sở Tư pháp, Hội Luật gia TP.HCM đã tổ chức tọa đàm Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý trên địa bàn TP giai đoạn 2013-2016”. Buổi tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến quan trọng của đại diện ban, ngành các quận huyện, luật gia và khối doanh nghiệp… 
Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TP cho biết, hàng năm Hội đã tổ chức triển khai thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng, biên soạn tài liệu dưới dạng hỏi - đáp pháp luật, tuyên truyền trên trang tin của Hội và các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hiệu quả mô hình “Ngày Phụ nữ và Pháp luật”… 
Trong 4 năm triển khai thực hiện mô hình (2010-2013), Hội đã tư vấn pháp luật cho 2.353 trường hợp, riêng 14 đợt “Ngày Phụ nữ và Pháp luật”, Hội cũng đã tư vấn pháp luật trực tiếp miễn phí cho 382 trường hợp và mô hình này đã và đang được các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương ủng hộ và tạo được sự đồng thuận của xã hội. 
TGPL lưu động. Ảnh minh họa
 TGPL lưu động. Ảnh minh họa
Luật gia Nguyễn Thế Hùng (Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM) cũng thông tin, các chuyên mục như Pháp luật và cuộc sống, Công dân và Pháp luật, Gõ cửa luật sư, Tư vấn pháp luật trực tiếp… đang ngày càng thu hút nhiều đối tượng nghe đài. 
Ông Huỳnh Tấn Đạt – Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) TP.HCM cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 322 xã phường thì đã có trên 112 Câu lạc bộ TGPL sinh hoạt ít nhất một lần trong năm. Ngoài ra, theo Luật Phổ biến giáo dục pháp luật thì mỗi tổ dân phố có một tổ hòa giải (3 người/tổ). Như vậy trong một quận ít nhất cũng có 900 tổ hòa giải nhân dân, toàn thành phố với 24 quận huyện sẽ có 21.600 tổ hòa giải. 
Để tuyên truyền pháp luật và TGPL đến với người dân một cách có hiệu quả, bà Nguyễn Thị Bích Thủy – Chủ tịch Hội Luật gia quận Bình Thạnh - cho rằng: Với phương châm tuyên truyền pháp luật là phải “mưa dầm thấm lâu”, do đó, cần áp dụng công tác này dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú và sinh động. 
Bên cạnh tuyên truyền miệng, hội thi, đố vui pháp luật… , cần có sự tăng cường phối hợp với UBND các phường, các đoàn thể khác để vận động tuyên truyền người dân tìm đến tư vấn pháp luật; đồng thời chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ, chọn lọc xây dựng đội ngũ tư vấn pháp luật.
Bà Trần Việt Thái – Phó phòng Phổ biến và giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp TP.HCM - cho rằng: Để xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật một cách toàn diện, cần phải nhờ vào các nguồn lực khác và phải có sự gắn kết giữa các khối ban, ngành để phát huy được mọi nguồn lực của xã hội thì công tác xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật mới thực sự đi vào cuộc sống.

Đọc thêm