Hệ thống trả lương hưu cho công chức liên bang trả hơn 400 triệu USD cho những người nghỉ hưu không còn sống. Và một chương trình trợ giúp cũng đã trả hơn 3,9 triệu USD hóa đơn tiền dùng máy lạnh và lò sưởi cho hơn 11.000 người không còn hiện diện trên đời này.
|
Ông Leonard Cleveland, 78 tuổi "được" khai tử dù vẫn sống khỏe. Ảnh: Internet |
Với hệ thống theo dõi thông tin đã lỗi thời, không chỉ có vấn đề với người đã chết, chính phủ Mỹ cũng có khó khăn xác nhận ai là người đang sống.
Đối với nhóm đầu tiên, những người đã chết nhưng vẫn được tính là còn sống trong hồ sơ chính phủ liên bang, do đó, những khoản tiền chi trả cho họ vẫn tiếp tục.
Hàng triệu USD cứ thế được tích tụ trong các tài khoản ngân hàng không ai để ý tới. Nhiều triệu USD khác hàng tháng được thân nhân của người chết thoải mái thụ hưởng.
Trong một trường hợp được coi là kỷ lục, một người đàn ông mới đây bị phát hiện đã nhận tiền an sinh xã hội của người cha quá cố trong suốt 26 năm.
Nhóm thứ 2 gồm những người Mỹ còn sống nhưng lại bị hệ thống giấy tờ coi như đã chết. Danh sách này được bổ sung thêm ít nhất 750 người mỗi tháng. Và một khi bạn đã vào danh sách này thì rất khó để xóa tên khỏi đó.
Mấy tháng trước đây ở tiểu bang Utah, một ông cụ đến Sở An sinh xã hội để chứng tỏ rằng mình chưa chết. Tuy nhiên, các nhân viên làm việc nơi đây muốn có thêm bằng chứng, vì thế, họ đã đưa cho ông một tờ giấy để yêu cầu ông viết hàng chữ “Tôi còn sống” vào tờ giấy đó làm bằng chứng!
Song, câu chuyện không chấm dứt ở đó. Cha con cụ ông nói trên đã phải tới lui Sở An sinh xã hội thêm mấy lần mà vẫn không giải quyết được vấn đề.
Cuối cùng, phải nhờ đến truyền thông làm rùm beng lên và có sự can thiệp của một dân biểu địa phương, ông cụ này mới được coi là còn sống để được hưởng các quyền lợi của mình.
Nguyên nhân của những vụ việc được cho là do thói quen xấu trong bộ máy nhà nước của Mỹ, ví dụ như việc thiếu sát sao của Quốc hội và sự hoạt động thiếu đồng bộ đáng ngạc nhiêu của các cơ quan liên bang.
Việc điền đầy đủ và chính xác vào danh sách những người đã qua đời ở Mỹ - rõ ràng là một việc mà chính phủ cần phải hoàn thành – nhưng cho đến nay vẫn chưa thực sự trở thành công việc của một cơ quan cụ thể nào.