Trình bày trước QH Báo cáo giải trình tiếp thu Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế sáng qua (22/3), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (QH) cho biết: “Ủy ban Thường vụ xin Quốc hội tán thành điều chỉnh quy định mức phạt chậm nộp thuế là 0,04%/ngày thay vì mức 0,03%/ngày như dự thảo luật đã trình Quốc hội vì mức phạt tiền chậm nộp 0,03% là thấp, thấp hơn mức lãi suất hiện hành của các ngân hàng thương mại, sẽ dẫn đến trường hợp doanh nghiệp cố tình chậm nộp tiền thuế cho Nhà nước”.
Tuy nhiên, đa số đại biểu QH (ĐBQH) lại không đồng tình mà đề nghị giữ nguyên mức phạt 0,03%/ngày nếu chậm nộp thuế với lý do “Khác với lãi tiền vay trả ngân hàng, tiền chậm nộp thuế không được tính vào chi phí, mà doanh nghiệp phải lấy từ lợi nhuận sau thuế với tỷ lệ 0,04%/ngày, bằng 14,6%/năm. Nếu quy về chi phí lãi vay trước thuế thì tương đương mức 18,25%/năm. Đây là mức quá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp” - ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) phân tích.
Cùng với đó, ĐBQH này cũng kiến nghị QH cân nhắc đưa vào quy định phải trả lãi cho người nộp thuế trong các trường hợp thu thừa thuế hoặc chậm hoàn thuế, nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế, công chức thuế trong thực thi công vụ.
Đối với chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng, theo ông Phùng Quốc Hiển, việc không cho hoàn thuế cho các sản phẩm xuất khẩu có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên như dự thảo, mà được kết chuyển sang kỳ tiếp theo là nhằm thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô, khuyến khích chế biến sâu tạo giá trị gia tăng lớn hơn ở trong nước.
Song, lý do này không nhận được sự ủng hộ của ĐBQH. Một số ĐB đề nghị xem xét lại quy định này để bảo đảm tính công bằng trong việc áp dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng. ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhấn mạnh: “Mục đích của quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng không phải là một công cụ thúc đẩy hay khuyến khích sản xuất hàng hóa có hàm lượng chế biến cao”. Hơn nữa, “việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp cần bảo đảm tính công bằng chứ không thể vì doanh nghiệp đó chưa có hàm lượng chế biến cao thì không được hoàn thuế” – ĐB kiến nghị.
Theo dự kiến, 3 Dự thảo Luật này sẽ được QH thông qua tại kỳ họp nhằm khắc phục những hạn chế và thích ứng với các quy định liên quan tới các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian qua.