Trả lại mùa hè cho trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cứ vào độ tháng 5, khi học sinh các cấp sắp bước vào kỳ thi cuối năm, trên các hội, nhóm lại thấy các bậc phụ huynh bàn về kế hoạch hè cho con.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vẫn cứ quẩn quanh cho con học gì, học ở đâu; chỉ có số ít phụ huynh chia sẻ về việc đưa cả gia đình đi du lịch hay cho con về quê thăm ông bà. Cùng với đó là lời mời gọi của giáo viên chiêu sinh nhiều lớp học hè: nào tiếng Anh, toán, vẽ, nhạc, múa… Sự học, đồng ý là vô cùng cần thiết, trẻ học được càng nhiều, càng sâu rộng thì càng có ích. Nhưng thời gian học ra sao, học như thế nào cho hiệu quả, làm thế nào để con ham học, yêu thích việc học tập… thì không phải vị phụ huynh nào cũng có phương pháp và cách ứng xử tốt với con. Bằng chứng là rất nhiều đứa trẻ ngán học, thậm chí stress chỉ vì áp lực học tập. Bố mẹ cũng vì yêu con, mong muốn con giỏi giang, không thua kém bạn bè nên ăn sâu trong tâm lý nhiều bà mẹ là luôn thắc thỏm, nhìn sang “con nhà người ta” để rồi bằng mọi điều kiện và cơ hội, phát triển con mình chỉ bằng việc học.

Một vấn đề quen thuộc, đang diễn ra hàng ngày nhưng để nhận thức một cách thấu đáo và điều chỉnh hợp lý thì không hề đơn giản. Người lớn sau một ngày miệt mài lao động cũng cần nghỉ ngơi, phục hồi sức lực. Tất nhiên, trẻ con cũng cần điều đó. Sau một năm học “quăng quật” từ trường học đến học thêm trung tâm, học với giáo viên kèm tại nhà với cơ man môn học, các em cũng cần được thư giãn, thậm chí được phép tạm quên đi áp lực mang tên “học” để có khoảng thời gian giải trí bổ ích. Hãy trả lại mùa hè cho con trẻ, trả lại tuổi thơ đúng nghĩa cho chúng. Đó là việc các bậc phụ huynh cần cân nhắc một cách tích cực.

Học sinh thành phố thường thiệt thòi hơn khá nhiều so với học sinh ở nông thôn vì nhiều chỗ còn thiếu sân chơi, môi trường sinh hoạt bổ ích. Nhiều trẻ gần như bị đóng khung trong phạm vi “trường - nhà - nhà hàng xóm”, điều này cản trở khá nhiều đến việc hình thành kỹ năng của trẻ. Vì thế, việc mở rộng cho trẻ được tiếp xúc, trải nghiệm ở những lớp năng khiếu nghệ thuật, ngoại ngữ, lớp học kỹ năng mềm thiên về vận động và giàu màu sắc giải trí sẽ giúp trẻ được sống trong môi trường tập thể sôi động, vừa có cơ hội học hỏi lẫn nhau, vừa tăng thêm sự tự tin và năng động. Ngoài ra, cần tạo cho trẻ nhiều hơn những không gian mở, thoáng đãng, thoải mái cho sự vận động như những chuyến pic-nic, thả diều, bơi lội… Những hoạt động này góp phần bồi dưỡng cho trẻ thêm nhiều kỹ năng mới, đồng thời giúp trẻ khám phá tiềm năng của bản thân, sống hòa mình với thiên nhiên, có quãng thời gian nghỉ ngơi, giải trí đúng nghĩa.

Sự học và phát triển trí tuệ, tâm lý của trẻ con rất đa dạng và sinh động. Một số phụ huynh chỉ yêu cầu con tập trung học, đôi khi đã bỏ qua việc nhận diện năng lực, khuynh hướng, sở thích chính đáng của con. Từ tình thương và trách nhiệm của mình, nhiều bậc cha mẹ vô hình trung tước đoạt đi tuổi thơ của con - cái tuổi vốn dĩ “học mà chơi, chơi để học”.

Việc một số gia đình duy trì được thói quen mỗi dịp nghỉ hè lại cho con về quê thăm ông bà là một tư duy tích cực. Thực tế cho thấy, đứa trẻ nào cũng vô cùng háo hức và mong đợi những mùa hè như thế. Bên cạnh niềm vui tinh thần của người già thì ngay bản thân mỗi đứa trẻ, những ngày hè được hòa mình vào cuộc sống nông thôn, được sống trong tình yêu thương, che chở của ông bà, đó là cách giáo dục tình cảm và ý thức cội nguồn hiệu quả nhất với trẻ. Ở một không gian hoàn toàn khác biệt, không có mặt của những con số, phép tính nhưng ở đó trẻ sẽ học được rất nhiều điều ý nghĩa từ cuộc sống, sinh hoạt, học được phép xử thế và cả trách nhiệm, nghĩa vụ của mình - điều mà lý thuyết, sách vở khó có khả năng chạm đến…

Đọc thêm