Chăm sóc trẻ trong dịp nghỉ hè

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nghỉ hè, trẻ không phải vùi đầu vào sách vở, học hành. Đây cũng là thời điểm “vàng” để phụ huynh thiết lập những nguyên tắc mới trong giáo dục tại nhà và chăm lo tốt nhất cho thể chất, tinh thần của trẻ.
Những chuyến dã ngoại hè là phần thưởng quý giá cho trẻ sau suốt một năm học.
Những chuyến dã ngoại hè là phần thưởng quý giá cho trẻ sau suốt một năm học.

Những nguy cơ trong mùa hè

Với chị Nguyễn Thị Hồng Hoa, nỗi lo lớn nhất trong mùa hè là con... nghiện điện thoại. Kinh nghiệm từ những mùa hè trước cho thấy, vì hai vợ chồng chị bận rộn việc làm nơi công sở, hai con trai thì nghỉ hè không có gì để chơi, để làm nên hai đứa trẻ cả ngày thi nhau vùi đầu vào điện thoại để giết thời gian. Hậu quả là sau một mùa hè, con lậm điện thoại, mắt lại lên độ cận khiến vợ chồng chị hết sức khổ sở. “Vợ chồng tôi cũng thu xếp được vài lần đưa các cháu đi du lịch đó đây nhưng như thế cũng chưa đủ. Cấm các cháu chơi thì các cháu than là ở nhà cả ngày chỉ biết đi ra đi vào, không biết làm gì cho hết thời gian. Thả cửa cho chạy chơi loanh quanh hàng xóm thì không dám. Thế nên cũng chẳng biết giải quyết vấn đề nan giải này thế nào. Tôi nghĩ đa phần các bậc phụ huynh ở thành thị cũng đều có nỗi khổ mùa hè như thế”, chị Hoa tâm sự.

Tương tự, nhiều phụ huynh khác cũng đau đầu khi mùa dịch con sa đà vào các trò nghiện game, cấm ở nhà thì con lén ra các tiệm net gần nhà để chơi. Trẻ con thành thị, nhiều nhà nhỏ hẹp, hoặc căn hộ chung cư ít có bạn bè đồng trang lứa, mùa hè của nhiều trẻ chỉ đơn giản là nhốt mình trong nhà để lướt hết trò này đến trò khác trên mạng xã hội. Có em, mùa hè tới đã “tuyên bố”: Hè này con sẽ dành cả mùa hè để lướt Tiktok, khiến phụ huynh hoảng hồn.

Đồng thời, những tai nạn ở nhà trong kì nghỉ hè cũng là điều khiến nhiều bậc phụ huynh phải lo lắng. Cha mẹ đi làm, con lớn trông con nhỏ, thậm chí dù cho có cả sự giám sát của người thân hay người giúp việc, trẻ vẫn có thể gặp phải nhiều nguy hiểm trong khi chơi đùa, chạy nhảy hàng ngày ở nhà hay quanh nhà. Đó là nguy cơ đuối nước từ sông ngòi, ao hồ, hố, cống... khu vực gần nhà. Là nguy cơ tai nạn từ va đập, chấn thương bởi các vật nhọn trong nhà. Nguy cơ giật điện và nhiều nguy cơ khác nữa.

Không thể bắt trẻ nhỏ “ở yên” suốt mùa hè. Các em cần có gì đó để vui chơi, để giải trí. Nhưng cha mẹ thì vẫn bận rộn với công việc hàng ngày. Làm thế nào để trẻ có một mùa hè lành mạnh và an toàn vẫn luôn là câu hỏi đau đáu của các bậc phụ huynh khi bước vào ngưỡng cửa mùa hè hàng năm.

Thiết lập lại nguyên tắc dạy con

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, giáo dục, hoàn toàn có nhiều phương pháp để trẻ luôn “bận rộn” suốt mùa hè trong sự an toàn và lợi ích cho trẻ.

Trước hết, bước vào mùa hè, phụ huynh cần lên ngay một “nguyên tắc” sinh hoạt của trẻ nói riêng và của cả gia đình nói chung. Nhiều phụ huynh vẫn để con thức khuya tự do và ngủ “thả ga” vào mùa hè cho thoải mái, khiến trẻ mất đi nhịp sinh hoạt bình thường. Có phụ huynh thì chiều con, cho con ăn thoải mái các món trẻ yêu thích, sử dụng thiết bị điện tử không giờ giấc.

Đành rằng, kì nghỉ hè là lúc trẻ có thể thoải mái vui chơi, ăn ngủ, ít học hành hơn thường ngày, nhưng nếu để cho trẻ tự do, vô tổ chức sẽ hình thành nhiều thói quen xấu khó chỉnh sửa, đồng thời gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Kì nghỉ hè, nếu tận dụng đúng, cũng là một thời điểm tuyệt vời để trẻ nâng cao được nhiều nhận thức, kĩ năng sống, trưởng thành hơn qua một mùa hè.

Các bậc phụ huynh có thể lập ra “thời gian biểu mùa hè” cho con. Thay vì giời gian biểu ngày thường bao gồm việc học chiếm nhiều thời gian, thời gian biểu mùa hè sẽ là đa dạng các hoạt động mà trẻ có thể thực hiện vào những ngày hè.

PGS.TS. Trần Thành Nam, Trường ĐH Khoa học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra lời khuyên, bố mẹ cần giúp con xác định trong thời gian nghỉ học thì làm gì. Bố mẹ nên cùng con thảo luận, xây dựng một lịch sinh hoạt mới, cân bằng và phù hợp. Lịch trình này vừa có các hoạt động mang tính tư duy, vận động thể chất, kết nối xã hội hoặc những việc thể hiện trách nhiệm của bản thân trong gia đình như làm việc nhà…

Bố mẹ có thể ra nhiệm vụ, yêu cầu để con làm việc nhà, chăm sóc cây cối, buổi sáng tập thể dục, vận động theo các bài tập trên Youtube, hướng dẫn con làm những món đồ chơi đơn giản...

Đặc biệt, sau mỗi ngày làm việc, bố mẹ cần dành thời gian buổi tối chơi, nói chuyện với con để biết một ngày ở nhà của con diễn ra thế nào. Sau đó, bố mẹ dành những lời khen ngợi, phần thưởng để khích lệ khi con hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.

Ở thời đại 4.0 hiện nay, việc cấm trẻ tuyệt đối không được dùng thiết bị điện tử là khó khả thi. Chính vì thế, cha mẹ hãy quy định thời gian ít ỏi mà trẻ có thể sử dụng mạng xã hội. Bên cạnh đó, có thể phân tán yêu thích của trẻ bằng các thú vui khác như thể thao, đọc sách, chơi với bạn bè cùng trang lứa, chơi các trò chơi gia đình. Nhiều phụ huynh còn dùng mạng xã hội như các “phần thưởng” nếu trong ngày trẻ hoàn thành hết “thời khoá biểu mùa hè”.

Anh Lê Thành Tâm, chủ một công ty truyền thông tại TP HCM chia sẻ, dịp nghỉ hè năm ngoái anh đã thành công thuyết phục con gái nhỏ chuyển từ “mê” mạng xã hội sang “nghiện” sách. Ban đầu, bảo mãi con gái 9 tuổi chẳng chịu đọc sách, chỉ thích xem Tiktok và các video thiếu nhi trên Youtube, anh đã tìm hiểu các loại truyện tranh hấp dẫn, phù hợp lứa tuổi, có tính giáo dục cao và mua về nhà. Tiếp đó, anh dùng mạng xã hội như một “mồi câu”, nếu con đọc xong sách thì được xem video clip. Ban đầu cháu miễn cưỡng, sau đó càng xem càng thích thú, say mê. Sau đó, suốt mùa hè, cháu không còn nằng nặc đòi chơi ipad, xem clip nữa mà hăng say kể lại cho ba mẹ nghe những câu chuyện con đọc được trong sách. Theo anh Tâm, trẻ hoàn toàn có thể thay đổi, hướng theo những thói quen tốt, có ích nếu như người lớn khéo léo, “có chiêu” phù hợp.

Trẻ làm gì vào mùa hè?

Thực tế, nếu có một kế hoạch rõ ràng thì mùa hè của trẻ sẽ có không ít điều thú vị có thể học hỏi. Với những gia đình có điều kiện, có thể tổ chức cho con những chuyến du lịch, khám phá thiên nhiên, dã ngoại cuối tuần. Du lịch hè chính là món quà thưởng tuyệt vời sau một khoảng thời gian dài trẻ học tập. Du lịch không chỉ mở ra nhiều trải nghiệm tuyệt vời cho trẻ, mà đó còn là khoảng thời gian cả gia đình cùng nhau vun đắp tình cảm sau thời gian dài bố mẹ làm việc căng thẳng, con bận rộn học hành.

Trẻ cũng có thể hưởng thụ một kì nghỉ dài ngày ít tốn kém ở quê nội, ngoại, nơi các cháu hòa mình với thiên nhiên và học thêm nhiều kĩ năng mới mẻ cùng với trẻ con miền quê, trẻ cũng có thể học giúp đỡ ông bà những việc hàng ngày.

Cạnh đó, một hoạt động không thể thiếu vào mùa hè là cho trẻ tích cực chơi các môn thể thao. Hoạt động thể thao mang lại nhiều lợi ích cho trẻ cả về thể chất và tinh thần, góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện hơn. Tuy nhiên, cha mẹ cần cân nhắc lựa chọn các môn thể thao vừa sức và phù hợp với độ tuổi, thể trạng của các bé và hoàn cảnh gia đình. Hãy bắt đầu với các môn thể thao nhẹ nhàng trước như nhảy dây, yoga, aerobic,… Đừng quên tạo hứng thú cho trẻ bằng cách tham gia luyện tập cùng con và lồng ghép các yếu tố giải trí khác như kết hợp tập luyện cùng âm nhạc.

Dạy trẻ làm quen với nấu ăn trong mùa hè cũng là một hoạt động đầy tích cực mang nhiều niềm vui. Việc dạy trẻ học nấu ăn sẽ giúp trẻ tự tin, độc lập hơn, biết cách giúp đỡ và chia sẻ việc nhà với mọi người, từ đó thêm kết nối tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Hơn nữa, việc cùng trẻ học nấu ăn còn dạy cho trẻ nhiều kỹ năng hơn bạn nghĩ đấy! Từ sự cẩn thận, khéo léo, rèn luyện sự tập trung đến khả năng sáng tạo của trẻ thông qua việc cắt thái rau củ, bày biện nguyên liệu.

Việc xem tivi cũng là một trải nghiệm mang tính giáo dục cho trẻ, nếu phụ huynh biết cách. Cùng với sự giám sát của cha mẹ và kho nội dung khổng lồ từ các ứng dụng xem phim hiện đại, trẻ sẽ được tiếp cận với các trò chơi, chương trình giáo dục bổ ích và thú vị. Phụ huynh có thể cùng xem, cùng tương tác với con để việc xem phim càng thêm hấp dẫn với trẻ.

Và cuối cùng, đừng quên lựa chọn cho con một vài môn năng khiếu theo sở trường và mong muốn của trẻ. Con có thể học hát, múa, đàn, cờ vua... nhằm thư giãn và biết đâu từ những khóa học năng khiếu hè lại ươm mầm cho những tài năng tương lai.

Đọc thêm