'Trả lại tên cho em' nếu tái cơ cấu một doanh nghiệp ngành Điện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 6 năm trước, khi thành lập Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS), EVN đã nhất trí chủ trương “bốc” toàn bộ nhân lực, chức năng và thiết bị của các đơn vị thí nghiệm điện, vận tải, cơ điện vốn trực thuộc các công ty truyền tải điện (PTC) chuyển về lập nên NPTS.
Nếu được EVN chấp thuận, một số chức năng vốn thuộc PTC1 sẽ trở về lại PTC1 trong nay mai.
Nếu được EVN chấp thuận, một số chức năng vốn thuộc PTC1 sẽ trở về lại PTC1 trong nay mai.

Như PLVN đã thông tin, mới đây trong một cuộc làm việc với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT), Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An đã yêu cầu “tổng” này phải kiểm tra lại tính hiệu quả và hợp lý của mô hình doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện - một mô hình mà khi lên ý tưởng thành lập với nhiều kỳ vọng về sự chuyên nghiệp của khối dịch vụ trong ngành Điện.

Mục tiêu ngắn gọn lúc khai sinh doanh nghiệp này là tách bạch công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải với các hoạt động dịch vụ sửa chữa.

Tuy nhiên, sau nhiều năm vận hành, đến nay, dù chưa ai nói thẳng ra nhưng dường như mục tiêu lớn nhất khi xây dựng mô hình doanh nghiệp này đã thất bại một phần?

Cụ thể, việc “phối trộn” một số đơn vị vốn thuộc 4 PTC trong cả nước để lập nên NPTS, đã tạo ra một mô hình tổ chức nhiều cấp, nhiều thủ tục trung gian trong khi tiến hành các công việc sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên và khắc phục sự cố lưới điện đòi hỏi phải nhanh chóng, kịp thời. Ngoài ra, việc thêm bộ máy quản lý còn tốn thêm chi phí, ảnh hưởng hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp …

Bất cập nữa là khi xảy ra sự cố cần khẩn trương khắc phục, thì NPTS chậm trễ. Hoặc đối với các hạng mục sửa chữa thường xuyên lưới điện, nhiều việc theo chức năng là của NPTS những các PTC buộc phải làm vì yêu cầu khẩn trương và hạn chế sự gián đoạn trong truyền tải điện.

“Một số đầu việc và đơn vị như các xưởng, đội thí nghiệm, cơ điện, thiết bị, vận tải… trước kia vốn thuộc các PTC, dưới sự điều hành của PTC khi tham gia vào sửa chữa, khắc phục sự cố rất hiệu quả. Nhưng sau cắt chuyển đi để thành lập NPTS dường như là bất hợp lý?”, một công nhân truyền tải điện nói.

Năm 2018, Công ty Dịch vụ điện lực miền Nam cũng đã ra đời trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty Lưới điện cao thế miền Nam.

Năm 2018, Công ty Dịch vụ điện lực miền Nam cũng đã ra đời trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty Lưới điện cao thế miền Nam.

Trao đổi với PLVN, Tổng Giám đốc NPT Phạm Lê Phú xác nhận, đầu tháng 2/2024, ông đã có báo cáo EVN về mô hình tổ chức, hoạt động và phương án tái cơ cấu NPTS. “Văn bản này đang được các ban chuyên môn của EVN thẩm định, và sau đó sẽ tham mưu lãnh đạo tập đoàn xem xét, quyết định”, ông Phú thông tin thêm.

Được biết, NPT đã đề xuất phương án tái cơ cấu NPTS theo hướng chuyển các chức năng (thí nghiệm, sửa chữa lưới điện, vận tải…) về lại các PTC trực thuộc NPT. Dự kiến, sẽ đổi tên NPTS thành “Công ty Công nghệ thông tin và Tự động hóa”, với bộ máy lãnh đạo gồm Giám đốc và 1-2 Phó Giám đốc, nhưng thời điểm hiện tại chỉ đề xuất có Giám đốc và 1 Phó Giám đốc, để điều hành doanh nghiệp chỉ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tự động hóa và nghiên cứu khoa học.

“Kịch bản” này tuy mới là dự kiến, đề xuất và đang chờ cấp thẩm quyền quyết định nhưng nếu phương án tái cơ cấu nói trên được thông qua, thì NPT buộc phải “trả lại tên cho em”, với những gạch ngang về chức năng nhiệm vụ và con người vốn trước kia thuộc 4 PTC bị chuyển sang NPTS, giờ lại quay về các PTC. Thật vậy, thì đó là một sự loay hoay, tốn thời gian và lãng phí vật chất!

Thực tế thì, không chỉ ra đời đơn vị dịch vụ trong lĩnh vực truyền tải điện, 5 tổng công ty phân phối của ngành Điện cũng có 5 công ty dịch vụ sửa chữa hoạt động từ 4-5 năm qua, nhưng khá “im hơi lặng tiếng” và ít được dư luận, thị trường biết tới. Hiện, chưa có một đánh giá tổng thể nào về tính hiệu quả của mô hình doanh nghiệp dịch vụ thuộc các Tổng công ty điện lực như “bức tranh” NPTS của NPT.

Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với một lãnh đạo cấp cao của một tổng công ty phân phối thuộc EVN, nhưng vị này nói cần có thêm thời gian để kiểm chứng trước khi đánh giá mô hình doanh nghiệp dịch vụ điện lực của đơn vị này hiệu quả hay không hiệu quả.

Đọc thêm