Tương tự, đã có câu trả lời cho “sự cố Trạm thu phí Cai Lậy” khi các bên liên quan đồng tình giảm mức thu phí ở đây. Rõ ràng là một sự nhượng bộ trước những phản ứng gay gắt của dư luận và “chiến thuật tiền lẻ” của các tài xế nhưng đó cũng là kết quả của một quá trình đi tìm sự thật, phơi bày những chuyện khuất tất tại dự án BOT này với việc đặt sai địa điểm của Trạm nhằm “tận thu” hoặc phát hiện ra sự biến mất của 2 cây cầu mà lẽ ra nó phải được làm khi xây dựng tuyến đường tránh này.
Việc nhượng bộ này cũng chứng minh một điều là cái gì bất hợp lý thì không thể tồn tại lâu cũng như “cố đấm ăn xôi” là không thể chấp nhận, hoặc dùng đến biện pháp “rắn”, đầy đe dọa như đề nghị Công an xử lý hành vi trả phí bằng tiền lẻ cũng chẳng làm ai sợ. Đáng chú ý là sự cố này xảy ra đúng lúc Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và trong chương trình nghị sự có nội dung giám sát các dự án BOT.
Hai vị Phó Chủ tịch Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban đều có chung một tâm trạng buồn khi nhắc đến Cai Lậy, còn một vị Phó Chủ tịch khác bày tỏ quan điểm không thể xử lý việc người ta dùng tiền lẻ vì chẳng có gì phạm pháp ở đây. Tiền lẻ dường như đã mất giá trị lưu thông bỗng có sức mạnh ghê gớm và trở thành “vũ khí lợi hại” khi đấu tranh với sự áp đặt vô lý.
Trong cùng thời điểm, Chính phủ vừa có quyết định thi hành kỷ luật, cách các chức vụ từng nắm giữ của các cán bộ lãnh đạo sai trái khi thực hiện nhiệm vụ quản lý của mình. Việc cho phép đổ chất rắn xuống biển ở Vĩnh Tân hay sự cố gây sốc ở Trạm thu phí Cai Lậy đều có nguyên nhân từ sự điều hành, quản lý của những người phụ trách trong lĩnh vực này, cần phải làm rõ và xử lý, đặc biệt, kết quả giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực BOT đã chỉ ra rất nhiều sai sót và bất cập, rất không được lòng dân, nên xử lý ngay, không để các “mạng nhện” Trạm thu phí bủa vây gây bức xúc xã hội.
Làm rõ trách nhiệm người quản lý, xử lý ngay những trường hợp sai trái, bao che, lợi ích nhóm và cá nhân sẽ tránh được việc sau này phải “cách chức quá khứ” và quan trọng hơn, ngăn chặn các hệ lụy xấu xảy ra.