Mới đây nhất là “vỡ trận” ở Trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang), trước hành vi dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm của các tài xế khiến dòng xe ùn ứ, cuối cùng phải “xả trạm” để lưu thông khỏi ách tắc. Hiện tình trạng ngập úng ở các thành phố khi có mưa lớn thường xuyên xảy ra nhưng không có cách nào khắc phục, được miêu tả bằng từ “vỡ trận” hay “thất thủ”.
Lũ quét, sạt lở cũng là một tình trạng “vỡ trận” trong tương quan lực lượng trong sự đối phó của con người với thiên nhiên. Thỉnh thoảng lại xảy ra một vụ “vỡ trận” với cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán hay trong sự trồi sụt của giá vàng. Ở các vụ việc đơn lẻ cũng xảy ra “vỡ trận”, chẳng hạn như việc nộp đơn xin học cho trẻ em hay một cuộc bán vé xem bóng đá. Hà Nội đang “vỡ trận” với dịch sốt xuất huyết.
Sự “vỡ trận” xảy ra toàn diện với quy mô lớn lại là lĩnh vực được coi là quốc sách, đó là giáo dục. Đỉnh điểm của sự “vỡ trận” này là với mỗi môn thi 3 điểm là thí sinh có thể trở thành sinh viên sư phạm và sau đó, tất nhiên thành thầy trên bục giảng để dìu dắt và đào tạo các thế hệ tiếp theo. Sự “vỡ trận” giáo dục đã hình thành và manh nha từ lâu lắm, bắt đầu bằng cách thay đổi xoành xoạch chương trình và sách giáo khoa, cải cách chữ viết..., rồi sau đó là cách phương thức đào tạo, dạy thêm, học thêm, “vỗ gà nòi”, lạm thu, chạy theo thành tích...
Rất nhiều nghịch lý đã xảy ra trong địa hạt giáo dục, ví dụ như học trước, khai giảng sau, thi trước khi học (vào lớp 1), biết chữ trước khi học chữ, cung chạy trước cầu (đào tạo hàng loạt giáo viên dẫn đến không có việc làm), đào tạo đại học trong các Trung tâm giáo dục cấp huyện... Rốt cuộc, “trận đánh lớn” đã thảm bại, đề xuất các biện pháp chống đỡ phi lý như “giải cứu” giáo viên bằng tiền phụ huynh đóng góp hay học kinh nghiệm ở các trường quân đội, công an.
Người ta thường đổ lỗi cho các thất bại trong giáo dục là do lương giáo viên thấp. Hoàn toàn không phải như vậy, so với mặt bằng chung, lương giáo viên không hề thấp, một chuyên viên chính bậc 4 của Bộ Tư pháp nhận lương không bằng một giáo viên vỡ lòng vùng núi được vào biên chế tiểu học với thời gian công tác ngang nhau là một dẫn chứng. Vả lại, ngân sách dành cho giáo dục là rất lớn, hơn nhiều ngành khác, người ta đã sử dụng ngân sách đó như thế nào mà để tình trạng “vỡ trận”, “phá sản toàn tập” xảy ra như thế này?.
“Vỡ trận” là khả năng đối phó, vãn hồi đã bị triệt tiêu. Xảy ra “vỡ trận” là một quá trình trước đó gây mất cân đối, nghịch lý, phá bỏ quy luật, thiếu tầm nhìn và kế hoạch phù hợp, đầu tư không đúng chỗ, phung phí ngân sách, chăm chăm “lợi ích nhóm”... và tất cả những nguyên nhân ấy đều có nguyên nhân từ năng lực người quản lý lĩnh vực đó!.