Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Giới thiệu Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”, diễn ra ngày 28/11, do Cục Đối ngoại và Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức.
Hội thảo do Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại và Thượng tá Ngô Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an chủ trì.
Tham dự Hội thảo có bà Sabina Stein, Trợ lý Trưởng đại diện thường trú, Trưởng phòng quản trị và tham gia, UPDP tại Việt Nam và 70 đại biểu nhiều cơ quan trung ương và địa phương. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện các Đại Sứ quán Hà Lan tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo diễn ra trong một ngày với 3 phiên: Tổng quan về Việt Nam tham gia Công ước chống tra tấn và nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm của nước thành viên: Khuôn khổ pháp luật Việt Nam về chống tra tấn, trong đó đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã trình bày tổng quan về Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước chống tra tấn), quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ hai thực thi Công ước và các thành tựu nổi bật của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền không bị tra tấn.
Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục đối ngoại Bộ Công an cho biết, ngay sau khi trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn vào ngày 17/3/2015, Việt Nam có nhiệm vụ thực thi các nhiệm vụ theo Công ước. Một trong các nhiệm vụ đó là xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước chống tra tấn.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại phát biểu tại Hội thảo. |
Bộ Công an đã 3 lần nộp Báo cáo lên Ủy ban Công ước, trong đó báo cáo gần nhất là Báo cáo quốc gia lần thứ hai về thực thi Công ước chống tra tấn. Hiện nay, Việt Nam đang chờ đợi Ủy ban thông báo về việc trình bày và bảo vệ báo cáo này.
"Việc xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thể hiện trách nhiệm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi cam kết của thành viên Công ước chống tra tấn. Tuy nhiên, việc thúc đẩy công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Báo cáo quốc gia lần thứ hai và nghiên cứu đảm bảo quyền con người trong quá trình thực thi Công ước chống tra tấn cũng rất quan trọng nhằm giúp phổ biến nội dung Công ước và các nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi Công ước", Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Hội thảo, 7 chuyên đề thảo luận của các đơn vị đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về việc triển khai thực thi Công ước chống tra tấn tại các bộ, ngành, đơn vị liên quan, từ giáo dục nâng cao nhận thức về Công ước, hoàn thiện pháp luật nhằm thực thi hiệu quả Công ước, các biện pháp bảo vệ quyền con người trong tạm giữ, tạm giam, cũng như những vấn đề liên quan đến tố tụng đảm bảo quyền không bị tra tấn, việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người.
Bên cạnh đó, phần hỏi - đáp sau các chuyên đề tham luận đã diễn ra sôi nổi. Các báo cáo viên cũng cung cấp thêm thông tin giải đáp các câu hỏi, của đại biểu để làm rõ hơn các vấn đề liên quan Công ước chống tra tấn và thực tiễn thực thi Công ước, những giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới.
Các Báo cáo viên đến từ Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp tham luận tại Hội thảo |
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an hoan nghênh và đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu, khẳng định Bộ Công an đã ghi nhận những ý kiến, góp ý của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, sẽ tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu trong Hội thảo để nâng cao hiệu quả thực thi Công ước cũng như để chuẩn bị cho việc trình bày và bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về Công ước chống tra tấn tại Ủy ban Công ước trong thời gian tới.