Trại giam Xuân Lộc với cuộc chiến ngăn chặn “cái chết trắng”

"Cuộc chiến" với “nàng tiên nâu” là một cuộc chiến vô cùng ác liệt bởi những thủ đoạn “tinh vi” của các phạm nhân hòng “nghĩ cách” đưa ma túy vào trại giam. Thế nhưng, những trò ranh mãnh, xảo quyệt đó không tài nào qua mắt những cán bộ và chiến sĩ công an trại giam Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai)...

Phía sau cánh cổng trại giam Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) thuộc Bộ Công an là một khung cảnh yên bình, nơi có hàng ngàn con người lầm lỡ (trong đó có khoảng 25% là đối tượng nghiện ngập) đang miệt mài cải tạo để trở thành công dân lương thiện.

"Cuộc chiến" với “nàng tiên nâu” là một cuộc chiến vô cùng ác liệt bởi những thủ đoạn “tinh vi” của các phạm nhân hòng “nghĩ cách” đưa ma túy vào trại giam. Thế nhưng, những trò ranh mãnh, xảo quyệt đó không tài nào qua mắt những cán bộ và chiến sĩ công an trại giam.

Tang vật thu được trong 4 chiếc bánh ít của người nhà một phạm nhân
Tang vật thu được trong 4 chiếc bánh ít của người nhà một phạm nhân

Thủ đoạn ranh mãnh đưa ma túy vào trại giam

Thượng tá Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám thị trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai, cho biết: “Bình thường ma túy ở ngoài lãi 1 thì vào trong trại giam nó mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, số phạm nhân đang thụ án tại trại giam có tới 25% là con nghiện nên việc đưa ma túy vào trại giam được các đối tượng thực hiện hết sức “tinh vi” và ngày càng “ranh mãnh”.

Đa phần số ma túy được đưa vào trại chủ yếu bằng đường thăm gặp của người nhà nạn nhân. Chính vì có sự tiếp tay của người nhà nên công tác quản lý, phát hiện vô cùng khó khăn, nhưng không vì thế mà chúng tôi “bó tay chịu trói”...

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Hữu Phước, phần lớn phạm nhân vi phạm nguyên tắc trại giam đều là những phạm nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, luôn bị sức hút của đồng tiền mê hoặc. Bên cạnh đó, những đối tượng là “trùm” buôn bán trong trại lại là những kẻ hết sức tinh vi, đối tượng mà chúng rủ rê, lôi kéo thường là những phạm nhân có ý thức chấp hành tốt, như thế hòng dễ dàng qua mặt các cán bộ, chiến sĩ trong trại giam.

Trường hợp phạm nhân Tăng Văn Quang (sinh năm 1987, quê ở Hà Tĩnh) là một điển hình. Năm 2008, Quang nhận án 16 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Sau đó Quang được đưa tới thụ án tại trại giam Xuân Lộc. Nắm được điểm yếu là Quang có tính cả nể, gia đình kinh tế khó khăn nên những đối tượng này đã giúp đỡ Quang rất nhiều trong những ngày mới chuyển đến.

Sau khi thấy “con mồi” đã “cắn câu” vì trót “mang ơn” nên bọn chúng nói với Quang chuyện vận chuyển ma túy vào trại giam qua đường thăm gặp. Lúc đầu, Quang cũng giãy nảy không đồng ý nhưng khi nghe bọn chúng nói "nếu đưa được ma túy vào thì cuộc sống của “chú” trong trại giam không phải lo nghĩ gì nữa”. Suy nghĩ nông cạn và hám tiền nên Quang đã đồng ý vận chuyển ma túy vào trong trại giam qua con đường thăm gặp.

Đến gần ngày em trai Quang lên thăm thì những đối tượng này đã liên lạc với bên ngoài nhờ mang quà lên cho Quang. Bọn chúng đã giấu heroin vào trong chiếc kẹo rồi bỏ vào túi đóng kín lại. Thế nhưng, hành vi của bọn chúng đã không qua mắt được cán bộ quản giáo và Quang đã phải trả giá cho hành vi của mình, thêm 4 năm tù giam với tội danh “ Vận chuyển và tàng trữ ma túy”.

Tương tự, trường hợp của Quang là phạm nhân Nguyễn Thế Bảo (sinh năm 1974, quê ở Đồng Nai). Năm 2009 Bảo bị kết án 20 năm tù với tội danh mua bán trái phép chất ma túy. Trong quá trình cải tạo nhờ có thành tích tốt nên Bảo được tín nhiệm làm Đội trưởng. Thế nhưng, khi được những đối tượng buôn bán ma túy trong trại nhờ vận chuyển ma túy vào thì Bảo đã nhanh chóng chấp nhận. Đến ngày vợ chuẩn bị lên thăm, những đối tượng “chân rết” ở ngoài đã đến đưa cho một gói quà trong đó heroin được bọn chúng cho vào bên trong của viên men rượu và nhét vào trong bao thuốc lá.

Nghĩ rằng với thủ đoạn tinh vi đó bọn chúng dễ dàng qua mặt được cán bộ trại giam nhưng với cái "tâm" và trách nhiệm cao nên những hành vi gian xảo đó của bọn chúng đã nhanh chóng bị phát hiện. Trả giá cho việc làm sai phạm đó, Nguyễn Thế Bảo bị khởi tố thêm tội danh và bản án của hắn được cộng thêm 5 năm nữa.

Một trường hợp vô cùng đáng tiếc đó là phạm nhân Nguyễn Văn Hiếu (TP HCM). Hiếu vào tù năm 2010 với tội danh trộm cắp tài sản với tổng hình phạt 3 năm tù. Tháng 11/2012, khi Hiếu chuẩn bị bước chân ra khỏi cánh cửa của trại giam thì hắn đã không cầm lòng được trước những lời dụ dỗ ngon ngọt hứa trả nợ giúp Hiếu 3 triệu đồng mà hắn mượn của bạn bè tiêu xài.

Những kẻ gửi ma túy vào trại cho Hiếu đã bỏ heroin vào trong ruột của dây điện và tiếp tục cho vào trong nhân của chiếc bánh nếp... Hiếu đang chờ để khởi tố với tội danh mới nhưng với số lượng ma túy mà hắn vận chuyển chắc chắn những năm tháng trong tù sẽ không hề ngắn.

Tinh vi vẫn không thoát

Thượng tá Nguyễn Hữu Phước với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề cho biết: “Việc đưa ma túy vào trại giam với muôn hình vạn trạng. Có khi là giấu trong những món quà thăm gặp như cho vào trong ruột của quả chôm chôm, hay cho vào trong cổ gà luộc…, có những phạm nhân giấu trong hậu môn hay nuốt vào bụng để lấy qua đường tiêu hóa…”. Thế nhưng, với kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm cao thì những việc làm đó đã không thể “qua mặt” được cán bộ chiến sĩ đang công tác tại trại giam Xuân Lộc.

Việc phát hiện phạm nhân đưa ma túy vào trại giam được cán bộ chiến sĩ trong trại giam Xuân Lộc xác định đó là nhiệm vụ hết sức quan trọng, bởi các anh thấy rõ được hậu quả nghiêm trọng mà ma túy gây ra. Chính vì vậy, bên cạnh sát sao với công việc thì những cán bộ, chiến sĩ phải gần gũi để nắm được tâm lý của mỗi phạm nhân.

Trung úy, trinh sát viên Bùi Sỹ Dũng, người trực tiếp phát hiện ra số lượng lớn ma túy mà Nguyễn Văn Hiếu đưa vào trại giam chia sẻ rằng: Sau khi gặp người nhà, Hiếu tỏ ra thân thiện với cán bộ chiến sĩ công tác tại trại. Đây là dấu hiếu bất thường bởi bản thân Hiếu thường ngày rất xa lánh cán bộ. Chính vì vậy, trung úy Dũng quyết định kiểm tra năm cái bánh nếp mà Hiếu vừa nhận.

Khi cắt chiếc bánh ra anh không khỏi ngạc nhiên bởi trong nhân có những đoạn dây điện màu đỏ. Kiểm tra kỹ đó là số lượng heroin dạng nén được những đối tượng bên ngoài tinh vi cho vào lõi dây điện. Đến lúc đó, biết không thể nào chối tội, Hiếu thốt lên: “Chết tôi rồi! Thế là chúng nó hại tôi rồi”.

Trung úy Bùi Sỹ Dũng
Trung úy Bùi Sỹ Dũng

Trung úy Bùi Sỹ Dũng cũng cho biết: “Với số lượng ma túy dạng nén như thế, nếu mang trót lọt vào trong tù cũng mang lại nguồn lợi cho những kẻ buôn bán chúng gần 100 triệu. Chính vì lợi nhuận kếch xù như thế nên bọn chúng ngày đêm chỉ nghĩ cách làm sao để đưa được ma túy vào trại. Thế nhưng, bằng công tác nghiệp vụ của mình thì đa số những việc làm sai trái của chúng đều bị phát hiện và ngày về của những đối tượng này càng ngày càng xa thêm mà thôi”.

Còn theo đại úy Phan Hồng Lam, Phó Giám thị trại giam Xuân Lộc: “Việc người nhà đưa ma túy vào trại giam như vậy không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý giáo dục phạm nhân đang thụ án tại trại mà còn làm ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình cải tạo của phạm nhân. Thực tế, đã có nhiều phạm nhân khi vào tù đã cai được ma túy thế nhưng việc “tiếp tế” của người nhà vô tình đã đưa ngày về của phạm nhân ngày một xa hơn. Thương nhau như thế có khi bằng mười hại nhau”.

Đại úy Lam cũng cảnh báo với gia đình phạm nhân, khi có người lạ đến gửi đồ vào thăm gặp thì cần kiểm tra kỹ, bởi có khi chính việc làm vô tình của người nhà đưa người thân lún sâu vào con đường tội lỗi.

Phạm nhân Tăng Văn Quang xúc động tâm sự: “Sau những sai lầm mà tôi lại tiếp tục vấp phải khi đang thi hành án tại trại giam Xuân Lộc tôi tưởng như mình sẽ gục ngã. Thế nhưng, bằng những lời động viên chia sẻ của cán bộ chiến sĩ tôi đã thấy được ánh sáng của cuộc đời mình. Chắc chắn tôi sẽ không bao giờ vấp phải những sai lầm thêm một lần nữa bởi tôi không thể phụ lòng những người “thầy” mang sắc phục”.

Uyên Thu – Tự Lập

Đọc thêm