Trái ngang phiên tòa 8 lần hoãn xử

(PLO) - Xuất hiện trước vành móng ngựa là mái đầu bạc trắng ở tuổi 76. Trước cảnh không thể tự ngồi vững của Thái Lương Trí bên cạnh người “cộng sự” Dương Minh Hải khiến những người dự khán dễ dàng đoán biết được, phiên xử này sẽ tiếp tục kéo dài như những lần trước đó…
Bị cáo Thái Lương Trí (bên trái) và Dương Minh Hải trong phiên xét xử sơ thẩm năm 2011.
Bị cáo Thái Lương Trí (bên trái) và Dương Minh Hải trong phiên xét xử sơ thẩm năm 2011.

Mánh lừa xuyên biên giới

Nức nở một hồi vẫn không lấy được bình tĩnh, vợ bị cáo Thái Lương Trí bị buộc phải đưa ra ngoài phòng xét xử để bảo đảm trật tự. Sự sẻ chia khi nhắc đến người chồng ở tuổi “thất thập” vẫn phải lao đao “đáo tụng đình” dường như càng làm cho tâm trạng người đàn bà này thêm sầu thảm.

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Vinh (Nghệ An), Thái Lương Trí theo học ĐH Sư phạm Vinh sau đó dạy học tại trường cấp 3 huyện. Năm 1990, Trí về hưu và 6 năm sau đó thành lập  Công ty TNHH Thái Dương Nghệ  An  do  mình  làm  Giám  đốc, có  trụ  sở  tại  TP  Vinh  với  chức  năng  kinh doanh  khai  thác,  chế biến  lâm  sản,  khảo sát  thăm dò và mua bán khoáng sản. Kể từ khi dấn thân vào kinh doanh ở tuổi 56, từ một thầy giáo chân chất với 25 năm đứng trên bục giảng, Thái Lương Trí bỗng chốc “vụt sáng” thành đại gia tiền tỷ khiến dân xứ Nghệ ngỡ ngàng, nể phục.

Nhưng sự thật phía sau ánh hào quang của vị đại gia lại lắm muộn phiền. Bởi lẽ, thương trường không như trường học, khắc nghiệt của sự cạnh tranh đã khiến “ông giáo” phải nghiêng ngả vật lộn. Và có lẽ, cái kết của cuộc chiến đó đã “nhào nặn” nên Thái Lương Trí với một bộ mặt đầy mưu mẹo và ranh mãnh cùng hàng loạt cú lừa ngoạn mục.

Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, với vai trò chủ mưu, Trí đã lên kế hoạch và giao cho Hải thực hiện việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và đứng ra nhận hàng chục tỷ đồng của nhiều người để đầu tư sang Lào nhưng sau đó không hoàn trả được.

Cụ thể, sau một thời gian thành lập công ty, nhận thấy việc khai thác mỏ bên nước bạn Lào có nhiều thuận lợi, đặc biệt là với những doanh nghiệp đang đóng trên địa bàn quê hương, Thái Lương Trí đã tìm gặp ông Đoàn Văn Huấn, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ dạy nghề Thái Dương (Hà Nội) kêu gọi góp vốn với một đối tác của nước Lào để khai thác quặng tại mỏ Lào. Tin tưởng vào mối quan hệ thân thiết bấy lâu, cũng như những giấy tờ giao kèo tưởng chừng hợp pháp mà Trí đưa ra, ông Huấn đã giao gần 11 tỷ đồng, mà không hay biết, bản thân mình chỉ là một “con cờ” trong kế hoạch lừa đảo của y.

Trong khi đó, cũng với chiêu thức đầy màu pháp lý trên, Trí đã bắt thêm một “con mồi” khác là bà Chu Thị Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phú để có được 12 tỷ đồng từ Công ty này. Ngoài ra, bằng nhiều thủ đoạn, Trí cũng “câu” được một khoản tiền khá lớn từ các doanh nghiệp đang có ý định mở rộng đầu tư làm ăn sang Lào. Khi tiền đã rủng rỉnh trong tay, Trí ngay lập tức bay sang Lào, tập hợp tay chân của mình, trong đó có Dương Minh Hải để lên kế hoạch dựng hồ sơ giả nhằm “hất cẳng” những đồng nghiệp đã góp vốn cho mình.

Kế hoạch tỉ mỉ được vạch ra. Trước tiên, để có trong tay sự hợp pháp trong kinh doanh, Trí đã giao cho Hải làm Phó Giám đốc Công ty TNHH Thái Dương và đích thân sang Lào làm hồ sơ xin đăng ký giấy phép kinh doanh và tạo con dấu giả cho Công ty CP Khoáng sản Lào – Việt, sau đó sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng của Lào cấp cho con dấu thật có nội dung như mẫu dấu giả. Trước khi có con dấu thật, Thái Lương Trí đã dùng dấu giả đóng vào nhiều văn bản giao dịch gửi các cơ quan chức năng Lào và Việt Nam để làm thủ tục đầu tư ra nước ngoài và giấy phép khai thác.

Kế hoạch đang “xuôi chèo mát mái”, bất ngờ Trí nhận được thông tin Nhà nước Lào đang tiến hành điều tra về hành vi vi phạm pháp luật của mình tại đây. Ngay lập tức, một kế thoát hiểm đã được Trí vạch ra. Toàn bộ người trong “bộ máy” được kéo về Nghệ An để cứu vãn tình hình. Tại đây, Thái Lương Trí chỉ huy thành lập một loạt các công ty không có thật ngay trong thành phố Vinh, như Công ty CP Khoáng sản Tân Thái Dương, Công ty CP Đa khoáng sản Thái Dương… để xóa các dấu vết của mình. Thủ đoạn này của y đã qua mặt được cơ quan điều tra nước bạn.

BMột phen hoảng hồn, những tưởng Thái Lương Trí sẽ tìm lại sự cân bằng vốn bấy lâu chôn kín trong mình. Nhưng trái lại, y càng lún sâu hơn vào con đường gian trá và lừa lọc. Như được đà, y tiếp tục chỉ đạo hai cộng sự đắc lực của mình tìm mọi thủ đoạn “hất cẳng” hai cổ đông góp vốn là ông Đoàn Văn Huấn và bà Chu Thị Thành ra khỏi cuộc chơi.

Để thực hiện việc này, Thái Lương Trí đã bỏ ra 1 triệu USD giao cho Dương Minh Hải lo các thủ tục được khai thác ở Lào mà không có tên hai cổ đông trên. Về phía Trí, y cũng tất tưởi chạy về quê nhà vẽ nên một loạt các văn bản giả để trình các cơ quan chức năng của hai Nhà nước Lào và Việt Nam. Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào đã cấp giấy phép kinh doanh cho Công ty CP Liên doanh khoáng sản Lào – Việt mà không có tên của 2 cổ đông là ông Đoàn Văn Huấn và Chu Thị Thành.

Lo toan tưởng như chu toàn nhưng toàn bộ hành vi của Thái Lương Trí và đồng bọn đã không qua mặt được cơ quan điều tra. Cuối những năm 2008, “danh tiếng” lừa đảo của Trí đã được lan khắp giới thương trường. Sau một thời gian tiến hành điều tra, đầu tháng 5/2009, Cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an đã chính thức có quyết định khởi tố, bắt giam đối với Thái Lương Trí.

Tính đến thời điểm bị bắt các cơ quan tố tụng đã tính được số tiền mà Trí và đồng bọn đã làm thiệt hại, không có khả năng thu hồi của các bị hại là hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng bằng thủ đoạn kêu gọi góp vốn đầu tư vào khu khai thác, Trí còn lấy của nhiều cá nhân khác số tiền lên đến 29,5 tỷ đồng.

Mòn mỏi chờ công lý

Căn cứ kết quả điều tra, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy  tố  2  bị  can  Thái  Lương  Trí và Dương Minh Hải  tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Tại bản án hình sự sơ thẩm năm 2011, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Thái Lương Trí 3 năm tù về tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, 20 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội là 23 năm tù. Xử phạt Dương Minh Hải 2 năm tù về tội “ Sử dụng con dấu giả của cơ quan, tổ chức”, 15 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội là 17 năm tù.

Tòa cũng áp dụng hình phạt bổ sung, cấm các bị cáo Thái Lương Trí, Dương Minh Hải hành nghề khai thác mỏ và hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong thời hạn 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Toà đã tuyên án. Tuy nhiên, sự vụ trên vẫn chưa đi đến hồi kết khi Thái Lương Trí và Dương Minh Hải một mực làm đơn kháng cáo kêu oan và đòi xem xét lại. Và kể từ đó đến nay, đã gần 7 năm trôi qua, trải qua 2 cấp toà, nhiều lần điều tra làm rõ hồ sơ… đã có gần chục phiên xử phải hoãn. Căn nguyên kéo dài xét cho cùng cũng chỉ vì những lý do “trời ơi” mà các bị cáo ngụy tạo như đau ốm, cấp cứu mà vắng mặt cho đến không đồng ý tiếp tục phiên toà vì thiếu luật sư…

Thi hành án với kẻ phạm tội còn “gian truân”, trì hoãn đồng nghĩa với những người bị hại là ông Đoàn Văn Huấn và bà Chu Thị Thành sẽ còn lao đao, khốn đốn, thiệt hại mỗi ngày cứ theo cấp số mà tăng thêm hàng chục tỷ đồng do không xin được giấy phép đầu tư, các dự án bị ngừng triển khai.

Ông Đoàn Văn Huấn trầm mặc: “Nếu làm ăn thuận buồm xuôi gió, lợi nhuận thu được không nhỏ. Nhưng chỉ vì “tham bát bỏ mâm” mà kẻ vào tù, người theo kiện, công nhân, cán bộ mệt mỏi vì lương thưởng trồi sụt”. 

Bà Chu Thị Thành mỏi mệt thêm lời: “Từ khi ông Trí bị bắt, tôi và ông Huấn thay nhau duy trì hoạt động của mỏ bên Lào, vì dừng hoạt động người ta sẽ thu hồi. Bị thu hồi mỏ thì bao nhiêu công sức của chúng tôi đổ sông đổ bể. Hơn 100 công nhân bám trụ bên ấy cũng cực nhọc, chịu nhiều thòi. Chỉ khi nào tòa xử xong, trắng đen rõ ràng, chúng tôi mới có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh. Chậm ngày nào, thiệt hại tăng lên ngày đó”. 

Tham dự phiên xử ngày 17/5/2016, bên cạnh 9 luật sư, Hội đồng xét xử còn có đến 2 vị Viện kiểm sát cùng “cân não” khiến không khí phòng xử trở nên đặc quánh và ngột ngạt. Bị cáo Trí phải sử dụng cả thông ngôn và dặt dẹo tựa người vào thân nhân. Lạ ở chỗ, thông ngôn của bị cáo trả lời Hội đồng xét xử “nhiệt tình”, trôi chảy và mau mắn như đã thuộc làu… Và cũng như những phiên xử trước đó, Dương Minh Hải “đổ thừa” cho tuổi tác nên “chẳng nhớ tình tiết”, “quên mất diễn biến vì đã lâu quá rồi”; Thái Lương Trí thì “phó thác” cho thông ngôn một mực kêu oan, kêu ép cung, vu khống.

Sự thật hai năm rõ mười là thế nhưng bản án đã tuyên thì vẫn đang treo lửng lơ trên đầu những người liên quan… Phiên xử dự kiến còn mất nhiều ngày để xét hỏi làm rõ, và như vậy đồng nghĩa với việc bị hại vẫn sẽ ngày ngày cầm cự hậu quả; kẻ sai trái thì tiếp tục loanh quanh tìm cách trì hoãn…

Đọc thêm