Trải nghiệm an toàn và trọn vẹn tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong bối cảnh nhiều nước đã mở cửa trở lại, du khách nước ngoài hầu như đã quen chung sống với dịch, họ không cần thiết phải đến một nơi “zero COVID-19”. Do đó, mở cửa hoàn toàn hoạt động quốc tế, đón khách quốc tế như thường lệ là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng và Chính phủ Việt Nam.
Tour 360 độ các điểm đến nổi tiếng Việt Nam qua trang vietnam.travel.
Tour 360 độ các điểm đến nổi tiếng Việt Nam qua trang vietnam.travel.

Từ hai năm vượt khó…

Hai năm qua, du lịch Việt Nam đã phải “gồng mình” trải qua nhiều đợt dịch bùng phát. Để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động, trên cơ sở đề xuất của Bộ VH,TT&DL và các bộ, ngành liên quan, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, triển khai thực hiện các giải pháp kịp thời gỡ khó, như giảm giá tiền điện, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành và thẻ hướng dẫn viên du lịch, vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ đào tạo, giảm tiền ký quỹ…

Tại Diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh: Mở cửa du lịch linh hoạt, an toàn, hiệu quả” mới đây, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh đã đưa ra lời khuyến cáo: “Phần lớn doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc đã đóng cửa, nguồn nhân lực du lịch suy giảm, nhân sự rời bỏ thị trường du lịch. Doanh nghiệp du lịch cần quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa lại hoạt động du lịch”.

Cụ thể, về phía doanh nghiệp, chính sách giảm giá điện năm 2020 cho phép các cơ sở lưu trú du lịch được áp dụng theo giá điện sản xuất, được triển khai thực hiện 2 đợt, mỗi đợt 3 tháng. Trong năm 2021, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ giảm giá điện, áp dụng đợt 3 cho các cơ sở lưu trú du lịch từ tháng 6 đến tháng 12.

Bên cạnh đó còn có chính sách giảm 15% tiền thuê đất phải nộp, được triển khai theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. Trong năm 2021, Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và cả tiền thuê đất, thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2021.

Một trong những giải pháp hỗ trợ quan trọng khác là chính sách giảm tiền ký quỹ, theo Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh đại dịch. Trong đó, chỉ đạo Bộ VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan sớm cho phép doanh nghiệp dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày.

Mặt khác, mức phí thẩm định cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch cũng được cắt giảm 50% theo quy định tại Thông tư số 35/2020/TT-BTC ngày 5/5/2020 và Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đến hết tháng 6/2021. Tiếp đó, Bộ Tài chính còn ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 kéo dài quy định về giảm phí trên trong năm 2021.

Đối với người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, hỗ trợ 3.710.000 đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Đặc biệt, Nghị quyết 68 cũng rất quan tâm đến chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm của người lao động. Theo đó, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ. Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Ngay sau đó, ngày 7/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định cụ thể về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Trong đó, có bao gồm chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc hoặc vay vốn trả lương cho người lao động để khôi phục sản xuất kinh doanh.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (TCDL), tính đến hết ngày 31/1/2022, tổng hợp kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do COVID-19 trên cả nước. Tổng số hồ sơ đã được hỗ trợ là 18.243 trên tổng số hồ sơ đề nghị hỗ trợ là 19.567, đạt 93%, với tổng số tiền hỗ trợ trên 67,6 tỷ đồng.

Theo chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng TCDL Phạm Văn Thủy, trong suốt hai năm qua, Chính phủ đã nhiều lần ban hành các chính sách để liên tục hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Điều này phần nào giúp khắc phục, gỡ khó từ tác động tàn phá nặng nề của đại dịch.

Nhiều tỉnh, thành đã chuẩn bị đón khách quốc tế. Ảnh: vietnam.travel

Nhiều tỉnh, thành đã chuẩn bị đón khách quốc tế. Ảnh: vietnam.travel

… đến “Sống trọn vẹn tại Việt Nam”

Mở cửa hoàn toàn sau hai năm khó khăn được cho là chính sách rất hợp lòng dân. Cần mở để người làm du lịch có thể xác định được những khó khăn mới và chiến lược khắc phục để từng bước khôi phục lại như trước dịch. Theo dự báo của các chuyên gia, ngành du lịch thậm chí cần ít nhất 5 năm để phục hồi. Chắc chắn những bước đi đầu tiên sẽ rất khó khăn, nhưng đó là điều không chỉ ngành du lịch Việt Nam mà cả thế giới cũng đang phải trải qua.

Để chuẩn bị cho việc phục hồi du lịch, TCDL đã ra mắt chuyên trang quảng bá du lịch dành cho khách nước ngoài mang chủ đề “Live Fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) tại địa chỉ https://vietnam.travel. Là nền tảng triển khai chiến dịch truyền thông mở cửa du lịch quốc tế của Việt Nam, chuyên trang này chuẩn bị một kho dữ liệu thông tin lớn về những điểm đến văn hoá, thiên nhiên Việt Nam với những hình ảnh, thước phim đẹp mắt và cả công nghệ thực tế ảo để tăng thêm trải nghiệm trực quan của du khách. Trước đó, Bộ VH,TT&DL đã đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp, gửi thông tin liên quan đến chương trình xúc tiến, quảng bá đến các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ triển khai các hoạt động truyền thông, thu hút khách quốc tế đi du lịch Việt Nam.

Đáng nói, mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới phải tuân thủ đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Do vậy, dư luận cho rằng, tìm được tiếng nói chung của nhiều bộ, ngành để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới. Thực tế, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo "mở cửa du lịch một cách sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, cần đảm bảo lộ trình an toàn, khoa học, phù hợp, không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện nhất quán".

Khi đại dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, đối với hoạt động du lịch nội địa, Bộ VH,TT&DL tiếp tục triển khai việc phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh với chủ đề “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”. Còn việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ ngày 15/3 được coi là cơ hội vàng để du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển, thực hiện thành công mục tiêu đón 6 triệu khách du lịch quốc tế trong 2022.

Một tín hiệu đầy khả quan về chặng đường phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ của ngành du lịch Việt trong năm mới, đó là lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Theo dữ liệu của Google Destination Insights (công cụ theo dõi xu hướng du lịch), lượt tìm kiếm tăng đến 222% vào tháng 1/2021 so với tháng trước đó và 248% so với cùng kỳ trước đó. Mức quan tâm của cộng đồng quốc tế không hề có dấu hiệu suy giảm. Điển hình, so lượt tìm kiếm vào ngày 3/2 đã tăng 374% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong thời gian tới, TCDL cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố, hướng dẫn các địa phương, tổ chức kích hoạt tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn, linh hoạt; kết nối các điểm đến, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch và hàng không xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch.

Nhìn chung, đứng trước cơ hội lớn, ngành du lịch Việt Nam đang nỗ lực vạch ra chỉ ra những khó khăn và từng bước giải quyết để đưa du lịch trở lại với “thời hoàng kim” trước đây. Bên cạnh nỗ lực của khối Chính phủ để tạo ra hành lang pháp lý, chính doanh nghiệp và người làm du lịch là “mắt xích” cực kỳ quan trọng.

Trong thời gian tới, Bộ VH,TT&DL kiến nghị tiếp tục kéo dài đến hết năm 2023 các chính sách đã có và bổ sung các chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn cử, cho phép giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong năm 2022 và 2023, chính sách tín dụng, chính sách miễn phí tham quan tại các điểm du lịch đến hết năm 2022, giúp doanh nghiệp giảm giá thành tour, kích cầu du lịch, lữ hành…

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất và triển khai các gói kinh phí hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng lao động trong ngành du lịch tại một số khu vực đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực để phục hồi du lịch; Tổ chức kiểm tra, đôn đốc các cơ sở lưu trú du lịch bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch; Chỉ đạo cơ quan quản lý du lịch tại địa phương có hướng dẫn đối với cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch, phương án xử lý phòng chống dịch, phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ nhân lực lưu trú du lịch cho phù hợp với tình hình mới.