Trải nghiệm và đánh giá mô hình thí điểm phát triển kinh tế di sản Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 28/7, tại Bảo tàng Nghệ An, Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh đã tổ chức hoạt động trải nghiệm và đánh giá mô hình thí điểm phát triển kinh tế di sản thuộc đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế di sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Trải nghiệm và "Khám phá tinh hoa" tại Bảo tàng Nghệ An.
Trải nghiệm và "Khám phá tinh hoa" tại Bảo tàng Nghệ An.

Tham dự chương trình có đại diện các Sở, ngành liên quan, các bảo tàng, di tích và công ty lữ hành, du lịch và đông đảo khách tham quan.

Ông Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Nghệ An, Chủ nhiệm đề tài cho biết, thực hiện Quyết định số 2425/QĐ-UBND ngày 14 tháng 7 năm 2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt thuyết minh đề tài “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế di sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, từ năm 2021 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Quản lý di tích Nghệ An (đơn vị chủ trì thực hiện đề tài) đã triển khai đề tài trên.

Đáng chú ý trong nội dung đề xuất giải pháp là xây dựng mô hình tham quan, trải nghiệm gắn với các loại hình di sản tiêu biểu để phát triển kinh tế di sản. Từ nhiều mô hình hay, Ban Chủ nhiệm đề tài lựa chọn đề xuất thí điểm 2 mô hình là quảng bá di sản dân ca Ví giặm và trải nghiệm tinh hoa làng nghề thủ công truyền thống, khám phá các hiện vật lưu trữ tại Bảo tàng Nghệ An.

Trong chương trình chiều 28/7, các đại biểu và du khách đã được thưởng thức diễn xướng dân ca Nghệ Tĩnh và trải nghiệm “Khám phá tinh hoa” với các nội dung: Câu chuyện của Trầm hương, Trở về thời Việt cổ, Đất nở hoa. Qua sự hướng dẫn của các nghệ nhân làng nghề nồi đất Trù Sơn và hương trầm Quỳ Châu, du khách tự tay làm những sản phẩm gốm trên bàn xoay, làm hương trầm từ các nguyên liệu thiên nhiên.

Các em nhỏ trải nghiệm làm nồi đất với sự hướng dẫn của nghệ nhân làng nghề nồi đất Trù Sơn.

Các em nhỏ trải nghiệm làm nồi đất với sự hướng dẫn của nghệ nhân làng nghề nồi đất Trù Sơn.

Đặc biệt, lần đầu tiên hoạt động tạo hình hiện vật được triển khai thí điểm với khoảng 20 khuôn đúc được lựa chọn trên cơ sở là những hiện vật tiêu biểu tại Bảo tàng Nghệ An. Du khách có thể trực tiếp tạo hình các hiện vật qua khuôn đúc và mua sản phẩm như một món quà lưu niệm, kèm theo một thông điệp được gắn mã QR giới thiệu về câu chuyện hiện vật (nguồn gốc, đặc điểm...).

Tại sự kiện, 2 hiện vật được giới thiệu tạo hình từ khuôn đúc bằng gỗ là Trống đồng Làng Vạc và Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi. Trống đồng Làng Vạc được phát hiện tại Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc, xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn (nay là Thị xã Thái Hòa), tỉnh Nghệ An. Đây là địa điểm đã khai quật được nhiều trống đồng nhất trong các di tích Đông Sơn ở Việt Nam, đưa Nghệ An trở thành một trong những địa phương có bộ sưu tập trống đồng đặc sắc, phản ánh đời sống vật chất, tinh thần phong phú của cư dân Việt cổ sinh sống trên đất Nghệ An từ hàng ngàn năm trước.

Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi là hiện vật gốc độc bản, là chiếc dao găm duy nhất có cán tượng rắn ngậm chân voi, được khai quật từ trong lòng đất thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn và được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2017.

Trải nghiệm làm mô hình Trống đồng Làng Vạc từ khuôn đúc bằng gỗ.

Trải nghiệm làm mô hình Trống đồng Làng Vạc từ khuôn đúc bằng gỗ.

Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, mô hình này được triển khai thành công sẽ góp phần đa dạng các hoạt động tại bảo tàng, thu hút thêm du khách; đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Mặt khác, các hoạt động trải nghiệm như trên còn có thể tạo ra nguồn thu giúp các bảo tàng có thêm kinh phí để tái đầu tư, ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ du khách; nếu hiệu quả có thể từng bước nhân rộng mô hình tại các điểm tham quan du lịch khác...

Sau hoạt động trải nghiệm, Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức Hội thảo đánh giá mô hình thí điểm phát triển kinh tế di sản thuộc đề tài “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế di sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng di sản văn hóa phong phú và đa dạng bậc nhất nước ta với 2062 di tích danh thắng, gần 500 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, phân loại. Với nguồn tài nguyên quý giá như vậy, “bài toán” phát triển kinh tế di sản đang đặt ra nhiều vấn đề với các cơ quan quản lý văn hóa và các ban, ngành liên quan.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo đã đánh giá cao nỗ lực của Ban Chủ nhiệm đề tài, đồng thời nêu một số nội dung cần quan tâm để góp phần phát triển kinh tế di sản trên địa bàn như: Tăng cường chủ động truyền thông; Nâng cao đào tạo nguồn nhân lực về kinh tế di sản; Tăng cường kết nối giữa các Sở, ngành; Quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở và môi trường sinh thái; Kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành, du lịch đầu tư...