Trăm mưu cũng không bằng phim hay?

(PLO) - Thời gian gần đây, khá nhiều bộ phim trước khi ra rạp đã có những cuộc quảng bá rầm rộ, từ chính thống đến chiêu trò ngoài lề để hút khách đến rạp. Song công nghệ lăng xê có quyết định phần lớn thành công của một bộ phim hay trăm mưu vẫn không bằng phim hay?
Buổi ra mắt hoành tráng của phim “Taxi, em tên gì” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.
Buổi ra mắt hoành tráng của phim “Taxi, em tên gì” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Điểm mặt “chiêu” phát hành phim

Mới đây, bộ phim “Taxi, em tên gì” đã tạo ra một hiệu ứng mạnh với màn ra mắt hết sức hoành tráng tại TP HCM. Quả thật, ít có buổi ra mắt phim nào lại có lượng khán giả tham gia lên đến hơn 1000 người.

Buổi ra mắt được đánh giá là công phu, quy tụ đông đảo nghệ sĩ, diễn viên và ca sĩ nổi tiếng. Buổi công chiếu trở thành “tiệc tương tác” giữa đoàn làm phim, “sao” và khán giả với chương trình giao lưu cũng như những màn trình diễn âm nhạc trong phim. Đây cũng là buổi công chiếu phim đầu tiên ứng dụng cách thức quảng bá mới: phát sóng trực tiếp buổi lễ công chiếu trên kênh Youtube (kênh của diễn viên Trường Giang). Clip thực hiện trực tiếp này cũng đã tạo hiệu ứng xem đông đảo với lượt view khá cao. Lễ công chiếu sẽ tiếp tục diễn ra tại Hà Nội.

Những năm gần đây, ý thức được sức mạnh của các hiệu ứng quảng bá, nhiều nhà sản xuất phim đã đầu tư “mạnh tay” cho những buổi tiệc ra mắt, tiệc giao lưu. Có buổi ra mắt phim đem cả dàn siêu xe trưng bày, tổ chức đấu giá trang phục, có phim cho người tham dự ăn mặc như một tiệc hoá trang.

Năm ngoái, phim “Hương Ga” thắng lớn, ngoài đáp ứng được thị hiếu người xem còn có một phần “công” của những hoạt động bên lề như thế từ lễ ra mắt hoành tráng, tiệc khoe phim, rồi đến tiệc giao lưu, cảm ơn khán giả… Thậm chí, bộ phim “Vòng eo 56” do người mẫu nội y Ngọc Trinh đầu tư, với nội dung kể về cuộc đời cô còn có cả tiệc… đóng máy với những màn ca múa, tạp kĩ. 

Bên cạnh đó, nhiều nhà sản xuất còn áp dụng nhiều yếu tố chiêu trò khác nhằm “hút” khách. Ngay trước thời điểm “Taxi, em tên gì” ra mắt, công chúng dậy sóng với vụ ca sĩ Quế Vân tố nghệ sĩ hài Trường Giang (nam chính của phim) lăng nhăng và vô trách nhiệm trong tình cảm làm “dậy sóng” cư dân mạng.

Tương tự, trước khi phim “Bệnh viện ma” ra rạp, bỗng dưng cặp đôi Hari Won – Trấn Thành, hai diễn viên chính của phim, tuyên bố yêu nhau trong sự ngỡ ngàng của người hâm mộ, và dấy lên không ít đồn đoán đây lại là chiêu PR.

Trước đó, khi “Hương Ga” đang công chiếu, chuyện tình của Trương Ngọc Ánh – Kim Lý, hai diễn viên chính của phim, được khai thác triệt để ở mọi góc cạnh, để rồi sau đó, phim kết thúc, chuyện tình cảm của họ cũng chìm theo dư luận. Ngoài ra, còn có những chiêu PR phim gây “sốc” khác được áp dụng như trước bộ phim về đồng tính, diễn viên chính úp mở mình thuộc giới tính thứ ba…

Lạm dụng chiêu trò vẫn ế vé

Không thể phủ nhận hiệu ứng mà các hoạt động quảng bá chính thống hay không chính thống đem đến cho các bộ phim. Nhiều bộ phim, khán giả ùn ùn kéo đến rạp cũng vì tò mò, hiếu kỳ trước những chiêu PR bài bản hay các thông tin sốt dẻo bên lề. Tuy nhiên, đi qua những buổi háo hức ban đầu, bộ phim sẽ nhanh chóng nhận lấy phản hồi đúng như với giá trị của nó. Đó là lý do vì sao nhiều bộ phim lắm chiêu trò, quảng bá mạnh nhưng vẫn bị xếp vào hạng “thảm họa”, nhanh chóng rời các cụm rạp vì doanh thu ít ỏi. 

Năm 2015, công chúng chứng kiến hai hiện tượng điện ảnh là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và “Em là bà nội của anh”. Cả hai đều có doanh thu “khủng”, và trong khi “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” nhận “mưa” giải thưởng thì “Em là bà nội của anh” phá vỡ kỉ lục phòng vé từ trước đến nay với 102 tỉ đồng thu về, đồng thời đang tiếp tục mở rộng công chiếu cho cộng đồng Việt kiều khắp các nước Á, Âu… 

Đáng nói, hai phim này đều chừng mực trong quảng bá, nói không với chiêu trò. Nhìn lại một số phim có doanh thu “khủng” các năm trước như “Để mai tính”, “Nhà có năm nàng tiên”, “Ngày nảy ngày nay”… cũng đều không chi quá nhiều cho quảng cáo hoặc dính scandal ngoài lề.

Ở thời của công nghệ quảng bá, một bộ phim trang bị cho mình một kế hoạch truyền thông bài bản, hấp dẫn chắc chắn sẽ tạo ra những hiệu ứng tốt để khán giả dễ dàng tiếp cận. Còn việc lạm dụng các chiêu trò lăng xê, thực tế đã chứng minh, hầu như chẳng đem lại gì ngoài tai tiếng. Quan trọng nhất vẫn là cách làm phim nghiêm túc, là bộ phim ấy có chất lượng hay không, có đi vào lòng người xem hay không./.