Trăm năm và hành trình nâng cao giá trị hạt muối Ninh Thuận

Trăm năm và hành trình nâng cao giá trị hạt muối Ninh Thuận

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Muối Ninh Thuận là một câu chuyện thú vị trải dài gần trăm năm với nhiều thế hệ, mồ hôi và công sức.

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Pháp đã kiếm được nguồn lợi lớn khi xuất khẩu muối từ Đông Dương đi các nước. Những năm 1892-1899 sản lượng muối có khi lên tới 200.000 tấn/năm nhưng do điều kiện khí hậu, phương thức sản xuất không tập trung, tay nghề của công nhân nên sản lượng thất thường. Năm 1904, sản lượng muối Đông Dương rớt xuống dưới 85.000 tấn.

Để ổn định và nâng cao sản lượng, Pháp bắt đầu tìm kiếm các địa điểm thích hợp sản xuất muối công nghiệp từ những năm 1920. Và vùng đất Cà Ná, Ninh Thuận lọt vào tầm ngắm khi nơi đây là vùng duyên hải có độ mặn của nước biển cao nhất Việt Nam (31,6 o/oo), nắng nóng quanh năm với lượng mưa chỉ vào khoảng 70-75mm và lượng nước bốc hơi lên đến 1.600-1.800mm. Điều kiện khắc nghiệt về thời tiết như vậy lại là điểm cực kỳ thuận lợi cho việc sản xuất muối.

Theo báo cáo tài chính của Công ty Tài chính Pháp & Thuộc địa thì: “Vịnh Cà Ná là một vùng trũng rộng lớn được che chở bởi những ngọn núi, được bao phủ bởi rừng ngập mặn và là nơi ngụ cư của một ngôi làng bản địa sống bằng nghề đánh cá và khai thác san hô để sản xuất vôi”.

Nhà tư bản Jacques Barbarin đã phải thuê hàng ngàn nhân công từ nhiều nơi đến để bạt rừng, phá núi, chở nước ngọt từ nơi khác đến, với quyết tâm xây dựng Công ty Diêm nghiệp đầu tiên ở Nam Trung kỳ mang tên Công ty Diêm nghiệp Cà Ná (người Việt gọi chung là Sở muối Cà Ná).

Đến ngày 10/4/1929, Công ty Muối Đông Dương được thành lập do Jacques Barbarin làm giám đốc với nòng cốt là những nhà máy sản xuất muối tại Cà Ná. Công ty đặt trụ sở tại Mũi Dinh, trung tâm của vùng muối giữa Phan Rang và Phan Thiết.

Muối Đông Dương đã xây dựng các cánh đồng trên diện tích khoảng 400ha. Cánh đồng này được trang bị hai máy bơm, nhà máy điện và thu hoạch mẻ muối đầu tiên vào cuối năm 1928 với tham vọng sau 4 năm sẽ có sản lượng khoảng 60.000-70.000 tấn khi sản xuất hết công suất. Cho đến năm 1937, sản lượng thực tế của muối Cà Ná đạt 47.000 tấn.

Kể từ đó, Muối Đông Dương tiếp tục khai thác đồng muối Cà Ná nhưng với sản lượng chỉ khoảng hơn 40.000 tấn, không đạt được như mục tiêu ban đầu.

Cho đến 1975, Ninh Thuận, đặc biệt là muối Cà Ná vẫn là một trong những khu vực sản xuất muối lớn nhất cả nước. Theo một số nguồn, từ năm 1945-1975, đồng muối Cà Ná đã có lúc mở rộng diện tích lên tới 563ha, với khả năng sản xuất khoảng 56.000 tấn/năm muối tốt có tỷ lệ NaCl trên 90%. Nhưng dù sản lượng cao hay thấp, việc thiếu một quy hoạch tổng thể bền vững đã khiến cho nhiều diêm dân không còn mặn mà với đồng muối.

Xét từ khoảng năm 2005, diện tích làm muối luôn có sự tăng giảm thất thường. Đầu tiên do một số tỉnh điều chỉnh quy hoạch, đầu tư sang các lĩnh vực khác có giá trị kinh tế cao hơn. Tiếp theo, một số nơi chuyển sang nuôi trồng thủy sản có thu nhập cao hơn và quay trở lại làm muối khi giá muối tăng.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “đứng núi này trông núi nọ” của bà con diêm dân vẫn là giá muối thường ở mức rất thấp, có khi xuống đến 100-200 đồng/kg, tình trạng được mùa mất giá cứ liên tục diễn ra làm cho nhiều hộ diêm dân phải bỏ nghề.

Ninh Thuận vẫn là địa phương mặn mà nhất với nghề muối trong cả nước.

Ninh Thuận vẫn là địa phương mặn mà nhất với nghề muối trong cả nước.

Năng suất muối qua các năm cũng giảm. Năng suất bình quân chung các tỉnh điều tra năm 2022 đạt khoảng 63 tấn/ha, 2012 đạt 59,79 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với năm 2005 là 88,45 tấn/ha.

Nguyên nhân chính do gặp yếu tố thời tiết không thuận lợi, sản xuất muối phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tự nhiên của từng vùng. Vùng có số ngày nắng cao, cường độ nắng và gió lớn, ít mưa bất thường thì được mùa muối, năng suất muối sẽ cao và ngược lại, năm nào mưa nhiều, số ngày nắng ít, mưa gió thất thường thì năm đó mất mùa muối. Tiếp theo là các yếu tố về phương pháp, công nghệ sản xuất...

Nhưng xét theo số liệu thống kê thì Ninh Thuận vẫn là địa phương mặn mà nhất với nghề muối trong cả nước. Diện tích, sản lượng và năng suất muối Ninh Thuận vẫn tăng hàng năm. Tuy nhiên, thu nhập của hộ diêm dân dù cao hơn nhưng vẫn chưa đủ để giữ chân họ ở ruộng muối.

Việc sản xuất muối của nước ta hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công, quy mô phân tán theo hộ diêm dân (chiếm tới 69% diện tích), nên năng suất, chất lượng muối thấp. Chất lượng và số lượng muối tại các đồng muối công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp hóa chất, nên vẫn phải nhập khẩu muối công nghiệp. Từ thực trạng đó, Dự án khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ ra đời.

Dự án có tổng diện tích 3.026ha, có mục tiêu khai thác vùng đất phần lớn đã bạc màu, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả thành đồng muối công nghiệp tập trung với quy mô sản xuất hằng năm hơn 300.000 tấn muối đạt tiêu chuẩn quốc tế để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và xuất khẩu, hơn 20.000 tấn thạch cao và 185.000m3 nước ót; tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương.

Cụm nhà máy điện mặt trời có công suất 405 MWp. Đóng góp ngân sách hơn 500 tỷ đồng (Từ 2019-2021)

Cụm nhà máy điện mặt trời có công suất 405 MWp. Đóng góp ngân sách hơn 500 tỷ đồng (Từ 2019-2021)

Năm 2008, dự án được giao cho Tập đoàn BIM Group tiếp quản, đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất, chế biến sản phẩm muối sạch. Quyết tâm đóng góp cho mục tiêu nâng cao giá trị hạt muối Việt, BIM Foods (thành viên Tập đoàn BIM Group) đã thúc đẩy cơ giới hóa và áp dụng công nghệ mới trong quy trình khai thác và sản xuất khu kinh tế muối công nghiệp xuất khẩu Quán Thẻ. Đây là khu vực sản xuất muối lớn nhất Đông Nam Á có diện tích hơn 2.500ha.

Nhà máy chế biến muối của BIM Foods sử dụng dây chuyền thiết bị và công nghệ sản xuất muối tiên tiến từ Tây Ban Nha. Công ty còn chủ động thử nghiệm và đưa vào ứng dụng thành công công nghệ phủ bạt HDPE, nâng cao hiệu quả và chất lượng khai thác muối. Công nghệ này sau đó được chia sẻ vô điều kiện với người làm muối địa phương.

BIM Foods đang cho ra thị trường các sản phẩm muối tự nhiên, an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn cao, đạt sản lượng trên 350.000 tấn muối mỗi năm. Tính cả đồng muối Cà Ná và Tri Hải, doanh nghiệp đóng góp khoảng 60-70% sản lượng muối của Việt Nam.

BIM Group đã triển khai các dự án điện mặt trời và đặc biệt là xây dựng các cột điện gió công suất lớn.

BIM Group đã triển khai các dự án điện mặt trời và đặc biệt là xây dựng các cột điện gió công suất lớn.

Từ khi Dự án Quán Thẻ đi vào hoạt động, đã có hơn 1.000 diêm dân chuyển từ làm muối thủ công truyền thống sang thành công nhân khai thác muối chuyên nghiệp, giúp cho đời sống diêm dân Ninh Thuận phát triển bền vững, có thể yên tâm sống bằng nghề.

“Lúc trước mình làm thủ công, bỏ ra nhiều công sức nhưng hiệu quả không được như mong muốn. Giờ mình chuyển sang bạt thì hiệu quả cao hơn, công sức bỏ ra ít hơn so với khi làm muối kết tinh trên nền đất”, anh Đỗ Ngọc Thạch – một diêm dân có tuổi nghề lâu năm chia sẻ. Mức thu nhập của diêm dân cũng khá hơn nhiều khi chuyển sang khai thác muối chuyên nghiệp với mức lương khoảng 7-8 triệu/tháng, so với khi làm thủ công thường chỉ được 3-4 triệu/tháng.

Tận dụng, khai thác lợi thế tự nhiên của Ninh Thuận, ngay trên vùng đất đang sản xuất muối công nghiệp, BIM Group đã triển khai các dự án điện mặt trời và đặc biệt là xây dựng các cột điện gió công suất lớn. Các tấm quang năng đã được lắp đặt trên các cánh đồng muối, hình thành tổ hợp sản xuất muối sạch - năng lượng xanh lớn nhất Việt Nam, hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến môi sinh.

Đầu tháng 10/2021, Nhà máy Điện gió BIM tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đi vào vận hành thương mại, đánh dấu cột mốc BIM Group hoàn thành chiến lược phát triển muối sạch kết hợp năng lượng sạch trên diện tích đất 2.500 ha với tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng. Điện sạch và muối sạch tại Tổ hợp kinh tế xanh Quán Thẻ sẽ là nguyên liệu đầu vào cho những ngành công nghiệp xanh, bền vững, mở ra hướng đi mới về phát triển kinh tế cho tỉnh Ninh Thuận.

Đọc thêm