Bộ trưởng mong cử tri “thông cảm”
Báo cáo trước QH, ông Thể cho biết, Bộ đã chỉ đạo rà soát và hiện nay đang trình với Chính phủ để thay đổi tên trạm thu phí BOT bằng một tên mới phù hợp với luật và các yêu cầu. Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc đổi tên trạm thu phí không cần phải nghiên cứu và trình. “Tôi thấy cứ trở về tên cũ là được. Bây giờ đợi trình Chính phủ rất lâu. Tên đúng như tên cũ thì cứ lấy lại thôi”, bà Ngân nói.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) “khởi động” phiên chất vấn với đề nghị ông Thể làm rõ sự chênh lệch số năm thu phí giao thông giữa dự toán được phê duyệt với kết quả kiểm toán mà kiểm toán đã công bố. ĐB Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) đặt câu hỏi 200km đường ở địa bàn tỉnh Bình Định có ba trạm thu phí có nhiều quá không? ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) đề nghị làm rõ tình trạng “BOT làm một nơi, thu phí một nơi” như tuyến tránh Phúc Yên, hầm Phước Tượng, Phú Gia ở Huế...
Trả lời câu hỏi của ĐB Phương, ông Thể cho biết, căn cứ vào quy định pháp luật, Bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT theo dự án được duyệt. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, Bộ trong quá trình thực hiện dự án BOT đã kiến nghị Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cùng tiến hành kiểm toán trước khi Bộ GTVT quyết toán.
Thời gian qua, với 56 trạm BOT, KTNN đã tham gia kiểm toán 50 dự án, sáu dự án nữa đang triển khai. Số liệu kiểm toán của KTNN và số liệu quyết toán của Bộ GTVT tương đồng với nhau, do đó, sự phát hiện và chỉ ra của KTNN là rất đúng nhưng Bộ GTVT cũng thực hiện đúng và đảm bảo quyền lợi của người dân, của Nhà nước với những dự án BOT.
Về việc thu phí BOT, theo ông Thể, đứng trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân, trong thời gian vừa qua, khi mặt bằng giá tăng cao, Bộ đã phối hợp với địa phương và các nhà đầu tư rà soát và giảm toàn bộ 56 dự án BOT, có những dự án giảm 2 đến 3 lần từ 35.000đ/1 xe con, thậm chí hiện nay một số trạm chỉ còn 15.000đ.
“Chúng tôi hoàn toàn đứng trên quan điểm của Đảng, Nhà nước và nhân dân để điều chỉnh mức phí đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân. Căn cứ tính phí, giảm phí là vào lưu lượng xe đi qua các trạm và khả năng hoàn vốn của dự án để điều chỉnh”, ông Thể nói.
Với câu hỏi của ĐB Hạnh, Bộ trưởng Thể “công nhận một số khu vực hiện nay mật độ trạm BOT dày đặc, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và chi phí” và đề nghị cử tri, nhất là tỉnh Bình Định, “hết sức thông cảm”.
Tư duy “vá ổ gà” khi xử lý vấn đề
ĐB Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) cho rằng sau khi nghe Bộ trưởng trả lời và báo cáo, ông “không thấy phương án xử lý các dự án BOT dựa trên lợi ích của người dân”. “Bức xúc hiện nay nằm ở 17 dự án đặt sai vị trí. Có ba dự án dân không đi vẫn phải trả tiền. Sáu dự án làm trên đường cao tốc và làm đường chính thì đặt ở đường chính và thu cả cao tốc, tức là không đi cao tốc cũng phải trả tiền. Sáu dự án không đi đường tránh phải trả tiền. Trong báo cáo cũng như trong giải pháp Bộ trưởng vừa nêu, tôi chỉ thấy toát lên là dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng, giảm giá, sau đó thuyết phục xong lại dừng, dân không chịu lại dừng”, ĐB Hàm nêu quan điểm.
Trả lời câu hỏi này, ông Thể cho hay, một số dự án “lịch sử để lại”, Bộ sẽ cố gắng thực hiện đúng theo chỉ đạo. Còn những dự án trước đây, khi lập đưa vào dự án và dự án được duyệt đều có sự tham gia của chính quyền địa phương, các bộ, ngành. Thời điểm phê duyệt dự án, các bên có liên quan, xem trạm thu chỗ đó là hợp lý. “Hiện nay nếu chúng ta di dời các trạm đó thì chúng ta phải tham mưu cho Chính phủ, QH và phải có một khoản kinh phí để thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư BOT”, ông Thể nói.
Tuy nhiên, phần trả lời của Trưởng ngành GTVT không khiến ĐB Hàm hài lòng. “Quan điểm của Bộ trưởng là thuyết phục người dân và giảm giá. Ngày xưa khi ta làm các dự án thì các bộ, ngành, địa phương, nhà thầu, ngân hàng thống nhất với nhau, người dân có biết đâu. Tại sao bây giờ người dân phải chịu và tại sao bây giờ những đường chính chúng ta không chỉ thu phần chúng ta cải tạo?”, ĐB Hàm tranh luận lại.
Tiếp lời ĐB Hàm, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) đặt câu hỏi: “Có phải do có khả năng nhà đầu tư BOT có thể kiện lại Bộ GTVT nên Bộ vẫn cứ tư duy “vá ổ gà” để xử lý các trạm BOT nằm lạc ra khỏi dự án?”. ĐB Hồng cho rằng việc tiếp tục giảm giá, giảm cước và kéo dài thời gian thu phí là tư duy “không thể chấp nhận được”.
ĐB Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hoá) thì nhận xét cách nói vì lợi ích hài hòa của người dân, vì người dân mà giảm giá “giống như là ban phát, xin cho”. Theo ĐB Diến, chúng ta rất cần một nguyên tắc cung - cầu theo cơ chế thị trường. “Tôi nghĩ đơn giá có thể là 2 đồng, lúc đầu ta xây dựng lên 10 đồng, sau khi có áp lực của người dân giảm xuống 8 đồng, 5 đồng, ta cho đó là giảm giá nhưng không phải mà đây là một nguyên tắc cung - cầu”, ĐB Diến nói.
Xử lý nghiêm các sai phạm
Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nói về tình trạng nhiều công trình xây dựng được chỉ định thầu cho một số ít doanh nghiệp gây lãng phí, thất thoát, kéo dài thời gian thi công, làm bức xúc dư luận đã được ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP HCM) đề cập. Theo ông Dũng, Chính phủ và Thủ tướng đã yêu cầu thanh tra, kiểm tra tất cả các công trình đầu tư xây dựng xem việc chỉ định thầu có đúng quy định của pháp luật hay không; việc thực hiện đầu tư xây dựng các công trình đó có đúng quy trình được pháp luật quy định hay không; có việc thông thầu giữa nhà thầu, nhà tư vấn, thẩm định, thiết kế với cán bộ cơ quan nhà nước để tăng khối lượng công việc, tăng phần đầu tư gây thất thoát vốn nhà nước không… “Tất cả các sai phạm được sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, ông Dũng nói.
Về các công trình kết cấu hạ tầng theo hình thức BOT, trong thời gian tới, Thủ tướng đã yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm huy động các nguồn lực đảm bảo công khai, minh bạch, khắc phục các kẽ hở làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước; tiếp tục rà soát các dự án BOT và xử lý, khắc phục những tồn tại, xử lý nghiêm các sai phạm; xây dựng kế hoạch đầu tư để cân đối các nguồn lực cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó xác định rõ các tuyến đường, công trình đầu tư bằng hình thức BOT từ đó công bố công khai để người dân, nhà đầu tư biết và tiến hành chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu và người người dân biết để giám sát. Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu chỉ đầu tư BOT trên tuyến đường mới, không ở tuyến đường độc đạo để người dân có lựa chọn.
Tổng kết phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, các ĐBQH đặt câu hỏi thẳng thắn cụ thể, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của QH, phản ánh được những trăn trở, bức xúc của người dân. “Bộ trưởng Giao thông đã thẳng thắn nhận trách nhiệm với những tồn tại hạn chế của ngành GTVT nói chung. Tuy nhiên, trong trả lời vẫn còn một số nội dung ĐB chưa hài lòng, chưa thỏa đáng nên đã tranh luận để làm rõ”, Chủ tịch QH nói.
Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 4 của QH, 63 Đoàn ĐBQH của các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri (giảm 357 kiến nghị so với kỳ họp trước). Các kiến nghị này đã được chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Nhìn chung, qua ý kiến nhận xét, đánh giá của 59/59 Đoàn ĐBQH về công tác giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan của QH, cơ quan của Ủy ban Thường vụ QH đều cho thấy, các cơ quan này đã thực hiện nghiêm túc, đúng hạn trong việc trả lời các kiến nghị cử tri, đảm bảo chất lượng, đúng các nội dung kiến nghị mà cử tri nêu.
Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng vẫn còn 43/59 Đoàn ĐBQH có nhận xét hiện tượng một số bộ, ngành chưa quyết tâm tìm biện pháp tháo gỡ vướng mắc vấn đề mà cử tri nêu, văn bản trả lời còn chung chung, diễn giải nhiều, nhưng lại không đủ thông tin để giải đáp cho cử tri. Ví dụ, cử tri Lạng Sơn hỏi về chế độ cán bộ công tác tại các thôn không đặc biệt khó khăn nhưng nằm trên xã đặc biệt khó khăn có được hưởng chế độ không nhưng Bộ Nội vụ lại trả lời về cán bộ công tác tại các thôn đặc biệt khó khăn thì được hưởng chính sách. Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, sửa đổi các văn bản pháp luật còn chậm, không phù hợp thực tiễn; việc áp dụng một số văn bản pháp luật vào thực tiễn còn bất cập, nhưng cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời còn chưa thấu đáo…