“Nghiện” hiến máu
Đến xã Phú Túc (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) hỏi lão nông Nguyễn Văn Chính, 53 tuổi thì ai cũng biết. Bởi ông là người có số lần tham gia hiến máu nhiều nhất ở địa phương này. Kể từ lần cho máu đầu tiên vào năm 2005 đến nay, lão nông này đã có hơn 40 lần hiến phục vụ cho y học. Ông Chính cũng là người đầu tiên ở xã Phú Túc tham gia hiến máu để cứu giúp người bị bệnh.
Kể về nguyên nhân khiến ông Chính có “sở thích” hiến máu, ông nói: “Trong một lần bị bệnh phải nhập viện điều trị, thấy nhiều bệnh nhân cần máu mà không có tiền để mua, tôi xót lắm. Với mong muốn làm một việc gì đó giúp người nên tôi đã âm thầm nung nấu ý định dùng những giọt máu của mình để san sẻ những hoàn cảnh khó khăn như vậy”.
Dù có ý định giúp người bằng máu nhưng ông Chính không thể tự mình lấy máu để cho bệnh nhân. Mãi mấy năm sau, địa phương có phát động phong trào hiến máu nhân đạo, người đàn ông này đã tình nguyện tham gia. Khi nói về “thành tích” của mình, ông Chính lộ vẻ tự hào:
“Tính đến nay, tôi đã chính thức hiến máu cho bệnh viện và cho các tổ chức nhân đạo tổng cộng hơn 40 lần. Cách đây 2 năm tôi đã được Hội chữ thập đỏ mời đi hiến máu ngoài Hà Nội. Lần ấy tôi còn được chụp ảnh cùng nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Giờ nhìn mấy tấm bằng khen được Nhà nước truy tặng tôi vui lắm. Đó là hạnh phúc lớn nhất đối với những người hiến máu như tôi”.
Theo những chia sẻ của ông Chính, khi được hiến máu ông cảm thấy sức khỏe của mình tốt hơn hẳn. Ngược lại, mấy tháng trời không ai xin máu, ông cảm thấy buồn và vô cùng bứt rứt. “Khi chưa hiến máu, tôi chỉ có 47 cân, cân nặng của tôi tăng lên theo tỉ lệ thuận với những lần hiến máu, giờ tôi đã hơn 50 cân rồi, sức khỏe vẫn tốt”, ông Chính bộc bạch.
Được biết, trước đây ông Chính từng có một thời gian dài công tác ở địa phương, sau này tuổi cao nên ông không tham gia vào công tác chính quyền nữa. Thấy mình không có cống hiến gì nên ông đã âm thầm hiến máu để cứu giúp người bệnh.
Nói về sở thích kì quặc của chồng, bà Phạm Thị Lan (vợ ông Chính) chia sẻ: “Nhiều lúc thấy chồng hăng hái đi hiến máu cho người ta tôi cảm thấy xót lòng. Những lần đầu ông ấy đi theo người ta đến bệnh viện, tôi lại đứng ngồi yên vì lo lắng cho sức khỏe của chồng. Thế nhưng mỗi lần trở về thấy ông ấy khỏe mạnh, tôi không còn lo nữa.
Chắc có lẽ tính ông ấy là vậy, không thể ngăn được ông ấy cứu giúp bệnh nhân nghèo. Ông ấy còn động viên tôi đi hiến máu tình nguyện nhưng do sức khỏe tôi không được tốt nên bệnh viện không tiến hành lấy máu. Nếu có thể tôi cũng sẵn sàng cho máu để cứu giúp người bệnh như công việc mà chồng tôi đã làm hơn 10 năm nay”.
Hiến máu đến suốt đời
Ông Chính quan niệm, máu là “dược phẩm” không gì thay thế được, rất quý hiếm, nên ông quyết sử dụng nó cho công tác tình nguyện. “Khi những giọt máu của mình có thể giúp đỡ, cứu sống những bệnh nhân đang cần máu, lòng tôi cảm thấy rất vui. Những việc làm ý nghĩa của ngày hôm nay sẽ là hạnh phúc của mai sau. Tôi nguyện hiến máu đến khi nào bản thân không còn đủ điều kiện tham gia thì thôi”, ông Chính khẳng định.
Đã hơn 10 năm, ông Chính vẫn miệt mài hiến máu bất kể sức khỏe của mình chuyển biến ra sao. Kỳ lạ thay, càng hiến máu, ông càng cảm thấy mình rất khỏe. Chính vì vậy, người đàn ông ấy cho rằng, khi làm điều tốt thì trời phật sẽ thương và những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến.
Phần lớn người dân địa phương đều cảm thán tấm lòng thiện nguyện đến mức khó tin của người đàn ông 53 tuổi này. Tuy nhiên, vẫn có một số người nói rằng, việc làm của ông là gàn dở, ai lại lấy giọt máu của mình ra để cho người khác.
Gạt đi những suy nghĩ thực dụng đó, ông Chính vẫn âm thầm “xả thân” giúp đời mà há đợi người phải trả ơn. “Mỗi lần ông ấy đi hiến máu, các tổ chức từ thiện có biếu gia đình ít đường, rau củ, bánh trái… để tẩm bổ. Người ta biếu thì mình nhận chứ thực ra chúng tôi cũng không cần người khác phải trả ơn mình. Đối với chồng tôi, nhận được giấy chứng nhận sau những lần hiến máu là ông ấy vui rồi”, bà Lan trải lòng.
Theo quan sát của chúng tôi, trong ngôi nhà giản đơn của ông Chính, ngoài những bằng khen của các tổ chức từ thiện cấp cho ông, không có món đồ nào có giá trị. Trước đây khi còn trẻ, ông Chính chăm sóc vườn tược trồng cây bán trái.
Sau này sức khỏe yếu đi, người đàn ông này đi làm bảo vệ cho một công ty với mức lương 3 triệu đồng/tháng. So với bà con láng giềng, gia đình ông Chính dù không đến nỗi nghèo khó nhưng cũng chẳng dư giả gì. Vậy nhưng, tấm lòng nhân hậu của lão nông này thì khó ai bì kịp.
Trong cuộc sống hằng ngày, ông Chính là một người đàn ông chân chất, sống tình nghĩa với lối xóm, bà con. Dù những thành tích của mình đáng được tuyên dương nhưng tuyệt nhiên người đàn ông ấy không hề khoe khoang về “tấm lòng Bồ Tát” của mình.
Ông Chính tâm niệm: “Từ lâu tôi đã tâm niệm, việc giúp người là trách nhiệm của bản thân tôi nên không cần ai phải trả ơn cho mình. Nhìn thấy người bệnh được khỏe mạnh nhờ những giọt máu từ cơ thể của mình, tôi phấn khởi lắm. Mỗi lần đi hiến máu cho các tổ chức từ thiện, người ta có cấp giấy cho tôi. Còn khi tôi hiến máu ở bệnh viện, tôi cũng chẳng cần phải đợi giấy tờ gì nữa, miễn sao người ta cho tôi hiến máu là tốt rồi”.
Người dân địa phương còn lan truyền nhau những câu chuyện về người đàn ông có tấm lòng nhân hậu dám rót từng giọt máu hồng để đổi lấy sức khỏe cho những người dưng.
Khi được hỏi về những người được nhận máu có trở lại để trả ơn ân nhân hay không, bà Lan tâm sự: “Chồng tôi không thắc mắc nhiều về chuyện đó, việc quan trọng nhất của ông ấy là có được lấy máu để trị bệnh hay không mà thôi. Mỗi lần nhận được giấy mời hiến máu từ bệnh viện, ông nhà tôi mừng ra mặt, vội vã chuẩn bị để lên đường. Nhiều lúc tôi cũng lấy làm lạ nhưng riết rồi cũng thành quen, ông ấy đã “nghiện” hiến máu mất rồi”, bà Lan suy nghĩ về chồng.
Bà Lan còn kể lại một câu chuyện cảm động về một người phụ nữ bị bệnh ung thư và rất cần máu để kéo dài sự sống. Qua nghiên cứu, bệnh viện đã xác định được máu ông Chính trùng khớp với nhóm máu của bệnh nhân này.
Lần đó, ông Chính được bệnh viện mời về lấy máu rồi trực tiếp truyền máu sang người bệnh, sự sống của người phụ nữ này được kéo dài đáng kể. “Ông ấy hứa sẽ truyền máu đến khi nào bà ấy mất thì thôi. Và sau này, con cháu của người đàn bà này đã vô cùng mang ơn chồng tôi, xem ông ấy là ân nhân của gia đình”, bà Lan nhớ lại.
Và còn quá nhiều trường hợp người bệnh được ông Chính giúp đỡ mà bà Lan không thể kể ra hết được những lần chồng bà đã hiến máu cứu người. “Người ta có nghĩ sao thì nghĩ, tôi chỉ biết rằng việc hiến máu mà tôi đang làm là cần thiết và đó cũng là niềm hạnh phúc của riêng tôi”, ông Chính giãi bày.