Quy định đáng lẽ phải có từ lâu
Trước đó, một số di tích Hà Nội như đền Ngọc Sơn, Văn Miếu Quốc Tử Giám... cũng đã có quy định về trang phục cho khách tham quan. Và từ ngày 1/7, theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trung tâm đã ban hành quy định về trang phục của du khách khi tham quan các điểm di tích thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế. Du khách tham quan di tích Huế phải tuân thủ quy định về trang phục phù hợp môi trường du lịch văn minh, lịch sự, phù hợp với ứng xử văn hóa dân tộc.
Cụ thể, du khách khi vào tham quan di tích cố đô Huế phải mặc trang phục lịch sự, gọn gàng, phù hợp với tính chất di tích. Đặc biệt tại các khu vực nội điện, nơi thờ cúng, tuyệt đối không được ăn mặc phản cảm, hở hang như quần cộc, áo may ô, váy ngắn... Để tiện cho du khách biết và thực hiện quy định này, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã đặt hệ thống biển báo dành cho du khách tại tất cả các điểm di tích, trong đó có biển cấm ăn mặc hở hang, phản cảm khi tham quan tại các điểm di tích. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã thông báo tới các hãng lữ hành, công ty du lịch… nhằm hướng dẫn du khách trước khi tham quan di sản.
Nhiều người bày tỏ sự đồng tình với quy định về ăn mặc của Huế đối với du khách khi đến tham quan Cố đô. Tuy nhiên, qua đó họ cũng bày tỏ quan ngại trước khả năng tuyên truyền về quy định này đến rộng rãi du khách. Bởi lượng khách đến tham quan đông nếu công tác tuyên truyền không tỉ lệ thuận với điều đó thì Ban Quản lý di tích Cố đô sẽ gặp phải những vấn đề vô cùng bất cập mà trước đó các địa danh thí điểm quy định tại Hà Nội đều đã gặp phải.
Cần phải có những biện pháp “dài hơi”
Ngoài tuyên truyền, lắp đặt hệ thống biển báo mà Ban Quản lý di tích Cố đô hiện tại đang áp dụng thì nhiều người cũng đề xuất thêm các giải pháp để Ban Quản lý có thể hoàn thành tốt công việc của mình. Đó là nếu khách du lịch chưa được “dặn” dò trước đó thì nên để sẵn váy, áo choàng… để hỗ trợ. Bởi du khách họ có thể tham quan nhiều địa danh không riêng gì di tích Cố đô nên việc sử dụng “tạm” trang phục cũng có thể chấp nhận được. Tránh trường hợp du khách vì không có trang phục đúng quy định mà phải quay về là điều mà Ban Quản lý di tích cần hướng tới.
Bên cạnh đó, vấn đề xử phạt những hành vi xâm hại di tích còn bị buông lỏng, giảm nhẹ, chủ yếu là nhắc nhở nên không có tính răn đe. Ở các nước khác trên thế giới như Thái Lan, du khách tới đây luôn phải tỏ thái độ kính trọng Quốc vương, tôn trọng các nhà sư trong chùa. Khi vào đền, chùa du khách phải cởi bỏ giày dép, đặt ngay ngắn ngoài cửa, rồi đi chân không vào. Đặc biệt, du khách phải mặc kín đáo, váy dài quá gối, với những khách nước ngoài không được dặn dò trước mà mặc quần ngắn phải mượn hoặc mua xà rông cạnh cửa chùa để quấn vào. Ở Việt Nam, việc giày dép lộn xộn, giẫm đạp lên nhau là chuyện quá đỗi bình thường. Vậy nên ngoài việc ăn mặc lịch sự thì ở trước các địa điểm du lịch tâm linh chúng ta cũng nên phải đề cao sự ứng xử văn minh.
Về hình phạt nghiêm nhất, chúng ta mới chỉ dừng lại ở phạt hành chính. Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo là phạt tiền từ một triệu đồng đến ba triệu đồng với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Chưa có quy định nào về vấn đề ăn mặc phản cảm tại các địa điểm cấm, tất cả mới chỉ dừng lại ở nhắc nhở. Nhưng ngay cả khi đã có quy định cụ thể về mức xử phạt như vậy thì rất nhiều vụ việc cũng chỉ được xử lý qua loa, cho xong.