Trang phục dân tộc của Hoa hậu: Ranh giới giữa phá cách và “làm lố”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những năm gần đây, công chúng đã được chứng kiến sự nở rộ của mảng trang phục dành cho hoa hậu trình diễn và dự thi ở các đấu trường sắc đẹp quốc tế. Lấy ý tưởng từ các nét đẹp văn hóa truyền thống Việt nhưng không ít thiết kế lại gây nên các cuộc tranh cãi trong dư luận.
Trang phục Hoa hậu lấy cảm hứng từ bánh tráng trộn Sài Gòn và nghề làm chiếu Cà Mau.
Trang phục Hoa hậu lấy cảm hứng từ bánh tráng trộn Sài Gòn và nghề làm chiếu Cà Mau.

Phát huy nét đẹp văn hóa Việt

Năm 2017, Hoa hậu H’Hen Niê mang trang phục lạ mắt thiết kế từ ý tưởng xe bánh mì Việt Nam đến tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ và nhận được sự quan tâm, yêu thích từ giám khảo lẫn khán giả quốc tế. Kể từ đó đến nay, trang phục dân tộc dành cho hoa hậu, đặc biệt trang phục hướng đến các nét đẹp ẩm thực, văn hóa dân tộc đã trở thành “trào lưu” trong các cuộc thi nhan sắc nước ta.

Trước đó, hầu hết trang phục dạ hội mà người đẹp Việt diện trong các cuộc thi trong nước hoặc quốc tế đều tuân thủ theo các nguyên tắc thiết kế truyền thống, lấy cảm hứng từ áo dài, áo tứ thân, bà ba, hoa văn rồng phượng, chim lạc, nón lá... Tuy nhiên, những năm 2016 - 2017, với sự xuất hiện của bộ trang phục bánh mì do H’Hen Niê mặc dự thi, trang phục Cà phê phin của Hoàng Thùy dự thi Hoa hậu Hoàn vũ… thì trào lưu đưa ẩm thực và các câu chuyện văn hóa Việt vào trang phục dân tộc mới rộ lên mạnh mẽ.

Thời gian qua, công chúng cũng chứng kiến nhiều bộ trang phục dân tộc đẹp và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Có thể kể đến bộ "Hoa trạng nguyên", do Lê Long Dũng và Thân Nguyễn An Kha thiết kế được Á hậu Phạm Ngọc Phương Anh đem đến cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2022. Trang phục được lấy cảm hứng từ sự tích hoa trạng nguyên và câu chuyện về nữ trạng nguyên duy nhất trong lịch sử khoa bảng Nguyễn Thị Duệ, danh xưng “Bà chúa Sao”. Hay trang phục dân tộc mang tên "Nhã nhạc" của nhà thiết kế Đoàn Phúc Thiện mang đến đấu trường sắc đẹp Hoa hậu Du lịch Quốc tế 2022. Trang phục phối màu cổ điển và nhã nhặn, được lấy cảm hứng từ Nhã nhạc cung đình Huế - di sản phi vật thể và truyền thống của nhân loại được UNESCO công nhận...

Tại những cuộc thi thiết kế trang phục cho Hoa hậu dự thi được tổ chức bởi các đơn vị tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam và Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam, nhiều năm qua, công chúng đã được chứng kiến nhiều sáng tạo độc đáo trên nền tảng văn hóa Việt. Các nhà thiết kế tên tuổi cho đến những bạn trẻ không chuyên hay sinh viên trong ngành thiết kế đã đưa các nét đẹp dân tộc như lễ cầu Ngư, đờn ca tài tử, hình ảnh cánh cò trắng, các làng nghề cổ truyền... vào thiết kế trang phục, gây bất ngờ cho khán giả.

Sáng tạo hay “làm lố”?

Vì hiệu ứng rầm rộ ấy, đã xuất hiện xu thế thiết kế trang phục đi theo trào lưu phá cách này. Tuy nhiên, không ít thiết kế vì khai thác quá đà và thiếu phù hợp đã gây nên sự “bội thực” cho người xem cũng như tạo ra những tranh cãi không đáng có.

Sau thành công của trang phục bánh mì, phin cà phê, công chúng chứng kiến sự ra mắt của hàng loạt bộ sưu tập “trang phục ẩm thực” như bánh tét, bánh tráng trộn, phở, hoa quả miền tây, các loại mắm, bánh xèo, bún nước lèo, lẩu tôm... Trong số đó, nhiều bộ trang phục dường như “bê nguyên” món ăn gắn vào quần áo, với thiết kế rườm rà, thô thiển.

Nhiều bộ trang phục lấy ý tưởng từ con vật nuôi trong nhà gắn liền với đời sống người Việt, tuy nhiên lại trông như những hình nộm để trẻ em vui chơi, chụp ảnh ngoài đường thay vì mang lên các sâu khấu lớn. Nhiều ngành nghề truyền thống của dân tộc như nghề làm bánh tráng, nghề làm tráp, nghề làm chiếu... cũng được đưa vào trang phục hoa hậu. Tuy ý tưởng thú vị nhưng triển khai lại... “có vấn đề”.

Bộ trang phục khiến dư luận tranh cãi nhiều thời gian qua là trang phục “Chiếu Cà Mau” giành chiến thắng trong Trang phục dân tộc của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 và được Hoa hậu Ngọc Châu mang đến cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2023. Nhiều người cho rằng trang phục nặng, cồng kềnh, hoa văn họa tiết không thuần Việt.

Cần thừa nhận rằng, những năm qua, sự độc đáo, mới mẻ của phần thi trang phục khiến các cuộc thi hoa hậu được khán giả quan tâm hơn. Thông qua những trang phục mang đậm nét văn hóa Việt, các người đẹp khi đi thi quốc tế đã góp phần quảng bá vẻ đẹp, bản sắc Việt khắp năm châu, nhận được sự yêu thích, quan tâm của bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, món ăn nào ăn mãi cũng thành nhàm, cái gì lạm dụng nhiều thì dễ thành “quá lố”. Thiết nghĩ, cần có sự cân nhắc trong thiết kế trang phục để đem đến cho người xem những tinh hoa của bản sắc Việt Nam, thay vì những món “thập cẩm” từ sự sáng tạo quá đà, gây ra một số hiểu lầm không đáng có về những nét đẹp văn hoá Việt.