Tranh biếm họa phòng chống tham nhũng làm người 'có tật' giật mình

(PLO) - Những vấn đề nóng nhất xã hội như: cả họ làm quan, làm giàu bằng chổi đót, xây nhà hát nghìn tỷ, dân chơi 4.0, đánh bạc online... đều được đưa vào tranh biếm họa. Các tác phẩm tranh biếm họa góp phần đưa ra góc trào phúng, đả kích khiến khi tiếp cận, ai “có tật” đều cảm thấy giật mình.
Hình minh họa
Hình minh họa

Tất cả bức tranh đều phản ánh sự thật

Triển lãm tranh biếm họa chủ đề “Phòng, chống tham nhũng” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&TT) tổ chức đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội).

Tranh biếm họa không chỉ là một loại hình nghệ thuật, mà còn là một loại hình giải trí, giáo dục. Nhiều vấn đề nhức nhối tồn tại trong xã hội được truyền đạt một cách khéo léo, đòi hỏi sự suy ngẫm qua các bức tranh.

Các tác phẩm thể hiện cái nhìn sắc sảo về các vụ việc tiêu cực, được nhiều người quan tâm và gây ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội. Những bức họa thật sự gây thích thú cho người xem không chỉ bởi lối vẽ độc đáo, mà còn bởi những ý tưởng châm biếm nhẹ nhàng mà sâu cay. Các bức tranh có sức nặng như một bài báo điều tra.

Với 518 tác phẩm tham dự, Hội đồng nghệ thuật triển lãm đã lựa chọn 158 tác phẩm để trưng bày triển lãm và 30 tác phẩm được trao thưởng, trong đó có 3 giải Nhì (không có giải Nhất). 3 tác phẩm đạt giải Nhì được trao cho các tác phẩm: “Sự thật phũ phàng” - Trần Hải Nam, “Tìm trách nhiệm” - Hà Xuân Nồng, “Dân chơi 4.0” - Lê Đức Hùng.

Họa sĩ Hà Xuân Nồng (bút danh NOP) đã vẽ một mê cung cho kẻ tham nhũng trong bài thi của mình. Ở đó, tội phạm tham nhũng có thể chạy vào trốn, phía sau là nhiều người đuổi theo. Với mê cung rắc rối, khả năng tìm thấy gần như bằng không. Đây cũng là tác phẩm họa sĩ Xuân Nồng tâm đắc nhất trong chùm tác phẩm tham dự Cuộc thi.

“Người tham nhũng đều là người làm cho Nhà nước. Họ có trách nhiệm công vụ. Chỉ vì họ không hoàn thành nhiệm vụ nên sinh ra bao hệ lụy sau này. Nhưng sau khi làm xong họ lại trốn. Tôi muốn nhắc tới những khe hở pháp luật khiến họ trốn dễ. Hình tôi vẽ là mê cung, là nơi ông trách nhiệm trốn vô đó thì khó tìm ra luôn. Không tìm ra được. Đó là ẩn dụ về việc ai để ông vô đó hoặc ông trốn được vô đó là trách nhiệm của Nhà nước chứ không phải chỉ mỗi chuyện ông tham nhũng ấy” - họa sĩ Hà Xuân Nồng chia sẻ.

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 7 giải Ba, 20 giải Khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc. Các tác phẩm phản ánh đúng hiện trạng của xã hội hiện nay khi mà con người đang dần sống ích kỉ, tư lợi và chính sự ích kỉ, tư lợi ấy đang góp phần làm cản trở bước đường xây dựng một đất nước văn minh - giàu mạnh. 

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho hay, những vấn đề nóng nhất xã hội như: cả họ làm quan, các biệt phủ, làm giàu bằng chổi đót, du lịch nước ngoài bằng ngân sách, bổ nhiệm thần tốc, đánh bạc qua mạng, nuôi lợn làm giàu... đều được đưa vào tranh biếm hoạ. Các tác giả tham dự giải có các góc nhìn đa chiều, nóng hổi tính thời sự.

Điều này chứng tỏ họa sĩ không rời xa đời sống mà rất thực tế, cập nhật tình hình như nhà báo. Các họa sĩ cập nhật nhanh vô cùng, bằng tư duy của người làm báo và sự sáng tạo của người cầm cọ họ đã có những tác phẩm đi vào thực tế của xã hội”.

Sức “công phá” lớn 

Nói về sức “công phá” của thể loại tranh biếm họa, họa sĩ Lê Phương cho hay: “Bản chất của biếm họa là luôn đi theo sau các sự kiện chính thống được đăng tải trên báo chí. Biếm họa chỉ như một người điểm lại sự kiện, đưa ra góc nhìn riêng và hài hước hóa nó. Tiếng cười trong tranh biếm họa nhất là chủ đề chống tham nhũng phải sâu cay, mang tính chiến đấu, sức lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng”.

Họa sĩ Lý Trực Dũng, “cây cọ” gai góc của làng biếm họa cho biết thêm, lợi thế và ngôn ngữ biếm họa luôn mang đến cho các họa sĩ một khả năng giãi bày mãnh liệt. Vừa hài hước, vừa sâu cay, họa sĩ biếm họa có cơ hội thể hiện một cách gai góc, trực diện và kiên quyết nhất tình cảm, thái độ của mình.

Điều này chính là lợi thế riêng có của tranh biếm họa. Các họa sĩ biếm họa là những người luôn luôn nhạy cảm với thời cuộc, quan tâm đến mọi vấn đề, diễn biến xã hội để sáng tác, bộc bạch quan điểm chứ không chờ tới sự phát động, kêu gọi của bất kỳ một tổ chức, đơn vị nào.

Trường Đại học Mỹ thuật chưa hề có khoa chuyên về biếm họa. Cho đến nay, hầu hết các họa sĩ biếm họa có tên tuổi đều tự học hoặc mày mò để nâng cao tay nghề. 

“Tính chất tượng trưng và cường điệu hết cỡ của tác phẩm còn thiếu. Nhưng vấn đề tham nhũng là đề tài khó, kể cả trên thế giới đó cũng là đề tài khó. Ở đây, chúng ta có nhiều họa sĩ tham gia, nó sẽ thành phong trào và điều đó tích cực. Còn những tác phẩm mang tính cô đọng, để người ta xem thấy sung sướng, để nó trở thành phi thời gian, không phụ thuộc vào thời sự thì khó vô cùng. Nó phụ thuộc tài năng xuất chúng. Trên thế giới cũng vậy”- họa sĩ Lý Trực Dũng thẳng thắn.

Ở một góc độ nào đó, có thể xem tranh biếm họa là một loại vũ khí hiện đại, sắc bén, có sức “công phá” không nhỏ phòng chống tham nhũng nói riêng, tiêu cực xã hội nói chung. Dẫu vậy, rất nhiều năm nay, biếm họa Việt Nam vẫn luôn lặng lẽ âm thầm và ít được quan tâm. Nhiều người chỉ thưởng thức biếm hoạ trên báo như một “món gia vị” chứ chưa phải là một “món ăn chính”. Chúng vẫn phải sống “ký sinh” trên báo chí. 

Để sống được với nghề, đa phần các họa sĩ phải làm đủ thứ nghề tay trái như vẽ minh họa, trang trí… Các họa sĩ mong muốn có nhiều “đất” để mài “vũ khí” này ngày một sắc bén hơn, chuyên nghiệp hơn.