Tránh bỏ sót người thuộc diện được trợ giúp pháp lý

(PLVN) -Tránh bỏ sót người thuộc diện được trợ giúp pháp lý (TGPL) khi họ cần giúp đỡ pháp lý, tạo cơ chế linh hoạt hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác TGPL là những đề xuất của UBND TP Hà Nội sau thời gian thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL trên địa bàn TP.
Tránh bỏ sót người thuộc diện được trợ giúp pháp lý

Bảo đảm nguồn lực thực hiện TGPL

Sau khi Luật TGPL năm 2017 được ban hành, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ và nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật TGPL và đạt những kết quả nhất định. Số lượng vụ việc TGPL tăng mạnh trong giai đoạn từ năm 2018 đến tháng 6/2020. Cụ thể, số lượng vụ việc tham gia tố tụng năm 2018 là 567 vụ thì năm 2019 là 612 vụ và 06 tháng đầu năm 2020 là 466 vụ.

Nguồn lực để thực hiện TGPL đã được đảm bảo nhất là đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý. Tỷ lệ số lượng Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu tham gia vụ việc tố tụng tăng từ 50-60% lên đến 94,9% qua các năm. Có nhiều Trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu khá và tốt. Điều này cho thấy đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý ngày càng trưởng thành và khẳng định được vai trò của mình trong việc thực hiện TGPL, nhất là lĩnh vực tham gia tố tụng. Chất lượng các vụ việc TGPL trong lĩnh vực tham gia tố tụng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, nhận được sự phản hồi tích cực của người được TGPL.

UBND Thành phố cũng ngày càng quan tâm đến công tác TGPL: nguồn kinh phí dành cho hoạt động TGPL được tăng dần qua các năm; đã đề ra những giải pháp nhằm nâng số lượng và chất lượng công tác TGPL.

Sau năm năm thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, ban, ngành đoàn thể và các tổ chức, cá nhân về công tác TGPL trên địa bàn Thành phố đã nâng lên. Đặc biệt, nhận thức của Các cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, phối hợp tương đối chặt chẽ, thường xuyên với Trung tâm để thực hiện TGPL trong tố tụng. Qua đó, góp phần bảo đảm tính khách quan, toàn diện, đánh giá đúng bản chất của vụ việc, đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trước pháp luật, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng được TGPL.

Thực hiện Luật TGPL năm 2017,  từ cuối năm 2017, UBND TP đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật TGPL trên địa bàn Thành phố. UBND Thành phố tiếp tục giao Sở Tư pháp tiến hành rà soát về tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước theo hướng tinh giản biên chế, hoạt động hiệu quả. Theo đó, Trung tâm TGPL đã tinh giản bộ máy một cách tối đa. Kết quả biên chế làm việc tại Trung tâm và các Chi nhánh hiện nay là 78 biên chế trên tổng sổ 84 biên chế được giao. Số trợ giúp viên pháp lý là 42 người.

Tháng 5/2020 UBND TP cũng đã giải thể Chi nhánh số 8 thuộc Trung tâm TGPL nhà nước thành phố Hà Nội. Hiện nay, Trung tâm TGPL nhà nước có 10 Chi nhánh đặt tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Mỗi Chi nhánh phụ trách hoạt động TGPL của từ 2- 3 quận, huyện.

Cần chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL

Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND TP hà Nội cho biết công tác TGPL còn nhiều khó khăn. Đó là công tác truyền thông về TGPL đã được thực hiện bằng nhiều hình thức, tuy nhiên hiệu quả truyền thông chưa đạt được như mong muốn. Số lượng vụ việc TGPL có tăng mạnh nhưng vẫn chưa phản ánh được đúng nhu cầu TGPL của người dân trên địa bàn do nhiều người chưa biết đến TGPL và các tổ chức thực hiện TGPL.

Bên cạnh đó, một số Trợ giúp viên pháp lý còn trẻ, mới được bổ nhiệm nên chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn đến chất lượng vụ việc TGPL chưa cao. Do đó cần có các giải pháp để đảm bảo chất lượng vụ việc TGPL. Chức danh Trợ giúp viên pháp lý còn rất mới trong nhận thức của người dân, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế về người thực hiện TGPL phải là Luật sư, dẫn tới sự nhìn nhận khác nhau giữa Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác TGPL,  phù hợp với với Luật TGPL 2017 và tình hình thực tiễn ở các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ thì Bộ Tư pháp cần sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Đề án với mục tiêu tạo bước chuyển biến căn bản, đột phá trong việc nâng cao chất lượng, chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL đáp ứng yêu cầu cải cách Tư pháp, cải cách hành chính xây dựng nhà nước pháp quyền hội nhập kinh tế, quốc tế. Tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu, cơ chế đảm bảo quyền được TGPL, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL làm trọng tâm tránh bỏ sót người thuộc diện được TGPL khi họ cần giúp đỡ pháp lý, tạo cơ chế linh hoạt hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác TGPL, lấy lực lượng Trợ giúp viên pháp lý làm nòng cốt thực hiện TGPL, Trung tâm TGPL là đơn vị điều phối, thực hiện hoạt động TGPL  tại các địa phương.

UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tư pháp ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ TGPL đầy đủ, đồng thời, ban hành Kế hoạch TGPL cho từng nhóm đối tượng được TGPL để UBND Thành phố có căn cứ triển khai công tác TGPL trên địa bàn. Bộ cũng tham mưu cho Chính phủ duy trì và quan tâm đến chế độ bồi dưỡng cho Trợ giúp viên pháp lý, giúp họ yên tâm thực hiện công tác TGPL và nhiệm vụ chính trị được giao.

Đọc thêm