Các chuyên gia, luật sư của VIAC chia sẻ kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện thương mại quốc tế. |
Đối diện với nhiều vụ kiện
Tại Tọa đàm “5 năm tới: Cơ hội và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức mới đây, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Trọng tài viên VIAC nêu quan điểm, “có câu nói của CEO Nokia: “Chúng tôi làm không có gì sai nhưng chúng tôi lại thất bại”. Anh làm gì cũng được nhưng nếu anh không nhận ra xu thế thì sẽ bị gạt ra bên lề.… Đây là thời điểm chúng ta thực sự cần có cách tư duy lại, thiết kế lại”.
Theo Luật sư Đinh Ánh Tuyết (Trưởng Văn phòng Luật sư IDVN, Trọng tài viên VIAC), thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp (DN) gặp phải là khi hàng rào thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo hộ, các nước nhập khẩu (NK) có xu hướng sử dụng các biện pháp phi thuế quan (chống bán phá giá, chống trợ cấp, phòng vệ thương mại...) để bảo vệ ngành sản xuất trong nước của mình.
Đáng ngại, một số đối tác lớn của Việt Nam đều đến từ các nước thường sử dụng các biện pháp đó. Các vụ kiện thường không chắc chắn và không thể đoán trước, không có cơ chế rõ ràng để giải quyết và phải mất nhiều thời gian để xem kết quả…
Luật sư của IDVN cũng lưu ý, với các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), quy tắc xuất xứ sẽ phức tạp hơn, có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu (XK) và sản xuất của Việt Nam, đặc biệt là các ngành có sử dụng nhiều nguyên liệu NK: thép, sợi, ván gỗ.,…
“Trước đây cũng có một số cuộc điều tra từ EU, Thổ Nhĩ Kỳ…, nhưng không gây tác động lớn như các cuộc điều tra gần đây. Họ chưa thấy sự kiểm soát hữu hiệu của Việt Nam từ kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu XK. Nhưng cũng có nhiều DN bị oan, vì họ chưa chứng minh được dòng tiền như kiểu “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương”…”- Luật sư Tuyết chia sẻ đồng thời lưu ý, không chỉ Nhà nước, mà bản thân DN phải áp dụng biện pháp truy suất nguồn gốc.
Cùng với đó, sức ép cạnh tranh đối với nền kinh tế Việt Nam là vô cùng lớn. FTAs buộc Việt Nam phải từng bước dỡ bỏ các rào cản thị trường để cho phép DN nước ngoài xâm nhập sâu hơn vào thị trường hàng hóa, dịch vụ. FTAs cũng buộc Nhà nước thắt chặt các tiêu chuẩn và không ngừng nâng cao các tiêu chuẩn về lao động, môi trường, an sinh xã hội: tăng chi phí sản xuất và thách thức quản lý, đặc biệt trong các ngành sử dụng lao động quy mô lớn như dệt may, thủy sản …
Đặc biệt, tác động của đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến việc các nước NK muốn tăng cường chính sách bảo hộ của mình. Từ đó, các rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt và hệ thống vệ sinh và kiểm dịch động thực vật có thể là những rào cản khiến hàng hóa Việt Nam khó thâm nhập thị trường của các đối tác FTA. Hàng hóa Việt Nam có thể phải đáp ứng các điều kiện khắt khe hơn về hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ từ thị trường NK…
Doanh nghiệp phải chủ động!…
Luật sư Đinh Ánh Tuyết lưu ý, dù đang thuận lợi, DN cần phải tính đến đa dạng hóa thị trường NK, tránh phụ thuộc vào nguồn NK nguyên liệu truyền thống. Nếu có sự tăng vọt về khối lượng hàng XK và NK của cùng một mặt hàng thì đó là dấu hiệu có gian lận thương mại, lẩn tránh thuế, cần yêu cầu sự hỗ trợ của Chính phủ như kiểm soát xuất xứ và hồ sơ hàng hóa xuất NK…
Vấn đề đặt ra là việc nắm bắt các nội dung mà các FTAs đưa ra đang là vấn đề của nhiều DN, để nhận biết trước dấu hiệu của các vụ kiện và giảm thiểu được các rủi ro lại là bài toán quá khó với phần lớn các DN Việt Nam hiện nay.
“DN cần thông qua hiệp hội để từ đó xây dựng chiến lược đối phó của riêng ngành mình. Đồng thời, DN phải sử dụng nguồn lực hợp lý, sử dụng các dịch vụ tư vấn, xây dựng nguồn lực nội bộ. DN nào chuẩn bị thì kết quả rất khác, án tại hồ sơ nên mọi thứ đều đã được chuẩn bị rồi...”- Luật sư Tuyết đưa ra lời khuyên..
Nhiều chuyên gia cho rằng DN cũng cần phải quen với việc bị kiện để chủ động và tích cực có chiến lược dài hạn giải quyết các vấn đề về lao động, môi trường, sử dụng chính các vấn đề về môi trường, lao động để nâng cao vị thế và uy tín DN, sản phẩm.
Đặc biệt, DN cần chủ động cập nhật thông tin về các chính sách, thay đổi luật pháp tại nước NK hay nước tiếp nhận đầu tư; Đồng thời luôn duy trì hồ sơ chi tiết về truy xuất nguồn gốc, hồ sơ kế toán, hồ sơ sản xuất, được tư vấn thường xuyên để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các vụ kiện, vụ điều tra hay chính sách mới từ nước XK; Chủ động cập nhật thông tin để dự báo và lường trước tỉnh hình để kịp thời có chiến lược ứng phó.
“Trong nguy có cơ”, tinh thần là phải quyết liệt, lấy “ dĩ bất biến, ứng vạn biến”. DN cần phải tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại” trong một thế giới đổi thay…”’- Chuyên gia Võ Trí Thành lưu ý.