Tránh đóng song trùng bảo hiểm xã hội, tối ưu hóa quyền lợi của người lao động

(PLVN) - Đây là mục tiêu hướng đến của việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc được Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTV QH) cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 22/11.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại phiên họp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại phiên họp.

Phát sinh nghĩa vụ đóng song trùng BHXH

Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, quy định áp dụng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo Luật BHXH năm 2014 và Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ hiện nay đang làm phát sinh nghĩa vụ đóng song trùng BHXH.

Cụ thể, người lao động Việt Nam khi làm việc tại Hàn Quốc sẽ vừa phải đóng BHXH ở Việt Nam theo quy định của Luật BHXH Việt Nam, vừa phải đóng BHXH theo Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc và người lao động Hàn Quốc tại Việt Nam cũng phát sinh nghĩa vụ đóng BHXH song trùng tương tự.

"Theo thông lệ quốc tế, các quốc gia sẽ giải quyết vấn đề nêu trên bằng việc thỏa thuận thông qua các Hiệp định song phương hoặc đa phương về BHXH", ông Dung nói.

Để bảo đảm tuân thủ pháp luật của nước người lao động đến làm việc, tránh đóng song trùng BHXH, đồng thời tối ưu hóa quyền lợi của người lao động là công dân hai nước, từ năm 2015 đến nay, Chính phủ hai nước đã trao đổi, đàm phán và về cơ bản đã thống nhất nội dung dự thảo Hiệp định về BHXH giữa hai nước.

Việc tiến tới ký kết Hiệp định là ghi nhận kết quả quá trình đàm phán giữa Chính phủ hai nước và cũng là tiền đề để Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động đàm phán Hiệp định về BHXH trong thời gian tới.

Tại Tờ trình, Chính phủ xin ý kiến UBTV QH đối với 2 nội dung chưa được quy định trong Luật BHXH.

Cụ thể, về thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí. Điều 10 và Điều 12 dự thảo Hiệp định quy định thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí là thời gian đóng BHXH ở cả Việt Nam và Hàn Quốc.

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 về quỹ BHXH (khoản 4 Điều 3 và Chương V (Điều 82 đến Điều 92) và quy định về điều kiện hưởng lương hưu (Điều 54, Điều 55) thì thời gian đóng BHXH được hiểu là thời gian đóng góp vào Quỹ BHXH của Việt Nam.

Luật BHXH hiện chưa quy định về việc cộng gộp thời gian đóng BHXH ở nước ngoài vào tổng thời gian đóng BHXH để làm căn cứ hưởng chế độ hưu trí.

Về tính hưởng chế độ hưu trí, dự thảo Hiệp định quy định việc xem xét điều kiện và tính toán mức hưởng chế độ BHXH sẽ theo quy định của pháp luật mỗi nước.

Theo đó, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà có tổng thời gian đóng BHXH ở cả Hàn Quốc và Việt Nam (và đảm bảo thời gian đóng BHXH ở Việt Nam tối thiểu từ đủ 18 tháng trở lên) từ đủ 10 năm trở lên là đủ điều kiện hưởng chế độ lương hưu hằng tháng của Hàn Quốc và từ đủ 15 năm trở lên (đối với nữ) hoặc từ đủ 20 năm trở lên là đủ điều kiện hưởng chế độ lương hưu hằng tháng của Việt Nam.

Luật BHXH năm 2014 (Điều 56) hiện chỉ quy định việc xác định mức lương hưu hằng tháng đối với lao động nữ có từ 15 năm đóng BHXH trở lên và lao động nam có từ 20 năm đóng BHXH trở lên; chưa quy định về việc xác định mức lương hưu hằng tháng đối với lao động nữ có dưới 15 năm đóng BHXH và lao động nam có dưới 20 năm đóng BHXH trong trường hợp cộng gộp thời gian đóng BHXH theo quy định của Hiệp định.

Sớm sửa đổi, bổ sung Luật BHXH năm 2014

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ tán thành chủ trương đàm phán Hiệp định. Với 2 nội dung mà Chính phủ xin ý kiến, theo Chủ tịch QH, việc cộng gộp thời gian tham gia BHXH để tính hưởng quyền hưu trí chưa quy định trong luật, có thể trích dẫn điều ước quốc tế để xử lý.

Với nội dung thứ 2, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ trao đổi, bổ sung để quy định theo hướng quy định thời gian, cách tính để hưởng hưu trí theo luật hiện hành của mỗi nước.

Cùng với đó, Chủ tịch QH đề nghị đánh giá kỹ hơn về tác động tài chính đến Quỹ BHXH vì số lao động tại Hàn Quốc khi đi hầu như chưa có quan hệ hợp đồng lao động.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, nội dung của Hiệp định không có điều khoản nào trái Hiến pháp, các luật và nghị quyết mà Quốc hội đã ban hành.

Mục đích và nội dung của Hiệp định nhằm tạo thuận lợi thêm thông qua việc cộng dồn cách tính BHXH cũng như chi trả BHXH cho công dân làm việc ở 2 nước.

Nhấn mạnh nguyên tắc đối đẳng bình đẳng giữa 2 bên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, điều quan trọng hơn là Hiệp định sẽ đem lại sự công bằng cho công dân vì hiện nay, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không yêu cầu đóng BHXH 2 lần. Như vậy, bản thân Hiệp định sẽ trao thêm quyền, tạo thuận lợi cho công dân của Việt Nam.

Tại phiên họp, căn cứ vào tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại, UBTV QH đồng ý về nguyên tắc ký Hiệp định.

UBTV QH nhấn mạnh, việc ký Hiệp định phải phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách chính sách BHXH, phù hợp với luật pháp Việt Nam; đẩy mạnh đàm phán ký kết hiệp định song phương về BHXH góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc, nhất là trong bối cảnh người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và lao động Hàn Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng.

Sau phiên họp, UBTV QH đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ có văn bản xin ý kiến Bộ Chính trị.

Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan hoàn thiện kết luận của UBTV QH về nội dung này.

Căn cứ vào ý kiến của UBTV QH, Chính phủ quyết định ký Hiệp định theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

UBTV QH cũng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHXH năm 2014 để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách BHXH, để Hiệp định sớm được thực thi đầy đủ trên thực tế.

Đọc thêm