“Chìa khóa” phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong đại dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nói chung và công tác vận động, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) nói riêng. Trong bối cảnh khó khăn đó, vẫn có những điểm sáng về công tác BHXH, BHYT được các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, trong đó nổi bật là công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục tăng.
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho NLĐ
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho NLĐ

Tăng trưởng vượt bậc

Năm 2017 - trước khi có Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH (NQ 28), số người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 200 nghìn người. Từ khi NQ 28 được ban hành, số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng, kể cả trong tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng toàn diện bởi dịch COVID-19.

Cụ thể, năm 2018 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 28 - toàn quốc đạt trên 277.000 người tham gia, tăng hơn 52.900 người (23,6%) so với năm 2017. Đến năm 2020, đã có trên 1,128 triệu người, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, bằng cả 12 năm trước cộng lại, cao hơn 1,1% so với chỉ tiêu năm 2021 mà Nghị quyết số 28 đặt ra. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, đã có 1.205.961 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 361.220 người (42,76%) so với cùng kỳ năm 2020.

Trước những kết quả vượt bậc này, trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh đánh giá, người tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 đã đạt tỷ lệ 2,31% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa kế hoạch đề ra và gần bằng kế hoạch đến năm 2025 trong NQ 28. Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội.

Chung nhận định, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá, chính sách BHXH tự nguyện đang có sự phát triển vượt bậc. Nếu như năm 2008 - năm bắt đầu thực hiện chính sách cho đến năm 2018, toàn quốc mới chỉ có khoảng 250.000 người tham gia thì chỉ trong năm 2020, 2021 con số này đã lên tới xấp xỉ 1,3 triệu người. Có thể nói rằng, hai năm vừa qua chúng ta đã phát triển chính sách này gấp mấy lần so với hơn 10 năm trước đó. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng.

Truyền thông đúng và trúng nhóm chủ thể tiềm năng

BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) làm nông nghiệp hoặc làm các công việc không có hợp đồng lao động có lương hưu và thẻ BHYT để duy trì cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động.

Song để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, nhất là đạt được những kết quả tích cực như thời gian qua, trước hết là nhờ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước cũng như của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của hệ thống chính trị cùng với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ công chức, viên chức, NLĐ toàn ngành BHXH Việt Nam, trong đó công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT giữ một vai trò rất quan trọng.

Là cơ quan được Chính phủ giao thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam xác định “chìa khoá” trong thực hiện hiệu quả công tác này nằm ở việc thay đổi được nhận thức của người dân, NLĐ, để họ biết, hiểu, củng cố niềm tin về chính sách nhân văn, ưu việt này của Đảng và Nhà nước, từ đó tích cực, chủ động tham gia.

Do đó, BHXH Việt Nam đã không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHXH theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28 và Nghị quyết số 96/NQ-BCS ngày 24/8/2017 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới”.

Bám sát mục tiêu đổi mới toàn diện công tác truyền thông BHXH, các hoạt động truyền thông của ngành BHXH Việt Nam được triển khai chuyên nghiệp bài bản, linh hoạt, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí để kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông trên phạm vi toàn quốc.

Thứ nhất, công tác phối hợp truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN với các cơ quan thông tấn, báo chí đã có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả tốt.

Thứ hai, công tác phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cũng ngày được mở rộng, phát huy hiệu quả quan trọng trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Năm 2020, qua công tác phối hợp này đã có khoảng 120 hội nghị, hội thảo, toạ đàm, tư vấn, đối thoại… truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT được tổ chức, thu hút khoảng 24.000 lượt người tham dự. Trong đó, nhóm người truyền thông được hướng đến là nông dân, ngư dân, diêm dân, người lao động trong các làng nghề, xã viên hợp tác xã… Tại địa phương, BHXH các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các sở ban, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị truyền thông về BHXH tự nguyện theo nhóm nhỏ đến các cụm dân cư, hộ gia đình trong tình hình dịch bệnh.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp truyền thông trực tiếp và truyền thông trực tuyến phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại từng địa phương và xu thế hiện nay. Bên cạnh việc tăng cường các hình thức truyền thông trực tiếp nhóm nhỏ với các nhóm chủ thể tham gia BHXH, BHYT tại cơ sở được đẩy mạnh với trên 26.000 hội nghị truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN tổ chức trong năm 2020, thu hút khoảng 1,4 triệu tham gia.

Có thể khẳng định, các hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam những năm qua đã bám sát nội dung các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHYT. Qua đó, công tác truyền thông đã trở thành cầu nối để truyền tải, đưa các thông tin về BHXH, BHYT đến các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân; góp phần nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân, doanh nghiệp trong việc tham gia và hưởng thụ chính sách BHXH, BHYT;… Đồng thời, đây cũng là kênh hữu hiệu để tiếp nhận những thông tin phản hồi của các chủ thể tham gia BHXH, BHYT về hiệu quả thực thi chính sách, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đề xuất những giải pháp điều chỉnh, xây dựng chính sách BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm