Lần đầu tiên số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc giảm

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo tại phiên họp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo tại phiên họp.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung đưa ra tại phiên họp Quốc hội chiều 22/10.

Ban hành hơn 2.000 quyết định xử lý vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội

Trình bày báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, số người tham gia BHXH bắt buộc đến hết 31/12/2020 là 15.050.944 người, giảm 153.092 người (tương ứng với 1%) so với năm 2019.

Đây là năm đầu tiên số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm so với năm trước, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Tính đến hết ngày 31/12/2020, số người tham gia BHXH là 16.176.180 người, bằng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt chỉ tiêu đặt ra của năm 2020. Số đơn vị tham gia BHXH bắt buộc năm 2020 là 622.020 đơn vị, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền thu BHXH bắt buộc năm 2020 là trên 261,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2019.

Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc năm 2020 của người lao động là 5.687.180 đồng/tháng, tăng 6,05% so với năm 2019.

Năm 2020, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.125.236 người, tăng gấp 2 lần so với năm 2019. Số người hưởng BHXH một lần năm 2020 là 860.741 người, tăng 6,65% so với năm 2019.

Về bảo toàn, phát triển Quỹ BHXH, tổng số kết dư đầu tư quỹ đến 31/12/2020 là 897,7 nghìn tỷ đồng (tăng 10,33% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó 86,8% là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (TPCP). Tổng số tiền lãi thu được từ hoạt động đầu tư quỹ trong năm 2020 khoảng 47,59 nghìn tỷ đồng; lãi suất đầu tư bình quân năm 2020 đạt 5,02%, cao hơn 1,79 điểm % so với lạm phát năm 2020 (3,23%).

Vẫn theo báo cáo, giai đoạn 2016 - 2020, cơ quan BHXH đã ban hành 2.103 quyết định xử lý vi phạm hành chính về BHXH với số tiền xử phạt là 114,5 tỷ đồng. Kết quả, số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã thu hồi là 28,8 tỷ đồng; tỷ lệ chấp hành là 25,2%.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,85% dân số

Về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến 31/12/2020, số người tham gia BHYT là 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Trong đó, ngân sách nhà nước (NSNN) đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người, chiếm 58%.

Tổng số chi do NSNN đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng BHYT. Về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHYT năm 2020, tổng thu quỹ là 110.395 tỷ đồng; chi năm 2020 là 104.220 tỷ đồng.

Về cân đối quỹ BHYT, dự kiến số dư quỹ BHYT lũy kế đến cuối năm 2020 là 32.991 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc cân đối Quỹ vẫn được bảo đảm do Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chi từ Quỹ BHYT.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trình bày tờ trình.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trình bày tờ trình.

Tuy nhiên vẫn còn các khó khăn, thách thức cần giải quyết như số người tham gia BHYT tăng, nhưng phần lớn được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng theo mức lương cơ sở nên số thu vào quỹ thấp.

Mức đóng không thay đổi trong khi phạm vi, quyền lợi hưởng chế độ BHYT ngày càng được mở rộng.

Tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của một số chủ sử dụng lao động vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương và vẫn còn tư tưởng "chỉ khi ốm đau mới tham gia BHYT".

Về tình hình thực hiện Nghị quyết 68, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, số người tham gia BHYT là 87,97 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số, vượt 10,85% so với chỉ tiêu được giao. Y tế cơ sở từng bước được củng cố và mở rộng.

Kiến nghị điều chỉnh mức đóng BHYT

Phát biểu tại tổ về nội dung trên, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ chỉ ra rằng, đối với BHXH, một trong những nhu cầu quan trọng nhất hiện nay là khẩn trương xây dựng, trình QH ban hành Luật BHXH (sửa đổi) kèm theo đó là Luật Việc làm.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ

Theo Chủ tịch QH, nếu sửa luật sớm thì sẽ quản lý được tốt hơn số lượng người hưởng BHXH một lần. "Nhu cầu hưởng BHXH một lần là chính đáng, là thực tế khách quan của người lao động. Nếu rút ngắn thời gian đóng, đồng thời thay đổi cả điều kiện để được hưởng thì chắc chắn người lao động sẽ tham gia, ở lại trong hệ thống bảo hiểm nhiều hơn, tránh được tình trạng phát triển mới được 10 phần thì số rút ra lại đến 7, 8 lần”, Chủ tịch QH nói.

Dẫn chứng việc một số lĩnh vực bảo hiểm ngắn hạn có số dư khá lớn như Quỹ BHTN, Chủ tịch QH đề nghị rà soát lại quy định về mức đóng và phạm vi chi trả.

Về BHYT, Chủ tịch QH cho rằng cần làm rõ hơn về việc điều chỉnh mức đóng, cụ thể là Chính phủ phải tăng mệnh giá BHYT.

Dẫn chứng bình quân mức đóng BHYT của Việt Nam thấp hơn nhiều các nước, Chủ tịch QH cho rằng cần nâng mức đóng này lên mới có điều kiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện lộ trình giá dịch vụ y tế, các cơ sở khám chữa bệnh có điều kiện hơn để trang bị thêm hệ thống thiết bị, chăm lo cho đội ngũ y bác sỹ, chất lượng chăm sóc sức khỏe tốt hơn, người dân được hưởng.

Đọc thêm