Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) Hồ Quang Huy cho biết: Quá trình thực hiện việc sắp xếp, tỉnh gọn bộ máy theo phương án sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ có tác động trực tiếp đến hệ thống VBQPPL liên quan. Do đó, tại Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã giao: “Các bộ, ngành, cơ quan rà soát hệ thống VBQPPL chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để xử lý những vấn đề vướng mắc khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp”.
Theo rà soát của Bộ Tư pháp, có 5.026 VBQPPL chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Các văn bản này tập trung vào một số nhóm nội dung chính gồm: Nhóm VBQPPL chỉ liên quan đến việc thay đổi tên gọi của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Nhóm VBQPPL có nội dung “cần xử lý ngay”, trong đó có những vấn đề có tính chất chung giữa các bộ và có những vẫn đề có tính chất đặc thù riêng của từng bộ, ngành; Nhóm VBQPPL có nội dung cần xử lý nhưng chưa đến mức cấp thiết phải xử lý ngay.
Cục trưởng Hồ Quang Huy nhấn mạnh cùng với việc trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy, Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cần nghiên cứu, xây dựng để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.
|
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy trình bày các nội dung chính của dự thảo Nghị quyết. |
Qua đó bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, tránh khoảng trống pháp luật, hạn chế tối đa việc thay đổi hệ thống pháp luật liên quan, bảo đảm hoạt động của các cơ quan nhà nước diễn ra liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Theo đó, đề nghị xây dựng Nghị quyết tập trung vào 3 chính sách: Xử lý những vấn đề chung, có tính nguyên tắc nhằm bảo đảm hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Xử lý một số nội dung cụ thể cần phải xử lý ngay nhưng không thể khái quát thành các nguyên tắc chung mà được thể hiện thông qua việc sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể tại các luật nhằm không làm gián đoạn hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, đề xuất sửa đổi, bổ sung trực tiếp 7 luật bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024; Luật Hải quan năm 2014; Luật Quản lý thuế năm 2019; Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, năm 2022); Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Luật Phòng, chống rửa tiền.
Xác định thẩm quyền, trách nhiệm, nội dung xử lý đối với các vấn đề khác phát sinh sau khi các cơ quan nhà nước thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng chưa được xử lý tại Nghị quyết nhằm không làm gián đoạn hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã cho ý kiến cụ thể về nội dung từng chính sách. Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị Cục Kiểm tra VBQPPL tiếp tục cập nhật, bổ sung số liệu kết quả thực hiện rà soát hệ thống VBQPPL chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, địa phương; củng cố báo cáo đánh giá tác động, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và cân nhắc điều chỉnh tên gọi của Nghị quyết cho phù hợp.
|
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận cuộc họp. |
Cùng với đó, Cục cũng cần nghiên cứu bổ sung một điều khoản mang tính nguyên tắc, ví dụ như: đảm bảo hoạt động bình thường thông suốt của các cơ quan nhà nước trong quá trình sắp xếp; tạo thuận lợi cho người dân doanh nghiệp và hoạt động bình thường trong sản xuất, kinh doanh, buôn bán…
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về từng điều khoản trong dự thảo Nghị quyết như: giá trị hiệu lực các loại giấy tờ công dân; cách thức, trách nhiệm xử lý thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp của cơ quan nhà nước sau khi sắp xếp; việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; việc xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền xử lý vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết…
Thứ trưởng yêu cầu Cục Kiểm tra VBQPPL khẩn trương hoàn thiện bộ hồ sơ đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết và gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội…