Tranh thờ - báu vật của người Dao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thường được treo vào các dịp Tết, lễ cấp sắc, lễ cưới hỏi, giỗ chạp, cầu mùa màng..., tranh thờ của người Dao được coi như báu vật, có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh.
Tranh thờ - báu vật của người Dao.

Tranh thờ - báu vật của người Dao.

Báu vật của người Dao

Người Dao không có nơi thờ phụng cố định mà tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng trong không gian của ngôi nhà. Họ sử dụng tranh thờ - vật trung gian bắt buộc để liên lạc giữa con người với thần linh. Các bức tranh thờ của người Dao thể hiện lòng tôn thờ thánh thần và phản ánh quan niệm khi chết đi con người có cuộc sống tiếp theo ở thế giới khác.

Ông Tống Đại Hồng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Tuyên Quang cho biết, tranh thờ người Dao còn có ý nghĩa đặc biệt, đó là mang giá trị giáo dục đầy tính nhân văn. Nhìn vào mỗi bức tranh thờ của người Dao có thể “thức tỉnh” tâm hồn con người, bởi họ quan niệm các vị thần linh luôn nhìn thấu mọi việc và sẵn sàng phạt người nào làm những việc ác, việc sai trái. Bên cạnh nét tâm linh về mặt thờ cúng, tranh thờ còn gửi đến thông điệp cho con cháu về nguồn cội, gốc tích của người Dao.

Người nắm giữ kỹ thuật vẽ tranh thờ trong cộng đồng người Dao thường là những thầy tào, thầy cúng. Các sản phẩm bộ tranh thờ có giá trị thẩm mỹ nghệ thuật độc đáo. Kỹ thuật vẽ tranh thờ của người Dao là nghệ thuật đặc sắc và không phải ai cũng vẽ được. Nội dung tranh khá thú vị, những vị thần quan trọng, uy nghiêm, có quyền cao sẽ được vẽ to ở vị trí trang trọng, còn những vị quan nhỏ hơn sẽ được vẽ theo thứ tự phù hợp. Có những bức vẽ đến hơn bảy mươi khuôn mặt. Từ xa xưa, người Dao đã luôn cầu mong những điều tốt đẹp đến với con người và gửi gắm đến thần linh qua những bức tranh thờ.

Công đoạn đầu tiên là chuẩn bị giấy vẽ, sử dụng giấy dó, vầu, rơm làm giấy vẽ. Đặc điểm giấy dó có độ mỏng, dai và hút ẩm tốt. Trước khi vẽ, các tờ giấy dó được hồ lại từng nếp theo khổ giấy vẽ, dán từ 5 đến 7 lớp giấy, nếu muốn tranh dày, người thợ dán nhiều lớp giấy. Hồ dán giấy được làm từ bột gạo nếp, da trâu kết hợp với vỏ cây có nhựa. Kỹ thuật bồi giấy phải thực hiện nhanh, đảm bảo keo dán vẫn còn độ ấm.

Tiếp theo là công đoạn pha chế màu vẽ. Màu xanh dùng lá chàm đun sôi, màu đỏ dùng gốc rễ cây gỗ thu mộc, màu tím dùng lá cây cơm nếp, màu vàng dùng gốc, rễ cây đàng thời và củ nghệ. Trong đó màu vàng là màu chủ đạo, màu đẹp nhất của tranh thờ với ý nghĩa cầu mong mùa vàng (mùa màng tươi tốt). Màu đỏ tượng trưng sức sống, sự thịnh vượng và may mắn. Màu đen tượng trưng cho bút mực, màu áo chàm của dân tộc. Màu xanh tượng trưng sự hiểu biết, hoa màu tươi tốt...

Tranh thờ có nhiều kích cỡ khác nhau, có những bức dài tới 3 mét để thầy tào làm lễ. Công đoạn vẽ khai nhãn (phác họa) cũng rất quan trọng, bởi nó xác định đó là những bức tranh vẽ mới, có giá trị tâm linh. Sau khi phác họa, phải chín tháng sau mới được tô màu.

Lo ngại mai một tranh thờ

Nghệ nhân dân gian Lê Hải Thanh sinh năm 1944, dân tộc Dao quần trắng ở thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn, Tuyên Quang) say mê học chữ Nôm Dao, vẽ tranh thờ từ khi còn nhỏ. Ông là một trong số ít người trong cộng đồng người Dao hiện nay biết vẽ tranh thờ. Chính vì thế nhiều năm qua, người Dao ở nhiều nơi như: Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ… đều tìm đến nhờ ông vẽ một bộ tranh để đặt trang trọng trên bàn thờ tổ tiên.

Nghệ nhân Lê Hải Thanh cho hay, người vẽ tranh phải tuân theo nhiều điều cấm kỵ nghiêm ngặt khi vẽ tranh để giữ được tính “thiêng”. Đối với các họa công, bắt buộc họ phải làm buồng riêng vẽ tranh thờ. Buồng vẽ làm ở phía đối diện bàn thờ tổ tiên, nơi có nhiều cửa sổ đón ánh sáng làm khô giấy, khô tranh. Khi vẽ, do các nghệ nhân phải tập trung tinh lực, trí lực cao nhất đảm bảo từng tờ tranh vẽ các vị thánh thần có thần thái uy nghiêm nhất, nên họ không tiếp, không trò chuyện, đảm bảo sự yên tĩnh tuyệt đối.

Theo tục lệ, thời điểm vẽ tranh thờ thường vào tiết trời mùa thu hoặc mùa xuân. Cùng với đó, người Dao phải chọn ngày đẹp trước khi vẽ tranh và xin phép tổ tiên, các vị thần chứng giám tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện.

Người Dao thường chọn ngày tốt khai bút. Thời gian vẽ một bộ tranh mất khoảng 3 - 4 tháng. Bộ tranh vẽ xong, gia chủ phải mời 4 thầy làm lễ khai quang (điểm nhãn) cho bộ tranh. Trong lễ khai quang, bộ tranh mới treo theo thứ tự và địa vị thánh to, thánh nhỏ. Lấy bàn thờ tổ tông làm tâm, các tờ tranh thờ mới treo sang hai bên. Sau khi làm lễ khai quang, bộ tranh thờ linh nghiệm hơn được dùng trong lễ Chẩu đàng (tạ ơn tổ tiên, Bàn Vương); lễ cấp sắc (quả tăng); tết nhảy (pút tồng).

Trước kia, mỗi gia đình người Dao khi ra ở riêng đều phải có bộ tranh dùng thờ cúng trong gia đình, như là sự hiển hiện của các vị thần linh che chở cho cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều gia đình đã mất hẳn tục thờ tranh, mất dần bản sắc văn hoá độc đáo.

Qua thời gian và chưa chú trọng việc bảo quản, nhiều bức tranh thờ của người Dao đã bị mục nát, hư hại nghiêm trọng. Có những bức đã bị bong tróc hết các lớp giấy lót, chỉ còn mặt tranh và nhiều khả năng sẽ sớm bị hỏng hoàn toàn. Thậm chí, có bức đã bị ẩm mốc, mối mọt ăn rách gần hết. Có bức chỉ còn lớp giấy lót, mặt tranh bị nhàu nát, không còn nhìn được hình vẽ trên tranh. Màu sắc trên các bức tranh bị phai nhạt, biến đổi khá nhiều.

Số người vẽ tranh chỉ còn đếm trên đầu ngón tay nên nghề làm tranh thờ có nguy cơ mai một. Có không ít gia đình đã mua tranh thờ in công nghiệp để về nhà treo cho nhanh và tiện. Điều này làm mai một hồn văn hóa Dao và đặc biệt là mất đi tính thiêng vốn rất quan trọng của tranh thờ. Hiện nay, những địa phương có phân bố người Dao sinh sống mới chỉ sở hữu một số tài liệu sưu tầm, chưa có công trình nghiên cứu về văn hóa tranh thờ của người Dao.

Các nhà nghiên cứu văn hóa mong rằng, để nét văn hóa tranh thờ giàu bản sắc độc đáo của người Dao không bị mai một rất cần có sự vào cuộc của ngành văn hóa và cộng đồng người Dao cùng chung tay nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê có hệ thống các tranh thờ; có cơ chế hỗ trợ nghệ nhân truyền dạy vẽ tranh… Bên cạnh đó, các trưởng thôn, trưởng bản cũng cần thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có nghề truyền thống vẽ tranh thờ của người Dao.

Hơn ai hết, những người dân tộc Dao mong muốn nghệ thuật tranh thờ sớm được đưa vào danh sách Di sản Tư liệu thế giới nhằm phát huy và bảo tồn các giá trị văn hoá nghệ thuật độc đáo của 54 dân tộc Việt Nam.

Ngày 9/3/2021, Bộ VH,TT&DL đã ra quyết định công nhận nghề làm tranh thờ của người Dao đỏ của thị xã Sa Pa (Lào Cai) là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngày 5/1/2023, Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao ở Việt Nam trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững” được Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức nhằm mục đích tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các nghệ nhân, cộng đồng địa phương đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao ở Việt Nam trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững.

Đọc thêm