Tranh Việt triệu đô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mỹ thuật Việt Nam ngày càng có giá trị. Những bức họa vượt ngưỡng triệu đô mang đến một làn gió mới cho thị trường tranh Việt và lan tỏa giá trị của nghệ thuật hội họa.

Tranh Việt vượt ngưỡng triệu đô

Phiên đấu giá ngày 14/12/2021 của Sotheyby’s Hong Kong đã gọi tên bức tranh “Người phụ nữ đội nón lá bên sông” của danh họa Mai Trung Thứ. Sau khi tính thuế, phí, tác phẩm có giá lên đến 1,5 triệu USD. Đây là bức tranh thứ ba của họa sĩ vượt ngưỡng triệu đô, được bán trong năm 2021.

Bức tranh “Người phụ nữ đội nón lá bên sông” của họa sĩ Mai Trung Thứ.

Bức tranh “Người phụ nữ đội nón lá bên sông” của họa sĩ Mai Trung Thứ.

Hai bức trước là bức “Chơi đàn nguyệt”, chất liệu lụa từ năm 1943 của tác giả Mai Trung Thứ được bán với giá hơn 1 triệu USD vào tháng 11 và bức “Chân dung cô Phương” được bán hơn 3,1 triệu USD. Đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay dành cho một tác phẩm của họa sĩ người Việt. Đặc biệt bức “Chơi đàn nguyệt” khi ước định giá khoảng từ 1,200 - 2,200 triệu HKD (khoảng 150 - 290 nghìn USD), khi bán đã tăng 650%.

Với bức tranh 3,1 triệu USD của Mai Trung Thứ, một số nhà nghiên cứu cho rằng, bức tranh có vẻ đẹp đặc biệt bởi nó mang một phong cách hoàn toàn khác so với các tác phẩm sau này của ông. Ở tác phẩm, cách vẽ của Mai Trung Thứ mộc mạc, tạo hình cũng “hàn lâm” hơn so với cách vẽ biến ảo sau này đã tạo nên tên tuổi ông.

Bức “Chân dung cô Phương” đoạt kỷ lục tranh Việt với giá 3,1 triệu USD.

Bức “Chân dung cô Phương” đoạt kỷ lục tranh Việt với giá 3,1 triệu USD.

Tranh của họa sĩ Việt Nam có giá vượt ngưỡng 1 triệu USD xuất hiện lần đầu tiên ở phiên đấu giá của Sotheyby’s Hong Kong vào ngày 2/4/2017. Đó là bức tranh “Family Life” (Đời sống gia đình) của danh họa Lê Phổ với giá gần 1,2 triệu USD. Họa sĩ Lê Phổ vẽ bức tranh này trong khoảng thời gian 1937 -1939, chất liệu tranh gồm mực và bột màu trộn keo trên vải bố. “Đời sống gia đình” là tác phẩm đỉnh cao về bố cục và kỹ thuật tranh lụa, không chỉ của Lê Phổ mà còn của cả nền tranh lụa hiện đại Việt Nam thời kỳ đầu. Bức tranh phối cảnh nhiều lớp hình, viễn cận đa đạng, chi tiết tinh tế.

Tiếp đó, năm 2019, bức “Nude” (Khỏa thân) của Lê Phổ được bán với giá gần 1,4 triệu USD. Tranh vẽ bằng chất liệu sơn dầu, được sáng tác năm 1931. Năm 2021, bức họa thứ ba của Lê Phổ là “Thiếu nữ choàng khăn” được bán với giá hơn 1,1 triệu USD.

Vào năm 2019, bức “Les Désabusées” (Vỡ mộng) của họa sĩ Tô Ngọc Vân được bán hơn 27 tỷ đồng, tức hơn 1,1 triệu USD, tăng gần 400% so với mức sàn.

“Phong cảnh Phnom Penh”, một tác phẩm bình phong 8 tấm bằng chất liệu sơn mài của họa sĩ Lê Quốc Lộc được bán 1,21 triệu Euro, tức gần 1,4 triệu USD vào tháng 10/2021. Sơn mài của “Phong cảnh Phnom Penh” được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như gỗ, nhựa cây sơn, vàng lá và vỏ trứng, mang đến cảm giác ấm áp, bình yên.

Trong năm 2021, họa sĩ Phạm Hậu lần thứ tư ghi tên vào danh sách họa sĩ Việt có tranh triệu USD với tác phẩm “Golden Sunset over Halong Bay” (Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long). Đó là bức bình phong sáu tấm bằng chất liệu sơn mài, đính kèm danh thiếp của Vua Bảo Đại, được bán 1,24 triệu USD trong phiên đấu giá của Bonhams tối 27/11/2021. Nhà đấu giá Bonhams nhận xét tranh ông đại diện cho các sáng tác đậm chất thơ và kỹ thuật sơn mài điêu luyện.

Bức “Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long” của họa sĩ Phạm Hậu.

Bức “Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long” của họa sĩ Phạm Hậu.

Hồi tháng 6, bức “Phong cảnh thuyền buồm” của Phạm Hậu được chốt ở mức giá một triệu USD bao gồm thuế phí trong phiên đấu của Aguttes. Ngày 18/4/2021, bức “Cảnh ngôi chùa cổ” ở miền Bắc Việt Nam cũng đạt mức giá một triệu USD. Tháng 8/2019, bức bình phong sơn mài bốn tấm “Chín con cá chép trong hồ nước” (1939-1940) của ông được bán với giá 1,168 triệu USD.

Số phận những kiệt tác

Bức bình phong “Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long” ra đời vào khoảng 1938 - 1945, thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp của họa sĩ Phạm Hậu từng thuộc bộ sưu tập của Vua Bảo Đại. Nhà Vua đã đặt mua một số tác phẩm của Phạm Hậu cho bộ sưu tập cá nhân và làm quà tặng cho các chính khách. Năm 1951, bức bình phong được Bảo Đại tặng cho nhà báo Edgar Ansel Mowrer - từng đoạt giải Pulitzer - khi ông đến thăm Bảo Đại tại Đà Lạt cùng Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Donald Heath. Mowrer sau đó mang về trưng bày tại nhà riêng ở vùng nông thôn New Hampshire, Mỹ.

Trên báo Straitstimes, bà Bernadette Rankine - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Bonhams - cho biết, tác phẩm đạt giá cao nhờ sự quý hiếm, nguồn gốc hoàng gia, chất liệu, tay nghề họa sĩ. “Tác phẩm được vẽ bằng niềm tự hào, cảm xúc về con người và quê hương”, bà nói. Ngoài ra, bức sơn mài còn sử dụng một số vật liệu đắt tiền như vàng, chu sa.

Trong khi đó, bức bình phong “Phong cảnh Phnom Penh” là một tác phẩm bình phong 8 tấm bằng chất liệu sơn mài thuộc bộ sưu tập của gia đình Kraemer. Henry Kraemer từng giữ chức Lục sự tại Tòa án quân sự Hà Nội, kết hôn với thương gia Nguyễn Thị Lai. Năm 1943, vợ chồng Henry mua bức bình phong của Lê Quốc Lộc - khi đó là họa sĩ mới ra trường, chưa có tên tuổi, khó khăn về kinh tế. Năm 1953, gia đình Henry Kraemer mang theo tác phẩm rời Hà Nội về Pháp sinh sống.

Lê Phổ mang bức “Khỏa thân” theo sang Pháp vào năm 1937 và cất giữ trong căn hộ nhỏ thuê ở Paris. Năm 1940, chiến tranh nổ ra giữa Pháp và Đức, họa sĩ gia nhập quân đội Pháp. Trước khi ra chiến trường, ông nói với bà chủ phòng trọ rằng sẽ sớm quay lại trả tiền thuê nhà. Ông để lại những bức tranh của mình như một sự đảm bảo. Tuy nhiên, bà chủ nhà đã bán bức tranh để giải quyết khoản nợ của ông. Vẽ khỏa thân từng là điều cấm kỵ đối với tư duy Nho giáo ở Việt Nam thời kỳ cũ.

Bức “Thiếu nữ choàng khăn” của họa sĩ Lê Phổ.

Bức “Thiếu nữ choàng khăn” của họa sĩ Lê Phổ.

Nhà đấu giá Christie’s tại Hong Kong phân tích: “Trong bức tranh hấp dẫn này, ý chí và kỹ thuật điêu luyện của người nghệ sĩ được thể hiện rõ ràng. Mong ước lớn lao của ông là đoạn tuyệt với quá khứ Nho giáo. Người ta có thể tưởng tượng ra ý định cách mạng trong đó. Lê Phổ đã tạo ra một nền tảng mới và phá vỡ những quy tắc truyền thống, làm nổi bật sự phức tạp và tầm nhìn tài năng của ông”.

“Người phụ nữ đội nón lá bên sông” là một bức tranh hiếm của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 - 1980) ở giai đoạn đầu. Dù tác phẩm được ký năm 1937 (sau khi họa sĩ sang Pháp) nhưng có vẻ như bức tranh này đã thành hình từ những năm tháng ông dạy vẽ ở Trường Quốc học Huế.

Tác phẩm vẽ chân dung một người phụ nữ vận áo dài xanh và đội chiếc nón lá đang đứng trên bờ sông Hương. Nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong đã liên hệ danh tính của bức tranh này với tác phẩm “Chân dung cô Phương” (được bán với giá 3,1 triệu USD trước đó). “Mai Trung Thứ yêu thích chiếc áo dài xanh này, nó xuất hiện trong ít nhất 5 tác phẩm quan trọng của ông ở giai đoạn này. Danh tính của người phụ nữ không được tiết lộ, nhưng có một điều chắc chắn: Không thể phủ nhận cô ấy là người mẫu ưa thích của Mai Trung Thứ trong suốt thời gian ở Huế” - nhà đấu giá thông tin.

Theo giới chuyên môn, hiện những bức tranh của các hoạ sĩ Việt Nam có giá triệu USD chủ yếu của các hoạ sĩ thời kỳ đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương như danh họa Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Phạm Hậu, Lê Quốc Lộc, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm…

Họ là thế hệ đi đầu trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, khi chịu ảnh hưởng của 2 dòng văn hóa Á - Âu, chịu ảnh hưởng trực tiếp của đoạn cuối hội họa hậu ấn tượng riêng, khả năng tranh bị làm giả không nhiều. Tranh của họ mang đậm dấu ấn dân tộc, từng tham gia và được đánh giá cao tại nhiều triển lãm trên thế giới.

Đọc thêm