Tránh xây dựng những đạo luật xa rời cuộc sống

(PLO) - “Qua thảo luận ở tổ, có đại biểu băn khoăn không biết luật bàn về vấn đề gì và luật đó so với những luật khác có phù hợp với những yêu cầu cuộc sống đang đặt ra hay không?”.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nêu ý kiến khi QH thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 chiều qua (31/5).

Cần chế tài xử lý nếu làm luật chậm, kém chất lượng 

ĐB Ngọ Duy Hiểu cho rằng tình trạng điều chỉnh chương trình vẫn như “điều đương nhiên” mà nguyên nhân là do việc dự liệu của các ngành đôi khi chưa theo kịp được sự phát triển; bên cạnh đó một số cơ quan, đơn vị chưa làm tròn trách nhiệm trong việc thực hiện dự thảo. 

Trong bối cảnh hiện nay, ĐB Hiểu đề xuất các sáng kiến xây dựng luật phải bám sát các yêu cầu của cuộc sống, tránh xây dựng những đạo luật như những công trình khoa học, xa rời cuộc sống. Muốn nâng cao chất lượng các dự án luật, ĐB Hiểu đề nghị nâng cao chất lượng đội ngũ xây dựng luật, nhất là các ban soạn thảo ở các cơ quan; đổi mới, nâng cao chất lượng lấy ý kiến nhân dân và có chế tài xử lý các cơ quan, ban soạn thảo làm luật chậm, chất lượng chưa đạt yêu cầu.

Trước mối lo ngại từ các cuộc tấn công mạng, ĐB Hiểu và ĐB Phạm Huyền Ngọc (tỉnh Ninh Thuận) đề nghị sớm đưa dự án Luật An ninh mạng vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh của QH để QH cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 4, thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Theo ĐB Ngọc, “Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết nêu rõ tình hình an mạng đang diễn biến phức tạp, là vấn đề nóng bỏng; nguy cơ xảy ra khủng bố, chiến tranh mạng, mất an ninh thông tin ngày càng tăng, đặt ra nhu cầu cần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh mạng”.

“Đúng quy trình” nhưng vẫn “lọt” cán bộ nhiều sai phạm

Tại phiên họp, ĐB Đặng Xuân Phương (Đắk Lắk) cho rằng để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống hành chính nhà nước liên quan đến công chức, công vụ với việc sửa đổi các Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Hành chính công thì cần bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) Luật Cán bộ, công chức (CBCC) sửa đổi. 

ĐB Phương phân tích, sửa đổi Luật CBCC “không phải chỉ để giải quyết những vướng mắc chưa đồng bộ trong các quy định về trách nhiệm công vụ và việc xử lý CBCC sau khi đã nghỉ hưu, chuyển công tác mà thực tiễn cũng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như vấn đề tinh giản biên chế, vị trí việc làm liên quan đến chất lượng giải quyết công việc của CBCC”.

Theo ĐB này, các quy định về bầu, bổ nhiệm, luân chuyển CBCC chưa thực sự gắn với thẩm quyền giám sát và xử lý trách nhiệm đối với người có chức vụ trong hệ thống công vụ. Câu hỏi bổ nhiệm có tương xứng hay không cũng thường xuyên được nêu ra trong nhiều vụ việc cụ thể ở cả Trung ương và địa phương.

“Thời gian qua, cử tri và công luận rất bức xúc trước những vấn đề đang đặt ra tại sao việc đề bạt, bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn bỏ lọt một số cán bộ có năng lực yếu kém, có nhiều sai phạm trong quản lý. Các quy định về chức danh lãnh đạo, quản lý chưa được tách bạch một cách khoa học. Vẫn còn biến thể trong hệ thống chức danh như hàm, việc thi nâng ngạch trở thành một cơ chế để giải quyết vấn đề chính sách tiền lương, chứ không phải vì nhu cầu chuyên môn. Tất cả những vấn đề trên đang đặt ra vấn đề sửa đổi Luật CBCC”, ĐB Phương nói.

Cũng trong chiều 31/5, QH cho ý kiến về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2018. Tại phiên họp, đa số các ĐB đề nghị QH chọn nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 

Ngoài ra, nhiều ĐB cũng tán thành với các đề xuất giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội và việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. 

Đọc thêm