Giao cho doanh nghiệp làm chức năng quản lý nhà nước liệu có đúng quy định pháp luật?
Ngày 24/3 vừa qua, Bộ GTVT đã ký ban hành quyết định số 437/QĐ-BGTVT về việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn I theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.
Theo đó, Bộ GTVT quyết định giao nhiệm vụ cho Tổng Công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long – Tổng công ty Cửu Long) làm chủ đầu tư cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn I, thay thế Ban Quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long).
Đồng thời, yêu cầu CIPM Cửu Long tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và PMU Thăng Long phải khẩn trương thực hiện việc giao, nhận hồ sơ và các tài liệu liên quan cho CIPM Cửu Long theo quy định. CIPM Cửu Long sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo theo quy định và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về thủ tục đầu tư đối với dự án.
Sau khi Quyết định trên của Bộ GTVT ban hành, nhiều chuyên gia kinh tế và pháp lý, cùng dư luận xã hội lập tức bày tỏ nhiều quan điểm, ý kiến thể hiện sự băn khoăn, khó hiểu. Thậm chí có chuyên gia còn phân tích, nhận định rằng, quyết định trên của Bộ GTVT là bất hợp lý và không đúng với quy định của pháp luật.
Một chuyên gia kinh tế (đề nghị giấu tên) nhìn nhận, việc Bộ GTVT quyết định giao cho một doanh nghiệp (dù là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đi nữa) làm chủ đầu tư một dự án PPP, dạng hợp đồng BOT là hoàn toàn trái với luật đầu tư công và luật đấu thầu.
Bởi lẽ, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nhà nước không trực tiếp hỗ trợ nhà đầu tư bằng quyền thu phí tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, mà phải thực hiện đấu giá. Do đó, Bộ không thể chỉ định nhà đầu tư, càng không thể tuỳ tiện giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư cho một doanh nghiệp.
CIPM Cửu Long thực chất chỉ là một doanh nghiệp, vì thế phải hoạt động theo Luật doanh nghiệp và không thể thực hiện chức năng quản lý nhà nước thay cho đơn vị hành chính sự nghiệp của Bộ GTVT.
Bên cạnh đó, thêm một yếu tố bất cập, khó hiểu nhất trong quyết định của Bộ GTVT khi giao CIPM Cửu Long làm chủ đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đó là CIPM Cửu Long là đơn vị đang vướng hàng loạt sai phạm nghiêm trọng liên quan việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, dính líu đến Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh của Đinh Ngọc Huệ (tức “Út trọc”).
Liên quan đến những sai phạm trên, tháng 10/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt tạm giam các bị can, gồm: Dương Tuấn Minh - nguyên Tổng giám đốc, Dương Thị Trâm Anh - nguyên Phó Tổng giám đốc, Nguyễn Thu Trang - nguyên Phó Phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu Tổng công ty Cửu Long.
Các bị can này bị khởi tố trong quá trình Bộ Công an điều tra vụ án "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Bộ Giao thông vận tải có đặt Chính phủ vào thế đã rồi?
Cuối năm 2019, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương kết thúc mô hình thí điểm và chấm dứt hoạt động của Tổng công ty Cửu Long để thành lập PMU Mỹ Thuận trực thuộc Bộ GTVT. Trong khi Thủ tướng Chính phủ chưa đồng ý với kiến nghị trên thì Bộ GTVT lại vội vàng giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư giai đoạn I dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cho Tổng công ty Cửu Long, thay thế Ban Quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long).
Động thái trên của Bộ GTVT đã khiến dư luận dấy lên nhiều nghi vấn rằng, Bộ này đang đặt Chính phủ vào thế đã rồi, đồng thời hợp thức hoá việc chỉ định một doanh nghiệp làm thay chức năng quản lý nhà nước của một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ?
Được biết, Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 23km được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 theo hình thức PPP tại quyết định ngày 28/8/2017 với tổng mức đầu tư 5.370 tỷ đồng. Sau đó, PMU Thăng Long đã tổ chức sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư từ tháng 2/2018. Tuy nhiên, do dự án thay đổi về chủ trương hỗ trợ của Nhà nước nên Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quyết định hủy sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư và tổ chức điều chỉnh dự án.
Đến ngày 8/12/2019, Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, điều chỉnh tổng mức đầu tư cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ xuống còn 4.758 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án là 923 tỷ đồng.
Tiếp đó, Bộ GTVT đã xây dựng phương án lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước và gửi Bộ KH&ĐT thẩm định. Tuy nhiên, do khó khăn trong huy động nguồn vốn vay thương mại, việc triển khai đầu tư theo hình thức PPP gặp khó khăn, khó xác định được thời điểm hoàn thành. Trong khi đó, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ được xác định là dự án rất quan trọng đối với phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và ứng phó với dịch COVID-19, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công đối với các dự án trọng điểm như dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Ngày 25/3/2020, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến dự án này.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ trì hoàn thiện dự thảo báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị; đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ hình thức PPP sang đầu tư công.
Tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là nghiên cứu chuyển đổi sang đầu tư công nhưng hình thức đầu tư mà Bộ GTVT đang giao lại là đầu tư PPP. Có lẽ Bộ GTVT cần có một sự giải thích rõ ràng hơn về việc thay đổi này.