Trật tự xây dựng làm "nóng" hội trường kỳ họp HĐND Hà Nội

  Chưa bao giờ vấn đề sai phạm trong lĩnh vực xây dựng lại nóng bỏng như thời điểm hiện nay, đến mức nó cũng là “chủ đề” chất vấn của đại biểu trong kỳ họp HĐND thành phố. Lãnh đạo TP. Hà Nội khẳng định, “lập lại trật tự xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm”…
[links()]Ngay sau khi Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải loạt bài “Những công trình mặt phố xây dựng bất thường”, phản ánh ít nhất có 8 công trình “quy mô” nhưng xây dựng “không phù hợp với cảnh quan và nội dung giấy phép” tại quận Hai Bà Trưng, cơ quan chuyên môn của Hà Nội đã vào cuộc, bước đầu xác minh cho thấy 7 công trình xây dựng sai phép, có công trình xây dựng vượt từ 3 đến 4 tầng.
Chưa bao giờ vấn đề sai phạm trong lĩnh vực xây dựng lại nóng bỏng như thời điểm hiện nay, đến mức nó cũng là “chủ đề” chất vấn của đại biểu trong kỳ họp HĐND thành phố. Lãnh đạo TP. Hà Nội khẳng định, “lập lại trật tự xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm”…
Ngôi nhà gây xôn xao dư luận vì vi phạm trật tự xây dựng
Tại Tp. HCM, dự án đảo Kim Cương do Cty CP bất động sản Bình Thiên An làm chủ đầu tư với các sai phạm được gọi là “cực lớn” khi xây vượt 1-2 tầng mỗi block với tổng diện tích xây dựng trái phép là 2.899,6 m2. 
Riêng ở Hà Nội, chỉ một thời gian ngắn, hàng loạt công trình sai phép mọc lên nhiều nơi trên địa bàn. Mức độ nóng bỏng của việc chấp chính nghiêm túc trong khâu quản lý của cơ quan nhà nước và ý thức chấp hành của công dân đối với công trình, ở góc độ nào đó được thể hiện khi thành ủy và UBND Tp. Hà Nội liên tiếp ban hành các văn bản xử lý quyết liệt các sai phạm. 
Giữa Thủ đô, “nhức nhối” nhất vẫn là công trình được cấp phép 9 tầng nhưng chủ đầu tư đã xây lên tầng 13 tại địa chỉ 55 Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm). Tại quận Hai Bà Trưng, phường Bùi Thị Xuân ban đầu đã xác định trong 8 công trình cấp phép, thì có đến… 7 công trình vi phạm. Trong đó, toà nhà ở số 19 Triệu Việt Vương được phép xây dựng chín  tầng thì xây lên 12 tầng, diện tích vi phạm 1.055,7m2. Công trình tại 135-137 Bùi Thị Xuân duyệt 10 tầng nhưng xây lên 14 tầng, diện tích xây dựng vi phạm 1.887,2m2.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị, tại hội nghị giao ban của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với các sở ngành, quận huyện về quản lý trật tự xây dựng (ngày 26/6), nói rằng, mỗi mét vuông xây dựng sai mang lại hàng chục triệu đồng, xây sai hàng nghìn mét vuông đem lại lợi nhuận cả tỉ đồng. Những mét vuông sai phạm đó, nếu cho tồn tại thì chủ đầu tư chỉ cần dùng 30% số lợi nhuận đó để chạy và hối lộ. Ông lo lắng, điều đó “sẽ làm hư hỏng cán bộ”.
Thẳng thắn mà nhìn nhận, những đơn vị tham mưu cho cấp trên, trong trường hợp ở Hà Nội, tại công trình 55 Bà Triệu được xác định là Sở Xây dựng, lại quá ưu ái cho chủ đầu tư.
Ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội – nói, dù Sở Quy hoạch - kiến trúc chấp thuận cho công trình có hai tầng phía ngoài cao 10,35m, lớp công trình phía trong lùi vào 6m và cao 31,4m, nhưng Sở Xây dựng đã cấp phép quy mô ba tầng hầm, chín tầng nổi cộng thêm tum thang, không có khoảng lùi với chiều cao công trình là 31,4m, diện tích sàn xây dựng là 688m2. Và chủ đầu tư thực tế đã xây dựng đến 14 tầng, tức vượt bốn tầng so với giấy phép…
Nhiều “con số” sai phạm tại một công trình cụ thể như ở 55 Bà Triệu, dường như thấy rõ hơn sự buông lỏng quản lý hoặc cố tình ngó lơ cho sai phạm. Trong khi đó, một cán bộ thanh tra xây dựng cấp quận tại Hà Nội cho biết, về nguyên tắc, khi xây dựng, thì “bọn anh là đoàn đầu tiên xuống kiểm tra nhà chú. Quy trình, chú sẽ tiếp bốn đoàn kiểm tra nữa đến đây”.
Cụ thể, ngoài cán bộ của phòng xây dựng, chủ nhà sẽ phải “tiếp” công an khu vực (kiểm tra tạm trú của thợ xây), cán bộ thuế của phường, thanh tra đô thị (nếu công trình tập kết vật liệu nằm ở mặt đường), thanh tra xây dựng phường.
Không bỗng dưng những công trình sai phép giữa thủ đô lại ngang nhiên tồn tại, hoặc bị phát hiện khi sự việc đã rồi. Việc “cắt ngọn” “sai đâu xử đó”, “kiên quyết xử lý” là những cụm từ dường như quen thuộc mỗi khi sự việc được phát hiện. Cũng không thể trách, khi dư luận hay dùng từ là “con voi chui lọt lỗ kim” khi “bình” về trách nhiệm quản lý của đơn vị chức trách.
Ở “đảo Kim Cương”, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo phải có hình thức “xử phạt nghiêm” đối với chủ dự án cũng như đơn vị thi công. Còn tại Hà Nội, người đứng đầu UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã “lệnh” cho Chủ tịch UBND các quận huyện thực hiện đợt “tổng tiến công” thanh tra, kiểm tra xử lý các công trình vi phạm, báo cáo TP ngay trong quý 3/2012. Không chỉ thanh tra các công trình sai phạm, ông Thảo còn yêu cầu phải thanh tra chính các cán bộ để cho công trình sai phạm. 
Hơn lúc nào hết, người dân đang chờ sự ra tay quyết liệt và có hiệu quả trong việc “chặt ngọn” công trình sai phép cũng như “chế tài” đối với cán bộ có trách nhiệm để xảy ra sai phạm…

Nhóm PV Kinh tế- Pháp luật 

Đọc thêm