Bệnh viện Nhi đồng Thành phố HCM vừa tiếp nhận bệnh nhân 13 tuổi, nam, cân nặng 55 kg, dư cân (ở tuổi này cân nặng khoảng 34 - 40kg), ngụ ở Bình Thuận, bệnh sử 4 ngày, trẻ sốt 39 độ C, nhức đầu, đau cơ.
Ngày thứ 4 trẻ hết sốt, đau bụng ói, lừ đừ, tay chân lạnh nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng mạch khó bắt, huyết áp khó đo, tiểu cầu giảm, được truyền dịch chống sốc theo phác đồ nhưng tình trạng không cải thiện. Trẻ tiếp tục có tình trạng khó thở, ói ra máu, tiêu phân đen nên được hội chẩn chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại đây, trẻ được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ngày 4 tái sốc, sốc kéo dài, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa nặng, dư cân/béo phì, được điều trị bằng nhiều phương pháp: truyền dịch chống sốc, hỗ trợ thở sau đó đặt nội khí quản giúp thở, đo áp lực bàng quang, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc...
Tình trạng huyết động có cải thiện nhưng trẻ tiếp tục đi tiêu phân đen, HCT 18-22% mặc dù đã truyền 2500ml hồng cầu lắng 900ml huyết tương tươi động lạnh, 20 đơn vị kết tủa lạnh, 12 đơn vị tiểu cầu đậm đặc.
Trẻ được hội chẩn chuyên khoa tiêu hóa, ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức huyết học, quyết định nội soi đường tiêu hóa trên cấp cứu. Ghi nhận xuất huyết dạ dày, máu rỉ thành dòng nên tiến hành cầm máu các ổ loét, hỗ trợ hô hấp thở máy, truyền thuốc.
Kết quả sau gần một tuần điều trị tình trạng trẻ cải thiện dần, cai máy thở, tỉnh táo.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, PGĐ bệnh viện cho biết: Đây là trường hợp sốc sốt xuất huyết dengue nặng, xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng chưa ghi nhận trước đó nên nhân viên y tế cũng như phụ huynh hết sức lưu ý.
Qua đây, bác sĩ khuyến cáo, để phòng sốt xuất huyết các bậc phụ huynh cần tích cực diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng và cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời. Đó là nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện: Quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; Đau bụng; Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống...
Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) vừa điều trị cho 3 trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết. Các bệnh nhi lần lượt là bé trai 16 ngày tuổi, hai bé gái 4 ngày tuổi và 7 ngày tuổi. Ba trẻ nhập viện khi sốt xuất huyết vào cao điểm tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên bệnh viện ghi nhận trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết.
Trong đó, em bé 4 ngày tuổi là trường hợp nhỏ nhất mắc sốt xuất huyết được ghi nhận đến nay. Trẻ nhập viện do bị vàng da, sau đó 24 giờ có dấu hiệu sốt, nhiệt độ cao nhất là 38, 5 độ. Bác sĩ cho xét nghiệm tầm soát và loại trừ được các căn nguyên cúm, nhiễm khuẩn. Sau ba ngày theo dõi tại viện, em bé bị hạ tiểu cầu, gia đình xin chuyển tuyến trên điều trị.
Với trẻ 7 ngày tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tím tái, sau đó mới bị sốt sau 3 giờ vào viện. Các sĩ cho xét nghiệm sốt xuất huyết, kết quả dương tính. Tuy nhiên, do em bé sinh ở tuần thứ 37, chỉ nặng 2,6 kg, có tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh, vì vậy phải điều trị hồi sức tích cực 4 ngày. Các ca bệnh này đều được y bác sĩ khai thác tiền sử mắc bệnh của cha mẹ, người chăm sóc, làm căn cứ để khẳng định chẩn đoán bệnh.
Bác sĩ cho biết sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh hiếm gặp trên thế giới. Vì vậy, đặc điểm diễn biến bệnh ít được biết đến, triệu chứng lâm sàng không đặc trưng, dễ dẫn đến nhầm lẫn và bỏ sót.
Điểm chung là diễn biến sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh tương tự với nhóm lớn hơn, ví dụ: sốt hoặc hạ nhiệt độ, sốt kéo dài trung bình 3-4 ngày; trẻ có thể bị da tái, phát ban, xuất huyết rải rác hoặc vàng da sớm; trẻ bỏ bú, bụng chướng, nôn, gan to, tiêu chảy, giảm tiểu cầu, men gan tăng… Sốt và bú kém là hai biểu hiện sớm và thường gặp.