Bệnh nhi là V.T.Y.N (sinh năm 2021, trú tại thôn 14, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk).
Theo người nhà bệnh nhân, ngày 21/5, bé Y.N xuất hiện các triệu chứng sốt kèm tiêu chảy, ở nhà chưa điều trị. Đến ngày 28/5, người nhà đưa trẻ đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Tại đây, trẻ được chẩn đoán suy hô hấp độ II - viêm phổi nặng - theo dõi nhiễm trùng huyết - tiêu chảy cấp không mất nước - chưa loại trừ viêm não màng não - theo dõi U não.
Ngày 29/5, trẻ chuyển nặng với chẩn đoán sốc nhiễm trùng - nhiễm trùng huyết - tổn thương đa cơ quan - viêm phổi nặng - viêm mủ màng phổi phải - rối loạn đông máu nhẹ.
Đến 17h20 phút ngày 30/5, trẻ tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm trùng - nhiễm trùng huyết tổn thương đa cơ quan - viêm phổi nặng - tràn mủ màng phổi - tiêu chảy cấp không mất nước. Kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (vi khuẩn gây ra bệnh Withmore).
Theo số liệu thống kê của CDC, từ đầu năm 2023 tới nay, toàn tỉnh ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh Whitmore và là trường hợp bệnh nhân tử vong vì Whitmore đầu tiên của tỉnh.
Whitmore là loại bệnh nhiễm trùng nguy hiểm ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể người, chủ yếu qua da, khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm khuẩn.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, phức tạp, diễn tiến âm thầm như bệnh lao. Người bệnh có thể bị viêm phổi, viêm mô mềm, áp xe các cơ quan như gan, lách, thận, nhiễm trùng huyết. Tỷ lệ tử vong tương đối cao nếu không điều trị kịp thời. Những người có bệnh nền như đái tháo đường, suy thận, bệnh gan, bệnh phổi mạn tính, người suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao mắc bệnh.
Nhiễm trùng Burkholderia pseudomallei có thể là nhiễm trùng tiềm ẩn và tái kích hoạt giống bệnh lao. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh và bệnh không lây từ người sang người. Vì vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, làm sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống sôi…
Đặc biệt khi bệnh nhân có các vết loét ở ngoài da, các triệu chứng như sốt, nhức mỏi tay chân, ho, đau bụng, đi lỏng nhiều lần cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.