Trẻ 3 tuổi ra đường bị xe máy đâm, trách nhiệm thuộc về ai?

(PLO) - Một bạn đọc giấu tên hỏi: Tôi có con gái, năm nay 3 tuổi. Vừa rồi, bé chạy ra đường quốc lộ (nhà gần đường quốc lộ) vô tình bị xe máy đâm phải, bị thương (chiếc xe kia đi đúng đường).
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Xin hỏi luật sư, trong trường hợp này, trách nhiệm thuộc về ai (vợ chồng tôi hay người đâm phải)? Và bị xử lý như thế nào?
Xin cảm ơn luật sư
Trả lời

Để xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này thuộc về ai và bị xử lý như thế nào trước hết cần xác định hành vi gây thiệt hại được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật nào.

· Về việc xác định trách nhiệm của các bên:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS và khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì xe máy là phương tiện giao thông vận tải cơ giới và là nguồn nguy hiểm cao độ.

Mặt khác, tại khoản 2, khoản 3 Điều 623 BLDS 2005 cũng quy định về việc bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, theo đó, đối với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ vẫn phải bồi thường thiệt hại kể cả trong trường không có lỗi.

Do đó, trường hợp này, kể cả người lái xe máy đã chấp hành đúng quy định an toàn giao thông đường bộ nhưng vẫn gây thiệt hại là làm cháu bé bị thương (do cháu bé chạy ra đường và xe máy va phải) thì vẫn phải bồi thường thiệt hại trừ các trường hợp sau:

+ Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.

+ Thiệt xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết

Trên thực tế, việc thiệt hại xảy ra lỗi cố ý của cháu bé hay do sự kiện bất khả kháng trong trường hợp này là khó có khả năng xảy ra. Vì vậy, trong trường hợp này, khả năng người điều khiển xe máy phải bồi thường thiệt hại là rất cao.

Bên cạnh đó, bạn mới cung cấp thông tin rằng chiếc xe đi đúng làn đường, do đó có thể xảy ra trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định khác về an toàn giao thông như: Chạy xe vượt quá tốc độ cho phép; điều khiển xe khi chưa đạt độ tuổi quy định, điều khiển xe không có giấy phép lái xe; điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép …. Trong trường hợp này, ngoài việc bồi thường, người điều khiển xe máy còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính căn cứ theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.

· Về việc bồi thường của người điều khiển phương tiện gây thiệt hại:

Thứ nhất về việc xác định mức bồi thường:

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì cháu bé bị thương, như vậy theo quy định của pháp luật thì cháu bé đã bị thiệt hại về sức khỏe.

Theo đó, ở đây gia đình cháu bé có thể yêu cầu người lái xe bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Để có thể đòi bồi thường thiệt hại trong trường hợp này, gia đình cần chứng minh các yếu tố sau:

-  Các thiệt hại đã xảy ra cho cháu bé: Thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần trong đó:

+ Thiệt hại về vật chất: Cháu bé bị thương trong trường hợp có thể được bồi thường các khoản chi phí sau: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe của cháu bé; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị...

+ Thiệt hại về tinh thần: được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mấy uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm.. và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.

Mức bồi đắp về tinh thần do các bên thỏa thuận nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Thứ hai, về chủ thể bồi thường:

Người điều khiển phương tiện là chủ sở hữu của phương tiện hoặc người được chủ sở hữu giao cho quản lý, sử dụng thì sẽ phải bồi thường trừ khi giữa chủ sở hữu và người được giao điều khiển phương tiện có thỏa thuận khác.

Trong trường hợp người điều khiển phương tiện là người dưới 15 tuổi hoặc chưa đủ 18 tuổi và không có tài sản để bồi thường thì người giám hộ (giám hộ đương nhiên hoặc người giám hộ được cử) của những người này có thể sẽ phải bồi thường. Việc bồi thường có thể bằng tài sản của người được giám hộ hoặc tài sản của người giám hộ.

Trân trọng!/.

Đọc thêm