Khi trẻ thơ không sống đời bình an
Mới đây, một vụ bạo hành trẻ em tại Đồng bằng sông Cửu Long đã khiến dư luận phẫn nộ. Người mẹ mang theo con nhỏ kết hôn với người chồng mới mà không ngờ kẻ đó là “quỷ dữ” hành hạ con mình không thương tiếc. Một lần nhậu say về, người cha dượng này dùng dao Thái Lan gây thương tích ở ngực phải, bả vai trái của cháu H, đồng thời trước đó đã 5 lần lấy điếu thuốc lá đang cháy châm vào nhiều vị trí trên cơ thể của cháu H. như mặt, đùi, kẹt háng, ôm cháu H. quăng xuống nền xi măng khiến cháu bị sưng nề ở vùng đầu. Cháu bé cho biết còn bị cha dượng đổ nước sôi lên người nhiều lần.
Điều đáng nói, người mẹ sống chung nhà, biết chồng thực hiện các hành vi bạo hành với con trai nhưng không bảo vệ được con, cũng không tố cáo ra cơ quan công an. Người thân, họ hàng bên ngoại cũng không hề biết gì. Chỉ đến khi người chung quanh tố cáo và cháu bé nhập viện, cơ quan cảnh sát điều tra ra vụ việc thì ai cũng “ngớ ra”. Có thể thấy sự thờ ơ của người thân đã góp phần dẫn đến nỗi đau thể xác cho cháu bé.
Từ trước đến nay, từng có nhiều vụ việc như thế xảy đến cho trẻ nhỏ. Có em bị cha dượng, mẹ kế, hoặc chính cha mẹ mình hành hạ đến thân tàn ma dại bằng những hình thức tra tấn như thời trung cổ: Đấm, đá, gí thuốc, chích điện... Có em khi được phát hiện trên người chằng chịt vết sẹo. Có những video clip lan truyền cho thấy em nhỏ hai tuổi bị cha tát liên tục, vừa tát vừa chửi cho đến lúc mặt cháu sưng vù.
Ngoài gia đình thì nguy cơ bạo lực trẻ em còn đến từ nhiều phía. Đó có thể là những hàng xóm, bà con có thói quen “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với trẻ nhỏ, hay từ môi trường học đường. Đã xảy ra rất nhiều vụ việc trẻ bị các giáo viên mầm non bạo hành đến thương tâm: Đánh, tát, xách tai, ngắt nhéo, nhúng đầu vào xô nước, nhét thức ăn vào miệng bất chấp cháu khóc la, dán keo vào miệng. Rồi còn những vụ bạo lực học đường được lan truyền từ các clip, khi mà nhóm các học sinh xúm vào đánh đập, sỉ nhục, hành hạ một em học sinh khác.
Không chỉ là nạn nhân của bạo lực thể chất, nhiều em nhỏ còn trở thành nạn nhân của bạo lực tinh thần. Phổ biến nhất và ít bị nhận ra nhất là bạo lực tinh thần tại nhà. Đó là khi cha mẹ thường ép buộc con phải nhất nhất theo ý mình, phủ định cá tính của con, chê bai con, mắng mỏ, sỉ nhục con, khiến con mất tinh thần. Nhiều vụ trẻ tự sát vì áp lực học hành từ việc cha mẹ mắng chửi cũng chính là hậu quả bạo lực tinh thần trong gia đình mà ra.
Hay các vụ bạo lực học đường, ngoài bạo lực thể chất thường đi kèm yếu tố tinh thần. Như trường hợp ở các trường mầm non, các cô giáo vừa đánh, vừa quát mắng, hăm dọa các cháu nhỏ, hoặc ép buộc các cháu uống nước bẩn, ăn thức ăn vừa nôn ói ra ngoài, nhốt cháu một mình trong phòng tối… Hay trong nhiều vụ bạo lực học đường giữa học trò thường đi kèm đánh đập là sỉ nhục, chửi bới, lột quần áo, quay phim tung lên mạng…
Với sự phát triển của mạng xã hội, hiện nay, nhiều hành vi bạo lực tinh thần đã diễn ra trên mạng hết sức tinh vi. Phổ biến nhất là các kênh chuyên phát video. Bằng những video clip kinh dị, bạo lực, hù dọa, mê tín dị đoan đánh vào sự tò mò và nỗi sợ hãi của trẻ, các kênh này đã thu về nguồn lợi bất chính. Hậu quả là các em bị chấn thương tâm lý vì lỡ xem những clip độc hại, bị lệch lạc trong suy nghĩ, nhận thức, gây những hậu quả không hay về lâu dài cho tương lai các em.
Bạo hành trong… thiếu hiểu biết(?)
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (Unicef) năm 2019 từng đưa ra thống kê: Có gần 70% trẻ em từng bị bạo hành về thể chất hoặc tinh thần. Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế Thế giới, 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở trẻ vị thành niên. Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở lứa tuổi 15/19.
Vết thương trên người một em nhỏ bị bạo hành thể chất. |
Trong thời điểm bùng phát dịch, Việt Nam và trên thế giới cùng ghi nhận sự bùng phát của bạo lực trẻ em. Trong giai đoạn cao điểm dịch từ tháng 2 - 9/2020, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 của Cục Trẻ em đã tiếp nhận gần 750.000 cuộc gọi. Trong đó, một nửa là các cuộc gọi liên quan đến bạo lực trẻ em và gần 1/4 liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Khảo sát nhanh thực hiện bởi Đại học Y Hà Nội cho kết quả: cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ chịu bạo lực trong thời gian dịch Covid-19. Bạo lực tinh thần là phổ biến nhất với tỷ lệ 66,9%, bạo lực thể chất chiếm 39,1% và xâm hại tình dục là 10%.
Những con số ấy thực chất chỉ là bề nổi của tảng băng. Phần chìm của nó là những hành hạ tinh thần trong gia đình đối với trẻ mà nhiều khi các bậc cha mẹ còn không biết mình đang thực hiện. Là những vụ việc bạo lực, hành hạ, xâm hại trẻ lẩn khuất trong đời sống mà chỉ mình trẻ chịu đựng, không một ai biết. Hàng loạt kênh video độc hại, bạo lực đang tràn lan trên mạng xã hội, chiếu công khai, nhồi nhét những điều xấu, nguy hiểm vào đầu con trẻ nhưng vẫn chưa biết khi nào được dẹp bỏ.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga chia sẻ: “Bạo hành thể chất gây tổn thương cho trẻ, điều này rất rõ ràng. Nhưng bạo hành tinh thần thì khó nhận diện hơn, thậm chí nhiều người vẫn cho là “chuyện thường” trong xã hội, như dạy con bằng mắng chửi, nhận xét con trẻ theo kiểu chê bai, kì thị, hay rộng hơn là các trang web xấu tấn công tâm hồn trẻ.
Trẻ bị bạo lực tinh thần lâu ngày, hậu quả là bị sang chấn tâm lý, phát triển lệch lạc về tinh thần. Có trẻ nhút nhát, tự ti, sống khép kín hoặc bị trầm cảm. Có trẻ lại trở nên nổi loạn, thích bạo lực, dùng hành vi bạo lực đi tấn công người khác, hoặc có thể sa ngã ở lứa tuổi mới lớn. Có nhiều trường hợp đau lòng hơn, các em mất đi niềm vui cuộc sống, rơi vào khủng hoảng và tự kết liễu cuộc đời mình”.
Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của luật, bao gồm các hành vi như: Có hành vi xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn, uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm; Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, xao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần; Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần…
Luật quy định rất rõ, thế nhưng, chịu đọc luật, hiểu luật và ứng dụng pháp luật lại chưa nhiều. Thế nên mới có trường hợp cha mẹ bạo hành con mà không biết mình đang bạo hành, có thầy cô đứng trước cảnh học sinh của mình bị bạn bè tẩy chay, kì thị, chế giễu mà vẫn chưa nhận thức được nguy cơ có thể xảy ra để kịp thời ngăn chặn.
Còn chủ những trang mạng vẫn thản nhiên đăng clip xấu cho trẻ em xem để kiếm tiền mà không biết mình đang phạm luật.
Để giảm bớt tỉ lệ bạo hành thể chất và tinh thần trẻ cần phải có sự chung tay của toàn xã hội. Là sự tích cực của cha mẹ tự trang bị kiến thức, thông tin và kĩ năng dạy con mà không dùng đến bạo lực. Là một thế hệ nhà giáo được quán triệt tinh thần không dùng bạo lực đối xử với học sinh, cũng như trang bị kĩ năng nhận diện bạo lực học đường để hỗ trợ các em. Là các cơ quan chức năng có trách nhiệm hơn, mạnh tay hơn trong gỡ bỏ kênh xấu trên mạng xã hội, trả lại môi trường mạng trong sạch cho các em.
Và nữa, cần lắm trách nhiệm của toàn xã hội trong việc nhận diện, tố cáo những vụ việc bạo hành, góp phần kịp thời cứu các em nhỏ khỏi nỗi đau thể xác, tinh thần, trừng phạt kẻ gây tội để họ trả giá vì hành vi của mình và cũng để răn đe, năng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, ý thức bảo vệ trẻ em.