Để nhận diện rõ hơn về những bất cập này cũng như giải pháp khắc phục, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Mai Thị Bưởi, cán bộ quản lý các chương trình liên quan đến trẻ em của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH.
Cần tạo ra cơ chế rõ ràng
Thưa bà, được biết bà đang thực hiện dự án liên quan đến các trường phổ thông dân tộc nội trú, thông qua hoạt động của dự án cũng như góc nhìn từ vụ việc thầy Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ lạm dụng tình dục nam sinh, bà có thể có đôi điều lý giải về vấn đề học sinh hiện nay đã và đang thiếu khả năng nhận diện về hành vi xâm hại để tự bảo vệ mình? Và theo bà cần làm gì để thay đổi thực tế này?
- Bà Mai Thị Bưởi: Tôi đã đi đến nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú và một thực tế có thể nhìn thấy ngay đó là các em học sinh không nhận diện được đâu là hành vi xâm hại. Đó là vì nhiều nhà trường hiện nay chưa có chương trình phổ biến cho học sinh về hành vi xâm hại và cách phòng chống; song song với đó cũng không hề có quy chế rằng khi học sinh gặp phải những tình huống không an toàn thì có thể tìm đến ai.
Nhiều trường cũng có tổ chức tuyên truyền, như chính Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn cũng từng làm, nhưng nếu chỉ như buổi thuyết trình từ trên xuống dưới và do các thầy cô trong nhà trường thực hiện thì học sinh dễ gặp tâm lý thụ động, không lắng nghe, từ đó sẽ không hiểu hết được và không thể chia sẻ.
Để đến khi có tình huống xâm hại xảy ra và học sinh bị kẻ xâm hại dùng nhiều cách để khống chế, đa phần sẽ cảm thấy sợ hãi, không dám kể với ai, không biết tìm đến ai để kêu cứu.
Theo tôi, có hai việc cần ngay và làm tốt, đó là truyền thông cho học sinh kiến thức về phòng chống xâm hại theo một phương cách thật hiệu quả và tạo ra cơ chế rõ ràng khi học sinh có chuyện thì báo cho ai. Nhà trường nếu như không thể thu xếp được một người phụ trách riêng về vấn đề này thì có thể thông qua hình thức viết giấy bỏ hòm thư, thư điện tử… để học sinh có thể kể câu chuyện của mình.
Và một điều quan trọng nữa là chính các thầy, cô giáo chủ nhiệm cũng cần phải có kiến thức và biết cách nhận diện sự việc. Bởi theo kinh nghiệm của tôi, những trẻ khi rơi vào tình trạng đó bao giờ cũng có những biểu hiện ra bên ngoài, đặc biệt đối với trường nội trú một lớp không nhiều học sinh, nên thái độ khác thường của học sinh không thể lọt qua mắt thầy cô được.
Để mỗi trẻ em đều biết về Tổng đài 111
Thưa ông, có một thực tế là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã vận hành được gần 1 năm sau khi nâng cấp từ đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 với thâm niên 13 năm hoạt động. Tuy nhiên, qua nhiều vụ việc xâm hại trẻ em có thể thấy sự hiểu biết về Tổng đài này trong xã hội nói chung và trong môi trường giáo dục nói riêng vẫn rất ít ỏi. Từ góc độ của Cục Trẻ em là đơn vị trực tiếp vận hành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, ông có kế hoạch gì để nhiều học sinh cũng như giáo viên biết đến Tổng đài này?
- Ông Đặng Hoa Nam: Trước hết phải nói ngay rằng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là Tổng đài do Chính phủ thiết lập giao cho Bộ LĐTB&XH và Bộ giao cho Cục Trẻ em vận hành. Nói vậy để thấy Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoạt động 24 giờ tất cả các ngày được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động để không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến.
Tổng đài là đường dây khẩn cấp có trách nhiệm liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền để kiểm tra thông tin tố giác ban đầu. Những thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại sẽ được chuyển tới các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em.
Đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, Tổng đài có trách nhiệm hỗ trợ người làm công tác trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp với từng trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam |
Khi một loạt những vụ việc xâm hại trẻ em trong trường học xảy ra, nhiều người đã nêu ý kiến với chúng tôi là phải làm sao để có những đường dây nóng của trẻ em được phổ biến trong trường. Phải làm sao cho trẻ ý thức và nhớ được những số điện thoại liên hệ khi xảy ra vấn đề và yên tâm rằng nếu báo sẽ không bị trù dập và ngay cả giáo viên cũng cần biết điều này.
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã vận hành được gần 1 năm sau khi nâng cấp từ đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 với thâm niên 13 năm hoạt động nên độ hiểu biết của xã hội về Tổng đài là không hề nhỏ. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, chúng tôi cũng đã và đang thực hiện có những hoạt động để độ “phủ sóng” của Tổng đài rộng hơn nữa.
Đơn cử như từ nửa cuối năm 2018 chúng tôi bắt đầu triển khai các kênh để thông tin nhiều hơn về Tổng đài. Tháng 12 này chúng tôi bắt đầu làm việc với các doanh nghiệp như doanh nghiệp vận tải để trên các xe buýt, tắc xi dán thông tin về Tổng đài, tiếp đó là các doanh nghiệp về sữa, đồ uống đưa một ô nhỏ thông tin về Tổng đài vào nhãn hàng trên sản phẩm, rồi doanh nghiệp văn phòng phẩm, giấy vở, sách giáo khoa in trên bìa con số 111 của Tổng đài...
Riêng với ngành Giáo dục, chúng tôi có kế hoạch phối hợp để tất cả các trường học đều có poster dán tại những chỗ dễ thấy, dễ nhìn nhất. Chúng tôi cũng sẽ làm việc với Bộ VHTT&DL để mảng du lịch các khách sạn, nhà hàng đều có dán poster về Tổng đài; làm việc với Bộ TT&TT để các phương tiện truyền thông đều có thông tin quảng cáo miễn phí về Tổng đài...
Tôi kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân hãy sử dụng số điện thoại 111 của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để lên tiếng thông tin, thông báo, tố cáo mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và thực hiện các việc tư vấn kiến thức về trẻ em với tinh thần ưu tiên bảo vệ trẻ em.
Trân trọng cảm ơn ông, bà về những thông tin quý báu này!.