Tại sao im lặng để chồng xâm hại tình dục con riêng, con chung của mình?

(PLO) - Đó là đề xuất mà Thẩm phán Lương Ngọc Trâm gửi đến Hội LHPN Việt Nam vì thực tế cho thấy qua các vụ án gia đình là người phụ nữ quá nhẫn nhịn để cam chịu sự bạo hành thể xác, tinh thần với mình, thậm chí im lặng một cách khó hiểu để chồng xâm hại tình dục con riêng, con chung của mình
Tại sao im lặng để chồng xâm hại tình dục con riêng, con chung của mình?

Án xâm hại phụ nữ, trẻ em ngày càng nhiều

Số liệu của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho thấy năm 2016 toàn quốc phát hiện 1.641 vụ xâm hại trẻ em, nạn nhân bị xâm hại chủ yếu là trẻ em gái (1.358 em chiếm 84%). Tuy nhiên, theo ông Khổng Ngọc Oanh – Phó phòng C45 Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an, con số không dừng lại ở đó. Với nhóm tội xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi, năm 2017 số vụ nhiều hơn năm 2016 là 43 vụ. Trung bình cứ 10 vụ xâm hại trẻ em thì có tới 7-8 vụ xâm hại tình dục. Nhiều vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn thương nặng nề đến thể chất, tinh thần của phụ nữ, trẻ em, ảnh hưởng lớn đến gia đình, xã hội như vụ cha xâm hại con, thầy giáo xâm hại học sinh...

Ở góc độ Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Lương Ngọc Trâm cho biết, số án có tội phạm xâm hại sức khỏe, tính mạng, tình dục phụ nữ và trẻ em ngày càng nhiều. Nếu như các vụ xâm hại trước đây xảy ra phổ biến ở vùng nông thôn, dân trí thấp thì ngày nay lại xảy ra nhiều ở thành phố với người phạm tội là trí thức, được học hành đàng hoàng.

Các vụ án liên quan đến gia đình, phụ nữ, trẻ em ngày càng nhiều đặt cho chúng ta một câu hỏi về vấn đề gia đình hiện nay. Và mặc dù pháp luật hình sự hiện hành rất nghiêm khắc với những loại tội xâm hại phụ nữ và trẻ em, so với luật cũ, có nhiều loại tội đã được tách riêng biệt để dễ xét xử, tuy nhiên trong thực tiễn xét xử không phải lúc nào cũng dễ dàng. “Phổ biến nhất là các vụ dâm ô trẻ em, vì không có cấu thành vật chất nên việc thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra gặp rất nhiều khó khăn”, theo bà Trâm.

Thống kê của ngành tòa án cho thấy 3/4 vụ án thiếu niên phạm tội thì các em xuất phát từ gia đình không yên ấm, cha mẹ bạo lực gia đình, ly hôn. Từ góc độ tòa án, theo quy định các tỉnh thành cần thành lập Tòa án gia đình và vị thành niên. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 2 địa phương có toàn này là TP.HCM và Đồng Tháp. Thực tế cũng cho thấy, đòi hỏi đặt ra với một người thẩm phán của Tòa án gia đình và vị thành niên là rất lớn với những yêu cầu hiểu biết sâu về gia đình, trẻ em, phụ nữ...

Tất cả những thực tế trên cho thấy, cần thiết phải có một sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội LHPN với chức năng nhiệm vụ chính là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái. Đây cũng là nội dung của buổi tọa đàm do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức  có sự tham gia của đại diện các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp, chuyên gia trong lĩnh vực giới, pháp lý, một số bộ, ngành, tổ chức liên quan.

Khéo léo phối hợp để tránh “xâm hại” nạn nhân lần nữa

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam TS. Bùi Thị Hòa trong 2 năm gần đây,  các cấp Hội đã phát hiện, tiếp nhận, tham gia giải quyết và hỗ trợ nhiều vụ việc liên quan đến trẻ em bị xâm hại tình dục, Trung ương Hội đã nhận đơn tố giác 7 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em và đã có công văn kiến nghị gửi tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ngôi nhà Bình yên của Trung ương Hội đã tiếp nhận và hỗ trợ 35 trẻ em bị mua bán, bị xâm hại tình dục, gần 100 trẻ được tham vấn.

Đặc biệt, Hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thông qua các vụ việc pháp lý cụ thể như vụ xâm hại trẻ em gái ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2016; vụ dâm ô trẻ em tại Quận Hoàng Mai, TP Hà Nội năm 2016; vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Gia Lâm, Hà Nội năm 2016... Từ sự phối hợp này nhận thức của cộng đồng về vai trò của Hội đã thay đổi, nhiều phụ nữ đã đến với tổ chức Hội để mạnh dạn đưa ra những vấn đề pháp lý họ đang gặp phải và đề nghị Hội bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ giúp đỡ.

Tuy nhiên, cũng theo TS. Bùi Thị Hòa hoạt động hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ các đối tượng phụ nữ đặc thù (phụ nữ di cư, phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực gia đình, nữ phạm nhân…) của Hội chưa thật sự hiệu quả; việc lên tiếng và hỗ trợ, bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em gái trong các trường hợp gặp rủi ro về mặt pháp lý đôi lúc chưa kịp thời, chưa giải quyết được những bức xúc trong dư luận; công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong xử lý vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em còn nhỏ lẻ theo vụ việc, chưa xuyên suốt và chưa có chiều sâu....

Giúp giải phóng sự phản kháng của phụ nữ - đó là đề xuất mà Thẩm phán Lương Ngọc Trâm gửi đến Hội LHPN Việt Nam. Theo bà Trâm, thực tế cho thấy qua các vụ án gia đình là người phụ nữ quá nhẫn nhịn để cam chịu sự bạo hành thể xác, tinh thần với mình, thậm chí im lặng một cách khó hiểu để chồng xâm hại tình dục con riêng, con chung của mình. “Cần thay đổi nhận thức của phụ nữ về quyền và lợi ích hợp pháp của họ, về việc họ được pháp luật bảo vệ chứ không đơn độc trước nạn bạo lực gia đình. Để từ đó giải phóng sự phản kháng của người phụ nữ, để họ biết và có thể phản kháng trước những hành vi bạo lực, xâm hại” – bà Trâm nhấn mạnh.

Từ sự tự đánh giá về năng lực, kỹ năng của đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ làm công tác tố tụng về các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em hiện còn nhiều hạn chế ông Khổng Ngọc Oanh cho rằng quan trọng nhất là xác định được nội dung, hình thức phối hợp giữa Hội với các cơ quan tiến hành tố tụng để từ đó có được cách thức tuyên truyền phù hợp cũng như bảo vệ hiệu quả nhân chứng là phụ nữ và trẻ em trong các vụ việc. “Cần lưu ý rằng, trong nhiều vụ việc, nếu không khéo xử lý, phối hợp, chúng ta sẽ vô tình “xâm hại” nạn nhân lần nữa bằng những câu hỏi, việc thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng tiếp xúc, làm việc với nạn nhân nên vô tình gây tổn thương thêm cho nạn nhân, làm cho nạn nhân có thái độ bất hợp tác dẫn đến khó khăn trong quá trình tố tụng”, theo ông Oanh. 

Đọc thêm