Khi được thông báo về việc khách hàng đã gửi tiết kiệm với lãi suất lên tới 16 - 16,5%/năm tại ngân hàng của mình, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cười mà rằng: “Kinh doanh mà! Không thế thì làm sao giữ được tiền vì nhiều ngân hàng nhỏ đang huy động với mức cao hơn…”. Vừa công khai với các chương trình khuyến mại tặng quà, “bốc thăm trúng thưởng”, vừa âm thầm thỏa thuận, mức lãi suất 14% mà hầu hết các ngân hàng treo lên chỉ là hình thức.
Gửi tiền phải mặc cả
Tại một Phòng giao dịch của ngân hàng (NH) trên đường Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội), khi khách hàng vừa cho biết có nhu cầu gửi tiền, nhân viên giao dịch đon đả hỏi chứng minh thư. Thế nhưng, vị khách hàng này tỏ ra điềm đạm: “Lãi suất (LS) thế nào nhỉ?”. “Dạ, 14%!”. “Chỉ có thế thôi à?”. “Dạ, còn chương trình tặng thẻ cào nữa…”. “Cơ hội thế nào?”. “Dạ, 100% trúng, thấp nhất là 10 nghìn đồng… Mỗi khách hàng gửi tiền được nhận 1 thẻ cào, phải gửi tối thiểu 20 triệu đồng thời hạn 1 tháng…”. “Còn gì nữa không?”. “Dạ, còn chương trình tặng quà nữa, nhưng hiện tại NH đã hết quà…”. Vị khách này “thank you!” rồi ôm túi tiền đi trong tiếng hỏi vớt vát của nhân viên: “Chị gửi nhiều không ạ?”.
|
Tại Phòng giao dịch của một NH khác trên đường Khâm Thiên (Hà Nội), một khách hàng đang chần chừ với sổ tiết kiệm 300 triệu đồng đã đến hạn, nhân viên niềm nở cho biết, ngoài LS 14%/năm, khách hàng còn được hưởng LS thưởng 2%/tháng, rồi nhanh nhảu bấm máy tính tanh tách. “Với 300 triệu đồng, gửi một tháng, chị sẽ được thêm 500 nghìn đồng, tương đương với LS 2%/tháng…”, nhân viên thông báo.
Khi gặng hỏi, nhân viên này cho biết chương trình này áp dụng cho số tiền gửi lớn (trên 100 triệu đồng), nếu số tiền gửi trên 1 tỷ đồng, LS có thể lên tới 16,5%. Sau một thoáng cân nhắc, vị khách này quyết định gửi lại.
Trên sổ tiết kiệm, mức LS vẫn được ghi 14% nhưng khách hàng được ký vào một văn bản thỏa thuận, trong đó ghi số tiền gửi, LS, thời hạn gửi và nói rõ: ngoài tiền lãi, khách hàng được nhận điểm thưởng dành cho khách hàng gửi tiền thân thiết là 200 điểm, số tiền này được quy đổi ra mức LS thưởng là 2%/năm, tương đương với 500 nghìn đồng với điều kiện khách hàng không được rút trước hạn…
Tiếng là “Văn bản thỏa thuận” nhưng văn bản này chỉ có một bản NH giữ, khách hàng chỉ được nhận “Phiếu xác nhận điểm thưởng dành cho khách hàng thân thiết” trong đó ghi số tiền, kỳ hạn gửi và xác nhận “Khách hàng được nhận điểm thưởng tương ứng là 200 điểm” mà không hề đề cập đến mức LS thưởng 2%/năm cũng như số tiền được thưởng (!?).
Bị kỳ kèo, vị khách hàng tặc lưỡi gửi lại, dù sao cũng đỡ mất công rút rồi đến NH khác gửi lại. Tất nhiên trên sổ tiết kiệm, LS vẫn ghi 14%/năm, khi bị thắc mắc, nhân viên viết tay giấy nhận nợ với số tiền bằng đúng 1% LS của số tiền gửi. “Đây là giấy nhận nợ của cá nhân em, NH không được phép phát hành bất cứ giấy tờ nào thể hiện LS ngoài 14%. Chị yên tâm, đâu phải 1% LS, NH hoạt động còn vì chữ Tín nữa”, nhân viên giải thích…
Nhân viên này cho biết số tiền ngoài sổ sách này sẽ được hạch toán vào chi phí mua văn phòng phẩm chẳng hạn.
Ngân hàng cũng khổ không kém
Tại cuộc gặp mặt báo chí mới đây, Tổng Giám đốc một NH thương mại cổ phần (TMCP) thừa nhận, sau vụ Techcombank nâng LS hồi đầu tháng 12 bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “thổi còi”, các NH chấp hành nghiêm chỉnh “đâu như được 1 tuần”, sau đó là “mạnh ai nấy đua”. Cũng theo vị lãnh đạo NH này, việc này NHNN biết, Thanh tra NH biết cả, thậm chí một quan chức cấp cao của NHNN còn phát biểu: “NH nào huy động dưới 15%/năm cứ lấy đầu tôi ra mà chặt!”(!?).
Liệu có hạ được LS như mục tiêu Chính phủ đã đề ra và kỳ vọng của DN?. Câu trả lời từ một số NH mà phóng viên tham khảo là “Khó!”. Hầu hết các NH kêu rằng rất khó trong việc thực hiện mục tiêu lợi nhuận vì hiện tại chi phí vốn vẫn cao. “Nếu buộc phải hạ LS thì cũng trong ngắn hạn thôi. Các NH vẫn đang phải đối mặt với độ trễ LS, bởi đang huy động cao cũng phải mất một thời gian mới hạ LS cho vay được, chưa kể giá cả tăng, khi tiền quay trở lại NH, LS cũng tăng lên…”, lãnh đạo của một NH phân tích.
Trước Tết, NHNN cũng “bơm” 132 nghìn tỷ hỗ trợ thanh toán cho các NH, song theo các NH, số tiền này cũng chỉ hỗ trợ các NH 2 ngày trước Tết và thường thì luồng tiền NHNN “bơm” ra ngắn hạn (khoảng một tháng). Thêm vào đó, các NH cứ huy động được 100 tỷ đồng LS 1,2% tháng thì phải nộp vào NHNN dự trữ bắt buộc 3 tỷ đồng với LS chỉ có 0,1%/tháng khiến cho giá vốn cao, chưa kể khoản LS huy động thỏa thuận ngoài sổ sách mà NH phải âm thầm chịu.
“Trước Tết, LS cho vay 25% vẫn vay ào ào, bây giờ bảo hạ LS xuống còn 14% thì lấy gì mà ăn. Các NH còn phải chịu áp lực cổ đông nữa chứ!”, lãnh đạo một NH thành thực.
Thông thường, sau Tết tiền gửi vào các NH tăng trong khi nhu cầu vay giảm. Năm nay cũng không phải ngoại lệ. Thế nhưng xem ra việc hạ LS vẫn… khó quá.
Hiểu My