Tri ân trong mùa bão

Tháng 7, những cơn bão rong ruổi ngoài biển không ngăn được dòng người tri ân trong và ngoài nước hành hương vào miền Trung, viếng mộ các Anh hùng, liệt sĩ ở các nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9, (Quảng Trị); Thành cổ Quảng Trị, Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)... Chúng tôi - những người làm báo Báo Pháp luật Việt Nam - cũng lên đường vào một ngày bão rớt...

Tháng 7, những cơn bão rong ruổi ngoài biển không ngăn được dòng người tri ân trong và ngoài nước hành hương vào miền Trung, viếng mộ các Anh hùng, liệt sĩ ở các nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9, (Quảng Trị); Thành cổ Quảng Trị, Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)... Chúng tôi - những người làm báo Báo Pháp luật Việt Nam - cũng lên đường vào một ngày bão rớt...

Không ai bị lãng quên

Đoàn Báo PLVN có PGS.TS Phạm Công Trứ - Trưởng ban Nội chính - thuộc thế hệ những người cầm súng ra trận. Thời trai trẻ của ông miên man trong bom đạn của chiến trường Quảng Trị - vùng đất máu lửa, khốc liệt và hào hùng. Chiến tranh kết thúc, ông trở về vẹn nguyên và lặng lẽ chở vào đời những bài thơ về tình yêu cuộc sống.

c
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo PLVN viếng Nghĩa trang Đường 9

Quảng Trị nơi nào cũng trắng mộ liệt sĩ. Thắp những nén nhang ở Nghĩa trang Trường Sơn, nhà thơ Phạm Công Trứ bảo: “Những bia mộ liệt sĩ không chỉ là dấu tích oanh liệt của hai cuộc kháng chiến mà còn là kỳ tích của 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam”.

Chiến tranh đã lùi xa 35 năm nhưng nỗi đau vẫn còn đó, vẫn hiện hữu trong những người còn sống, trong từng mái nhà trên dải đất hình chữ S. Vẫn còn đó những nấm mộ VÔ DANH, CHƯA BIẾT TÊN và đau xót hơn khi nhiều liệt sĩ vẫn còn nằm trong rừng sâu, núi thẳm.

Nghĩa trang Trường Sơn có 10.263 mộ chí, xây dựng trên tổng diện tích 39,6ha, chia thành 5 khu mộ, trong đó có 68 ngôi mộ chưa biết tên. Nghĩa trang Đường 9 cũng có trên 10.000 ngôi mộ với tỷ lệ mộ vô danh rất cao. Hàng năm, thân nhân các gia đình liệt sĩ đi tìm mộ đã đến đây nhưng những ngôi mộ vô danh vẫn chưa xác định được danh tính. Không biết bao nhiêu người con, người vợ, những người anh, người em hàng chục năm trời lặn lội đi tìm mộ liệt sĩ nhưng không hề nản lòng.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (ở 49 Tân Kỳ, Tân Quý, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Cha tôi là liệt sĩ Nguyễn Viết Nga (sinh năm 1940, nguyên quán Gia Mỹ, Gia Lâm, Gia Viễn, Ninh Bình; cấp bậc: Binh nhất, Tiểu đội phó đơn vị 5742, hy sinh ngày 7/2/1968). Tôi chỉ nghe nói bố đánh trận Làng Vây, Khe Sanh, Quảng Trị. Tôi đã hỏi Ban quản lý Nghĩa trang đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn nhưng không có mộ. Hiện gia đình tôi không biết bố tôi được chôn cất ở đâu...”.

Anh Ngô Văn Nguyên - con trai của liệt sĩ Ngô Minh Thược (cấp bậc: Thượng úy, hy sinh tại Cao điểm 102, Tây Bắc Thừa Thiên Huế) nói rằng sau nhiều năm tìm kiếm, anh đã có tia hy vọng tìm được cha mình, mặc dù chưa tìm được đồng đội của cha để xác minh. Anh Nguyên kể: “Theo thông tin của Ban Chính sách Sư đoàn 304, tôi được biết cha tôi hy sinh ở Cao điểm 102, Tây Bắc Thừa Thiên Huế cùng với 4 liệt sĩ khác.

Sau khi tìm hiểu thêm tại BCH Quân sự tỉnh Quảng Trị, gia đình tôi có thông tin là năm 1994, BCH Quân sự tỉnh Quảng Trị đã tìm thấy 5 bộ hài cốt được chôn cất cách Cao điểm 367 khoảng 1.500m về phía Tây. Thông tin này trùng với thông tin về 5 liệt sĩ hy sinh tại Cao điểm 102. Di vật tìm thấy theo từng hài cốt có những đặc điểm trùng với những thông tin về cha tôi. Nay để có căn cứ xác nhận họ tên cho các liệt sĩ, gia đình chúng tôi rất mong muốn tìm được đồng đội trước đây của cha tôi”.

Hành trình tìm mộ của những người con, người vợ, người anh, người em vẫn tiếp tục. “Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng”. Những ngôi mộ vô danh vẫn bất tử với chúng tôi và những thế hệ trẻ Việt Nam.

Người vùng gió cát

Trong hành trình tri ân, Đoàn Báo Pháp luật Việt Nam và các nhà tài trợ như Công ty TNHH Ngọc Thanh (TP.Hồ Chí Minh), Công ty CP Đầu tư phát triển Việt Nam Hilman JSC... đã đến hai xã Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) và xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) trao tặng hai căn nhà tình nghĩa, 100 suất quà cho đối tượng chính sách và 65 phần quà cho các cháu học sinh mồ côi, tàn tật vượt khó. Sau 3 tháng khô hạn, do ảnh hưởng của bão, hôm ấy trời mưa lớn.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch xã Hải Vĩnh - thì cảm kích: “Đoàn không chỉ chia sẻ những món quà, những tình cảm nồng ấm mà còn mang theo một “cơn mưa vàng” đến cho người dân”.

b
TS Đào Văn Hội - Tổng Biên tập Báo PNVN thăm và tặng quà trẻ em nghèo.

Mưa giăng đầy trời. Đi nhận quà, những đứa trẻ nghèo, mồ côi ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đội mưa vượt quãng đường dài 2-3 cây số đến trường. Em nhỏ nào trông cũng còi cọc, tóc đỏ quạch vì dãi nắng. Hình ảnh TS. Đào Văn Hội - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam - cúi xuống những mái đầu đỏ quạch của đám trẻ để lắng nghe những tâm sự không đầu không cuối của chúng thật đẹp và cảm động. Những đứa trẻ ấy có những điều ước thật dung dị: Có đứa mơ có một chiếc xe đạp để đi học. Đứa thì mơ nhà có một con bò để được đi chăn.

Em Hà Thị Kim Nhông (11 tuổi, năm nay lên lớp 5) mồ côi cha mẹ, hiện sống với mệ (bà nội) đã ngoài 70 tuổi, không lao động được nên cuộc sống của hai bà cháu bữa no, bữa đói. Dù vậy, Nhông vẫn không bỏ học. Em mơ ước mệ khỏe mạnh để hai bà cháu nương tựa vào nhau. Nhông nói: “Hai bà cháu sẽ tiết kiệm tiền mua vài con gà để nuôi. Sang năm, nếu các cô chú trở lại, nhà cháu sẽ có một đàn gà”. Hy vọng là món quà của Báo và các nhà tài trợ sẽ giúp Nhông có một đàn gà.

Em Nguyễn Thị Thi (7 tuổi, năm nay lên lớp 2) bị khuyết tật vận động. Mỗi ngày phải đi bộ 3km đến trường, với đôi chân tàn tật, Thi phải mất gấp đôi thời gian mới tới được trường và về nhà. Thi mơ ước đôi chân mình lành lặn để có thể đi xa hơn quãng đường ấy.

Ông Phan Nông - Phó Chủ tịch xã Quảng Thái - cho biết: Quảng Thái là xã Anh hùng nhưng là xã nghèo nhất huyện. Dấu tích của hai cuộc chiến vẫn hằn sâu trên mảnh đất bom đạn nhiều hơn lúa gạo này. Quảng Thái có 1.520 hộ, 5.850 khẩu nhưng có tới 400 liệt sĩ, 80 Mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó có 5 Mẹ còn sống) và 300 hộ gia đình chính sách, hiện không còn hộ đói. Tỷ lệ hộ nghèo trước đây là 40%, nay giảm xuống còn 28%; cơ sở hạ tầng đường, điện, trường, trạm đầy đủ; hơn 90% số hộ trong xã có phương tiện nghe nhìn.

Những năm trước, khi cái nghèo trùm lên các ngôi nhà trong xã, tỷ lệ học sinh dự thi và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng rất thấp. Năm 2009, xã đã có 38 học sinh theo học các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Lớp trẻ ở Quảng Thái quyết tâm vượt khó để đến trường và các em mong muốn có nhiều nhà hảo tâm hơn nữa.

Chiến tranh đã lùi xa 35 năm nhưng nhiều người mẹ vẫn “thầm khóc đứa con xa”, những người vợ vẫn gìn giữ những ký ức đẹp về “một nửa” đã đi xa. Cuộc sống của những người vợ, người mẹ ở những vùng đất đầy gió cát sau bao năm vẫn tảo tần và trung trinh như thế. Một ngôi nhà tình nghĩa cho mẹ Phạm Thị Đúc - vợ liệt sĩ ở xã Quảng Thái và một ngôi nhà tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Hoa - người có công với cách mạng ở xã Hải Vĩnh. Một ngôi nhà cho người nghèo không giúp họ thoát nghèo nhưng giúp họ có được một cuộc sống yên bình dưới mái nhà êm ấm...

Lam Hạnh 

Đọc thêm