Trì hoãn dẫn độ du học sinh Việt từ Hà Lan sang Mỹ

(PLO) - Việt Nam cần giải quyết như thế nào khi công dân của mình là công dân nước thứ ba bị yêu cầu dẫn độ?. Đây là vấn đề được đặt ra khi mới đây, Mỹ yêu cầu Hà Lan dẫn độ một du học sinh của Việt Nam. Pháp luật trong nước quy định như thế nào, có thể bảo vệ công dân Việt Nam trong các trường hợp tương tự được không?.
l Du học sinh Việt Nam Vũ Hoàng Hoàng.
l Du học sinh Việt Nam Vũ Hoàng Hoàng.
Bị yêu cầu dẫn độ vì tình nghi phạm tội
Truyền thông trong nước và cả nước ngoài đã phản ánh khá nhiều xung quanh vụ việc du học sinh Việt Nam Vũ Hoàng Giang – 23 tuổi, là sinh viên ngành Quản lý khách sạn Trường Saxion ở Deventer tại Hà Lan – bị phía Mỹ yêu cầu dẫn độ về hành vi đồng phạm lấy trộm thông tin thẻ tín dụng lớn (gần 800.000 Euro). Theo đó, Giang sang Hà Lan từ năm 2008 để học Trường Wittenborg và những năm 2010-2011 có ở chung với một người bạn cho đến khi bạn này về nước.
Tháng 8/2012, 10 tháng sau khi người bạn ở cùng về Việt Nam, cảnh sát đến lục soát nhà Giang và hai tuần sau Giang bị bắt, phải ở trong tù một tháng. Được Luật sư giúp tại ngoại, qua thông tin từ Đại sứ quán, Giang mới biết bạn ở cùng là người đã dùng thông tin cá nhân của Giang, lập một loạt địa chỉ email gần giống địa chỉ email mà Giang sử dụng để phạm pháp.
Trong khi đó, Tòa án ở Hà Lan không xem xét chuyện trong vụ này Giang phạm tội hay không  mà chỉ quyết định là sinh viên Vũ Hoàng Giang sẽ không bị dẫn độ cho đến khi học xong - cụ thể là đến ngày 21/7/2014. Ngay sau quyết định này của Tòa, Bộ An ninh và Tư pháp Hà Lan đã ra tuyên bố phản đối và vẫn cho rằng Giang nên bị dẫn độ. Bộ này có thể tiếp tục kháng cáo để đẩy nhanh việc dẫn độ Giang.
Luật sư bảo vệ Giang cho biết sẽ cố gắng tìm cách thuyết phục Tòa không dẫn độ Giang và mong muốn Chính phủ Mỹ nên tập trung vào người thật sự gây ra hành vi phạm pháp, hiện đang sống tại Việt Nam. “Giang đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của bạn bè và nhà trường. Thỉnh nguyện thư trên mạng xin cho Giang không bị dẫn độ và chỉ sau mấy ngày đã có hơn 1.200 chữ ký”, vị Luật sư này nói thêm.
Sẵn sàng hỗ trợ cho công dân
Việc bảo hộ công dân của mình ở nước ngoài là trách nhiệm của Nhà nước. Đối với trường hợp của du học sinh Giang, việc bảo hộ công dân thuộc trách nhiệm của Bộ Ngoại giao (Đại sứ quán và Cục Lãnh sự). Trong phạm vi của mình, các cơ quan chức năng trong nước luôn sẵn sàng hỗ trợ cho công dân, song cũng chỉ bảo hộ trong lĩnh vực ủy thác Tư pháp quốc tế, trên cơ sở có đơn yêu cầu của đương sự.
Về phía Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đã gửi một loạt công hàm cho Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Hà Lan. Một công hàm hồi tháng 5/2013 có nêu việc Cơ quan điều tra Bộ Công an của Việt Nam đã triệu tập người bạn ở cùng Giang là Nguyễn Quốc Việt (26 tuổi, thường trú tại Hà Nội) để hỏi về vụ việc.
Trong quá trình thẩm vấn, Việt thừa nhận từ tháng 9/2009 đến tháng 9/2011, bằng các hành vi phi pháp, Việt nhận vào tài khoản ngân hàng tại ABN-AMRO số tiền lên đến 500.000 Euro. Việt đã chuyển tiền vào tài khoản của mẹ mình tại Vietcombank tổng cộng là 788.000 Euro từ Hà Lan.
Theo công hàm của Đại sứ quán, các cáo buộc của Tòa quận Bắc Georgia (Mỹ) thực tế là các hành vi của Việt - người phạm pháp và sử dụng email của Giang dẫn tới việc Giang bị bắt. Công hàm cũng nói nếu phía Bộ Tư pháp Mỹ và FBI có thể cung cấp toàn bộ thông tin và bằng chứng liên quan tới hành vi phạm tội cùng đề xuất điều tra chính thức tới Bộ Công an Việt Nam thì Cơ quan điều tra của Bộ Công an và cơ quan tố tụng có thể xem xét và xử lý vụ việc theo luật pháp Việt Nam.
Công hàm của Đại sứ quán cũng “phản đối mạnh mẽ việc dẫn độ Vũ Hoàng Giang đến Mỹ, yêu cầu việc tuân thủ luật pháp quốc tế và làm rõ các cáo buộc để tránh việc bắt sai và phán quyết không đúng đối với người vô tội”.
Tuy nhiên, với phán quyết nêu trên của Tòa án Hà Lan, Vũ Hoàng Giang vẫn đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ, còn các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo hộ công dân vô tội của mình.

Đọc thêm