Giấc mơ du học và cạm bẫy môi giới “ma”

Cho con đi du học không còn là “mốt” của những gia đình khá giả, ngay cả những gia đình kinh tế “thường thường bậc trung”. Tuy nhiên, cạm bẫy trên đường du học xuất hiện ngay từ lúc các bạn trẻ chưa kịp khởi hành...

Cho con đi du học không còn là “mốt” của những gia đình khá giả, ngay cả những gia đình kinh tế “thường thường bậc trung”. Tuy nhiên, cạm bẫy trên đường du học xuất hiện ngay từ lúc các bạn trẻ chưa kịp khởi hành.

Hàng loạt công ty tư vấn lừa, trung tâm “ma” mọc lên như nấm, tuyển sinh ồ ạt, quảng cáo kêu như chuông. “Săn” được học bổng hay đi tự túc, không phải cứ cố là được, có tiền chưa chắc đã xong.

Hình chỉ mang tính minh họa (Internet)
Hình chỉ mang tính minh họa.

Thấp thỏm bỏ tiền túi du học tự túc

Nắm được tâm lý "sính" du học, nhiều công ty tư vấn, môi giới du học, hay các trung tâm ngoại ngữ mọc lên nhiều như “nấm sau mưa”. Nhiều hội thảo du học được mở ra, với đủ loại ưu đãi và lời hứa hẹn hấp dẫn về điều kiện xét tuyển cũng như môi trường học tập hiện đại, năng động, ưu việt.

Tham dự một hội thảo du học, chị Ngọc Mai (ngụ tại Nguyễn Trãi, Hà Nội) vẫn còn phân vân, chị từng nghe người quen có con đi du học kể về điều kiện khắt khe của các trường nổi tiếng nước ngoài nếu muốn xin vào học, nhưng sau khi tham gia hội thảo trên, chị lại được cung cấp những điều hoàn toàn ngược lại:

Chỉ cần chứng minh tài chính và mức điểm trung bình khá là điều kiện để con em của họ hoàn toàn “đủ tiêu chuẩn” vi vu xứ người.

Hầu như đến bất kỳ trung tâm nào, các bậc phụ huynh cũng được cam kết “chất lượng tốt nhất”, hoàn tất các thủ tục đi học trong thời gian ngắn, cũng như việc đảm bảo về cuộc sống sau này của các em tại đất nước sẽ đến học.

Nhưng thực tế nếu không tìm đúng trung tâm uy tín và chất lượng, khách hàng sẽ dễ lâm vào tình cảnh “tiền mất tật mang”, các em sang đến nơi mới phát hiện mình bị “bỏ rơi”, công ty “hứa 10 nhưng chỉ thực hiện được 5”.

Theo lời của Thanh Lâm, người đã từng làm công việc tư vấn cho nhiều trung tâm du học cho biết, hiện nay du học đang trở thành “mốt thời thượng”, mang lại lợi nhuận nên nhiều trung tâm “ma” cũng được lập ra là để tranh thủ “kiếm chác”.

Đa số các công ty dạng trên đều quảng cáo rất hoành tráng, nào là liên kết với các trường lớn, thuộc hàng “top” trên toàn thế giới, nào là chăm sóc, hỗ trợ du học sinh đến tận khi ra trường… Nhưng kỳ thực nếu khách hàng không “sành”, họ sẽ “tư vấn” và “chọn giúp” những trường chỉ phải đóng tiền để vào học mà không cần quan tâm đến chất lượng đào tạo.

Một khi lo xong các thủ tục cơ bản như xin visa, chứng chỉ ngoại ngữ, giấy gọi nhập học, đặc biệt khi đã thu tiền và đưa khách hàng sang đến nơi an toàn thì nhiệm vụ của họ coi như đã xong.

Trong thời gian học ở nước ngoài sau này có vấn đề gì xảy ra hoặc cần giúp đỡ, các du học sinh cũng không biết gọi ai và không biết ai mà tìm.

Một khi “lỡ bước sa chân” vào những công ty kiểu này, các “thượng đế” cũng chỉ còn biết ngậm ngùi chấp nhận vì mọi việc coi như “ván đã đóng thuyền”.

Nếu muốn nhận thêm sự trợ giúp thông qua công ty, họ phải chấp nhận đóng tiếp một khoản tiền theo kiểu “đâm lao phải theo lao” để mong giải quyết các vấn đề của con em mình một cách nhanh chóng, dễ dàng, tránh lôi thôi phiền phức về sau.

Ngoài việc gặp phải các trung tâm lừa, tiếc rằng có những trường hợp chưa có sự chuẩn bị kỹ càng cho công cuộc du học, các bạn trẻ chưa kịp học xong chương trình thì gia đình đã hết tiền chu cấp, hoặc đến khi học xong lại không đủ tiền mua vé máy bay về nước. Trong khi đó gia đình ở nhà phải vướng vào cảnh nợ nần, vay ngược vay xuôi để tiếp tục có tiền đóng học cho con mình.

Gian nan “săn” học bổng

Bên cạnh con đường “bay” tự túc đầy rẫy những khó khăn, hành trình xin học bổng cũng gian nan không kém. Những gia đình đã xác định cho con đi du học sẽ  chịu khó đầu tư rất chu đáo, thậm chí ngay từ lúc bắt đầu vào lớp một, trẻ đã được cho đi học thêm từ ngoại ngữ, kỹ năng đến các môn cơ sở để có được bảng thành tích học tập “sáng chói”.

Thêm vào đó, các bạn trẻ mong muốn được học tập tại nước ngoài còn phải có quá trình tham gia các hoạt động xã hội, ngoại khóa đáng nể mới có cơ hội lọt vào “mắt xanh” của các trường tên tuổi trên thế giới.

Trong tất cả các điều kiện, ngoại ngữ là khoản đầu tư đầu tiên và bắt buộc, điều này dẫn đến hiện tượng nhiều trung tâm Anh ngữ luyện thi với đủ mọi cấp độ, chứng chỉ và mức phí được mở khắp nơi, mà kết quả có khi lại tỉ lệ nghịch với số tiền đóng vào.

Theo Hoàng Quân, cựu học sinh trường Chu Văn An (Hà Nội) hiện đang theo học tại Hà Lan, chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh, hầu hết các bạn có nhu cầu đi du học đều chọn trung tâm lớn uy tín, giá thành cao, hay các giáo viên có tên tuổi để luyện thi. Nhưng thường thì các kỹ năng không  được cải thiện một cách nhanh chóng như ý muốn.

Lý do là cho dù lớp “chất lượng cao” chỉ có 7-12 học sinh thì một thầy cô cũng không thể cầm tay chỉ từng li từng tý, như thế người học sẽ khó có điều kiện để thực hành nhiều, đặc biệt là về kỹ năng nói.

Nhiều bạn trẻ có khả năng tự học đã chọn hình thức tự ôn luyện ở nhà, với sự kiên trì quyết tâm và việc tiếp cận thông tin dễ dàng như hiện nay thì việc này hiệu quả hơn nhiều so với hàng ngày cắp sách đến các trung tâm.

Sau khi vấn đề về ngoại ngữ đã khá ổn thì các vòng phỏng vấn cũng là những cửa ải khó khăn. Thường những trường càng uy tín càng đòi hỏi khắt khe khi tuyển sinh và có sự sàng lọc, cạnh tranh kịch liệt.

Trải qua nhiều vòng làm bài kiểm tra với đầy đủ các kiến thức phổ thông bằng tiếng Anh để đánh giá trình độ, vòng loại phỏng vấn trực tiếp là lúc để người tuyển lựa có thể phần nào đánh giá được khả năng giao tiếp và kỹ năng sống của các ứng viên du học.

Vượt qua tất cả các bước gian nan trên, những bạn trẻ “vượt qua được vũ môn” bắt đầu chuẩn bị bước chân vào con đường tự lập, sống xa nhà với những háo hức và phấn khởi mà không hề biết rằng thực tế khắc nghiệt đang chờ đợi, thậm chí sẵn sàng “nuốt chửng” những ai chỉ có ý định “cưỡi ngựa xem hoa” lấy cớ du học để rong chơi nơi xứ người.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm