Trí tuệ nhân tạo và mối nguy chiến tranh hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm thay đổi cách thức tác chiến và ra quyết định trong chiến tranh hiện đại.
Công nghệ AI hiện đại được áp dụng trong các UAV cho thấy sự lợi hại trong chiến tranh ngày nay. (Nguồn: AP)

Công nghệ AI hiện đại được áp dụng trong các UAV cho thấy sự lợi hại trong chiến tranh ngày nay. (Nguồn: AP)

AI không chỉ có thể làm thay nhiều mảng công việc của con người, từ luật sư, kế toán, giáo viên, lập trình viên và thậm chí cả nhà báo, công nghệ này còn đang làm bùng phát một cuộc cách mạng trong chiến tranh hiện đại, thay đổi sâu sắc cục diện cạnh tranh giữa các cường quốc. Tuy vậy, chuyện này lại ít được bàn một cách rộng rãi và thấu đáo.

Thay đổi cục diện

Nhiều năm qua, công nghệ AI sử dụng cho các máy bay không người lái (UAV) của Mỹ, được đánh giá là góp phần tiến hành không kích hiệu quả trong các vụ tấn công tiêu diệt các phần tử khủng bố khét tiếng tưởng như bất khả xâm phạm tại Trung Đông. Từ thủ lĩnh al-Qaeda năm 2015 ở Yemen đến trùm khủng bố Taliban tại Afghanistan năm 2022 và nhiều vụ không được công chúng biết đến rộng rãi.

Đặc biệt, vụ tấn công bất ngờ của UAV Mỹ nhằm vào người đứng đầu lực lượng tinh nhuệ Quds của Vệ binh cách mạng Iran, tướng Qasem Soleimani năm 2020, làm cả thế giới “sốc”, ngay cả trong lòng nước Mỹ. Gần đây nhất, vụ một UAV không rõ danh tính tấn công thẳng vào mái Điện Kremlin, một mục tiêu dường như là bất khả xâm phạm với các vũ khí thông thường. Vụ việc không gây ra thiệt hại về con người nhưng mối đe dọa của nó là không thể phủ nhận.

UAV chỉ là một trong các ví dụ cho thấy công nghệ AI hiện đại được áp dụng trong lĩnh vực quân sự lợi hại như thế nào. Mọi thứ không dừng lại ở đó. Công nghệ AI mới nhất với tên gọi ChatGPT do công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào năm 2022 đang gây tranh cãi trên toàn thế giới cho thấy, nó sẽ tiếp tục làm thế giới thay đổi sâu sắc hơn nữa, từ các yếu tố địa chính trị cho đến cách thức triển khai tác chiến, ra quyết định và răn đe chiến lược hiệu quả hơn.

Các chuyên gia cho rằng, ứng dụng AI trong chiến tranh ngày nay có thể làm giảm thiểu thương vong nhưng lại có khả năng gia tăng răn đe hiệu quả. Các vụ tấn công bằng UAV trong những năm qua đã chứng minh rất rõ điều này khi thiết bị được tích hợp AI mở rộng trong các lực lượng không quân, hải quân và lục quân.

Một quan chức của Lầu Năm Góc cho biết, các phi công thực thụ. Nga cũng đang thử nghiệm các loại xe tăng tự hành trong khi Trung Quốc và nhiều nước khác như Anh, Pháp, Đức… từ lâu đã triển khai các hệ thống vũ khí do AI điều khiển, bao gồm cả các loại tàu ngầm không người lái. Ngày 10/4, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đưa vào vận hành tàu tấn công đổ bộ đa năng TCG Anadolu, loại tàu sân bay đầu tiên trên thế giới chuyên dụng cho cả máy bay có người lái và không người lái…

Bộ Quốc phòng Mỹ đang triển khai kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng AI trong lĩnh vực không gian thông qua chương trình bí mật của không quân Mỹ có tên gọi “Chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo” (NGAD). Khi hoàn thành, dự án sẽ hỗ trợ cho khoảng 1.000 UAV phối hợp tác chiến cùng 200 máy bay chiến đấu thông thường.

Tuy nhiên, việc sử dụng AI tiềm ẩn rủi ro cao hơn vì có thể khiến các cường quốc rút ngắn thời gian ra quyết định chiến lược xuống vài phút thay vì hàng giờ hoặc vài ngày như trước đây, do việc ra quyết định trong các tình huống khó khăn đối với con người cần phải căn cứ vào rất nhiều thông tin, các đánh giá chiến lược và chiến thuật. Thế nhưng, với sự hỗ trợ của AI, quá trình ra quyết định rút ngắn, thậm chí ngay cả trong các tình huống phải ra quyết định sống còn và nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra.

Herbert Lin, một chuyên gia AI của Đại học Stanford cho biết, điều nguy hiểm là những người ra quyết định có thể chỉ cần dựa vào các thông tin do AI cung cấp rồi đưa ra các mệnh lệnh như một phần của hệ thống chỉ huy và kiểm soát vũ khí, kể cả vũ khí hạt nhân. Họ tin rằng, AI có khả năng xử lý, hoạt động với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với con người mà không hề bị chi phối bởi yếu tố khác như tình cảm, tính nhân đạo.

Thiết lập giới hạn

Trong một báo cáo được công bố vào đầu tháng 2/2023, Hiệp hội kiểm soát vũ khí Mỹ cho biết, AI và các công nghệ mới khác, chẳng hạn như tên lửa siêu thanh, có thể “xóa nhòa sự khác biệt giữa một cuộc tấn công thông thường và tấn công hạt nhân”. Báo cáo cũng cho rằng, cuộc tranh giành “khai thác các công nghệ mới nổi vào mục đích quân sự gia tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với nỗ lực đánh giá rủi ro mà công nghệ này mang lại và việc xây dựng giới hạn cho việc sử dụng AI.

Do đó, các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc quân sự cần phải làm chậm tốc độ vũ khí hóa các công nghệ AI, cẩn trọng cân nhắc rủi ro và áp dụng hạn chế đối với việc sử dụng AI vào mục đích quân sự”.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, họ đang nỗ lực làm điều đó nhưng “kết quả không mấy khả quan”. Tháng 1/2023, Bộ Quốc phòng Mỹ ra chỉ thị về các hệ thống vũ khí liên quan đến việc sử dụng AI, cho rằng ít nhất phải áp dụng một số đánh giá của con người trong việc phát triển và triển khai các hệ thống vũ khí tự hành.

Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, Lầu Năm Góc lại đang thử nghiệm sử dụng AI trong việc tích hợp chức năng ra quyết định từ tất cả các quân chủng và bộ chỉ huy tác chiến. Bên cạnh đó, với việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc, đặc biệt là chất bán dẫn tiên tiến để duy trì vị trí dẫn đầu hiện tại của Mỹ về AI, Lầu Năm Góc có khả năng đẩy nhanh những nỗ lực này để chiếm ưu thế.

Trong một phát biểu năm 2019, Trung tướng Jack Shanahan, cựu Giám đốc Trung tâm trí tuệ nhân tạo của Lầu Năm Góc cho biết, mặc dù Bộ Quốc phòng muốn theo đuổi mục tiêu tích hợp các khả năng AI nhưng chắc chắn sẽ không bao gồm ra các mệnh lệnh chỉ huy và kiểm soát hạt nhân. Tướng Shanahan nhấn mạnh: “Mỹ sẽ tiếp tục phát triển và sử dụng AI trong hệ thống vũ khí của mình để có được lợi thế trong tác chiến, đồng thời giảm thiệt hại con người và ngăn chặn chiến tranh xảy ra ngay từ đầu”.

Thế nhưng, có một mối lo rất lớn khác là các công nghệ AI tiên tiến rất có thể đã được các tổ chức khủng bố sử dụng để hướng dẫn chế tạo “bom bẩn” hay phát triển các loại thiết bị, vũ khí gây chết người khác một cách dễ dàng.

Cuộc chạy đua khốc liệt

Rõ ràng là, một cuộc chạy đua ứng dụng AI vào các cuộc chiến và xung đột đang diễn ra ngày càng khốc liệt mà con người khó có thể cưỡng lại. Trong một bức thư chung được công bố vào cuối tháng 3/2023, hơn 2.000 nhà lãnh đạo và nhà nghiên cứu công nghệ - bao gồm cả tỷ phú Elon Musk của Tesla và Steve Wozniak của Apple - kêu gọi các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới tạm dừng phát triển các mô hình trí tuệ kỹ thuật số mới nhất vì lo ngại chúng có thể gây thảm họa cho loài người.

Thế nhưng, viễn cảnh chính phủ các cường quốc chấp nhận dừng phát triển AI rất khó xảy ra. Điều này không chỉ bởi các công ty công nghệ lớn nhất thế giới đang tham gia cuộc cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là ở Thung lũng Silicon, mà còn vì công nghệ mới được triển khai trong môi trường quốc tế, ở đó các cường quốc bị lôi kéo vào một cuộc cạnh tranh gay gắt để tranh giành vai trò thống trị.

Trung tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu David Deptula cho biết: “Lý do lớn nhất để các cường quốc tiếp tục phát triển AI trong quân sự là vì đối phương có quyền lựa chọn dừng hay không mà không hề có ràng buộc nào. Ngay cả trong trường hợp nước Mỹ ngừng nghiên cứu và phát triển AI vì mục đích quân sự, thì các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc và Nga chắc chắn sẽ tiếp tục nghiên cứu và sử dụng AI cho các mục đích riêng”.

Thống trị thế giới

Bức thư của 2.000 nhà lãnh đạo và nhà nghiên cứu công nghệ đề cập ở trên là bằng chứng mới nhất về tâm lý hoang mang lan rộng kể từ khi ChatGPT xuất hiện. Các công ty công nghệ lớn đã đua nhau ra mắt hệ thống AI để “cạnh tranh với con người”. Bức thư đặt ra các câu hỏi: “Chúng ta có nên để công nghệ nhân tạo phủ đầy các kênh thông tin bằng chiến lược tuyên truyền và đưa thông tin sai lệch hay không? Chúng ta có nên tự động hóa tất cả công việc, kể cả những công việc đòi hỏi cảm xúc hay không? Có nên phát triển những bộ óc phi nhân tính để chúng có thể vượt lên thông minh hơn và thay thế chúng ta không? Có nên mạo hiểm để mất kiểm soát nền văn minh của chúng ta hay không?”.

Điểm mấu chốt là, nếu các công ty tài trợ cho phòng thí nghiệm AI không đồng ý tạm dừng, thì “chính phủ nên can thiệp và đưa ra lệnh cấm”. Tuy nhiên, đã có lãnh đạo một cường quốc sản xuất vũ khí cho rằng “bên nào dẫn đầu trong lĩnh vực AI sẽ thống trị thế giới”.

Có thể thấy, các cuộc xung đột, cạnh tranh trong tương lai sẽ được quyết định “khi UAV của một bên bị phá hủy bằng UAV của đối phương”.

Đọc thêm