Triển khai chính sách bình ổn giá để giữ ổn định thị trường

(PLVN) - Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023. (Nguồn ảnh: VGP)
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023. (Nguồn ảnh: VGP)

Chú trọng công tác tổ chức thi hành pháp luật

Nghị quyết nêu rõ, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, nền kinh tế nước ta có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trước tình hình đó, trong tháng 12/2023 và thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực.

Các Bộ, cơ quan, địa phương thúc đẩy mạnh mẽ các động lực về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu nhằm phục hồi nhanh tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy cơ hội từ thị trường trong nước và xuất khẩu trong dịp cuối năm 2023 và đầu năm 2024; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và huy động, phát huy hiệu quả đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài.

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương, nắm chắc tình hình, tăng cường năng lực phân tích, dự báo để phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ... Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, khuyến mại, giảm giá, kết nối cung - cầu trong nước. Hoàn thành việc lập, thẩm định, phấn đấu cơ bản phê duyệt xong các quy hoạch trong năm 2023.

Cùng với đó, tập trung rà soát, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế, chính sách để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế; kịp thời phát hiện các bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, vướng mắc trong các quy định pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, biện pháp thi hành các Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật, không để xảy ra “khoảng trống” pháp lý. Chú trọng công tác tổ chức thi hành pháp luật, tập trung nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân.

Quyết liệt với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh triển khai toàn diện, đồng bộ cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh rà soát, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định; các Bộ, cơ quan rà soát, tái cấu trúc 53 dịch vụ công thiết yếu tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm cắt giảm giấy tờ, thời gian đi lại và chi phí thực hiện; xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình điện tử liên thông đối với các nhóm thủ tục hành chính liên thông, hoàn thành trong tháng 4 năm 2024.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra; thực hiện đúng quy định về tiếp công dân, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh ở cơ sở, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Bám sát tình hình, diễn biến cung - cầu hàng hóa thiết yếu trong nước, chủ động phương án điều tiết phù hợp, triển khai chính sách bình ổn giá để giữ ổn định thị trường, giá cả, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống của Nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết.

Chính phủ yêu cầu tổ chức tổng kết công tác năm 2023, đánh giá kết quả đạt được, có gì mới, có gì khác và hiệu quả hơn năm 2022, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 một cách thực chất, hiệu quả, phấn đấu bảo đảm đạt hoặc hoàn thành ở mức cao hơn các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Đọc thêm