Triển khai Luật Điện ảnh: Quyết tâm để phim Việt bứt phá

(PLVN) -  Từ năm 2023, điện ảnh Việt Nam bước vào thời kỳ hoạt động với hành lang pháp lý có nhiều điểm mới quan trọng được quy định tại Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022, mà cơ bản nhất là quan điểm phát triển “ngành công nghiệp điện ảnh”. Điều này là cơ sở để phát triển điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hội nhập của điện ảnh nước nhà với thế giới.
Cần xây dựng nguồn nghệ sĩ có đủ thực lực để phát triển công nghiệp điện ảnh. (Ảnh minh họa)

Hành lang pháp lý “mở” với công nghiệp điện ảnh

Có thể nói, ứng dụng của các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, hiện tại là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã giúp nền điện ảnh nước nhà giảm thiểu chi phí, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, nâng cao chất lượng phim ảnh, đưa sản phẩm tiếp cận đến nhiều người xem hơn, lưu trữ số hoá tạo nên kho dữ liệu khổng lồ để mọi đối tượng có thể tiếp cận dễ dàng…

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, cơ hội là rất nhiều thách thức. Có thể kể tới một số thách thức mà điện ảnh Việt Nam đang đối mặt trong bối cảnh 4.0 như: nạn xâm phạm bản quyền tràn lan và khó xử lý; khó khăn trong việc phát hành, phổ biến phim thông qua các ứng dụng trên nền tảng kỹ thuật số, đặc biệt là vấn đề kiểm duyệt nội dung;…

Sau 16 năm thực hiện Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009, nhiều bất cập, thiếu sót đã bộc lộ như: một số quy định không còn phù hợp, hoặc đã bị bãi bỏ hoặc được quy định tại luật chuyên ngành khác; một số quy định chưa thể hiện đặc thù của điện ảnh nên không khả thi; một số vấn đề mới phát sinh chưa được quy định trong Luật, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ IX (2020-2025), các đại biểu đã chỉ ra nhiều bất cập trong điện ảnh Việt. Đơn cử, những năm gần đây, dòng phim thị trường, thương mại do tư nhân sản xuất chiếm vai trò chủ đạo nhưng các nhà sản xuất tư nhân tập trung khai thác những đề tài thuần giải trí, đậm tính thương mại. Bởi vậy, những đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, chính luận, hiện thực xã hội, nhân sinh đều rất hiếm thấy; hầu như không có những bộ phim giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và những tư tưởng, thẩm mỹ có đẹp cho công chúng, đặc biệt là người trẻ tuổi. Bên cạnh đó còn có nhiều vấn đề khác như: khâu quảng bá phát hành chưa được chú trọng đúng mức, lý luận phê bình điện ảnh cũng chưa thực sự phát triển; nguy cơ điện ảnh bị “nghiệp dư hóa”…

Trước những bất cập và thách thức, Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam. Theo đó, điểm mới cốt lõi nhất là quan điểm phát triển điện ảnh chính là xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, thay vì cơ sở quan niệm “điện ảnh là ngành nghệ thuật” như trước đây. Cùng với đó là các nguyên tắc, chính sách, sản xuất, phát hành, phổ biến phim, quảng bá điện ảnh, xây dựng đội ngũ nghệ sĩ, huy động các nguồn lực… để tạo dựng hành lang pháp lý cho việc áp dụng các thành tựu công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến khác trong quản lý, hỗ trợ công nghiệp điện ảnh phát triển.

Việc ban hành luật này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp điện ảnh dân tộc, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hội nhập của điện ảnh nước nhà với thế giới. Bởi lẽ, công nghiệp điện ảnh là xu thế phát triển tất yếu ở các nước, là bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa. Một bộ phim không chỉ là một “tác phẩm điện ảnh” mà còn là một “sản phẩm của công nghiệp điện ảnh”.

Phim điện ảnh Việt hiện đang chủ yếu là phim thị trường. (Ảnh minh họa)

Tạo nhiều cơ hội cho phim Việt bứt phá

Luật Điện ảnh 2022 đã quy định nhiều yếu tố cần thiết để phát triển thực chất nền công nghiệp điện ảnh. Đơn cử, về phát hành, phổ biến phim, lần đầu tiên Luật quy định chế độ “tiền kiểm” kết hợp “hậu kiểm” thay vì chỉ “tiền kiểm” như trước đây nhằm đảm bảo chất lượng nội dung phim ảnh. Luật cũng nêu rõ “xây dựng, quảng bá thương hiệu điện ảnh quốc gia, vùng, địa phương, doanh nghiệp; nghiên cứu, phát triển thị trường điện ảnh trong nước và nước ngoài”, trong đó cần chú ý tới “thương hiệu” và “thị trường” là hai thành tố quan trọng của một nền công nghiệp.

Cùng với đó, Luật cũng mở rộng cho các cơ quan, đơn vị ngoài Bộ VH,TT&DL được tổ chức các sự kiện điện ảnh (quốc tế và trong nước) nhằm phát triển thương hiệu điện ảnh nước nhà. Hơn thế, Luật còn có quy định riêng về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam nhằm góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài, thúc đẩy phát triển điện ảnh, du lịch và các ngành dịch vụ liên quan. Theo đó, “Nhà nước sẽ có chính sách để huy động các nguồn lực” để xây dựng công nghiệp điện ảnh.

Đáng nói, Nghị định số 131/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh (có hiệu lực từ 1/1/2023), cũng cho thấy quyết tâm cao độ sớm triển khai Luật Điện ảnh vào thực tế. Trong Nghị định có nhiều nội dung được dư luận quan tâm như: Quy định tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam; Phương án kỹ thuật phổ biến phim trên không gian mạng; Sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh...

Đáng chú ý, theo Nghị định này, phim Việt Nam được phát sóng trên các kênh truyền hình trong nước phải được tăng thời lượng chiếu vào các ngày lễ lớn của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại; chiếu theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại. Phim Việt Nam cũng được ưu tiên chiếu vào một số khung giờ nhất định, và tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp chiếu phim trên toàn quốc sẽ được tăng lên theo lộ trình đề ra. Như vậy, phim điện ảnh Việt Nam sẽ có nhiều “đất diễn” và cơ hội hơn để cạnh tranh với phim điện ảnh nước ngoài so với trước đây.

Công nghiệp điện ảnh suy cho cùng vẫn là một phần của công nghiệp văn hóa. Văn hóa vừa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của xã hội. Bởi vậy, Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đã xác định mục tiêu chung là “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã đặt mục tiêu xây dựng nền điện ảnh Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, có uy tín quốc tế với ngày càng nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, giáo dục, thẩm mỹ theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

Việc phát triển văn hoá luôn song hành cùng với quá trình xây dựng con người. Nhưng thời qua, dư luận thường xuyên đề cập đến vấn đề nhức nhối về chất lượng và số lượng của đội ngũ nghệ sĩ vẫn còn yếu và thiếu – một trong những lý do khiến nền điện ảnh nước nhà chưa thể bứt phá. Còn tồn tại hiện tượng một số nghệ sĩ có hành vi, phát ngôn thiếu chuẩn mực, quảng cáo sai sự thật, thiếu minh bạch và trục lợi từ niềm tin của cộng đồng trong các hoạt động từ thiện, vi phạm pháp luật… khiến dư luận bức xúc, chỉ trích.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ IX cũng chỉ ra bất cập về hoạt động đào tạo nhân lực cho ngành còn hạn chế, hiện chủ yếu do hai trường điện ảnh tại Hà Nội và TP HCM tiến hành. Mặc dù đã có thêm những hình thức xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo, bổ túc nghiệp vụ nhưng vẫn còn rất nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đây là một trong những thách thức lớn cần sớm tìm ra giải pháp để phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà.

Đọc thêm